Ẩm thực - điểm nhấn vực dậy du lịch sau đại dịch

11:19 | 25/12/2021

|
Từ câu chuyện phở, bánh mì, bún chả Việt Nam đi vòng quanh thế giới, có thể thấy, điểm nhấn quan trọng của ngành du lịch Việt chính là ẩm thực.
Ẩm thực - điểm nhấn vực dậy du lịch sau đại dịch
Ẩm thực Huế có bề dày lịch sử lâu đời, là một thước đo chiều sâu của con người và văn hóa Huế.

Ấy nhưng, thực tế cho thấy, du lịch ẩm thực Việt Nam vẫn chưa phát huy được tiềm năng vốn có, còn bị đánh giá tương đối thấp hơn so với nền ẩm thực tại các quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới.

Đến bao giờ UNESCO gọi tên ẩm thực Việt?

Mới đây, cùng với việc phở - một trong những món ăn mang tính biểu tượng văn hóa ẩm thực của Việt Nam được quảng bá trên trang chủ Google của gần 20 quốc gia, Sở Du lịch TP HCM ngay lập tức phát động chương trình truyền thông du lịch ẩm thực tới du khách với thông điệp “Dậy sớm cùng thành phố ăn phở”.

Với phương châm “An toàn tới đâu thì mở cửa tới đó, mở cửa thì phải an toàn”, ngành du lịch TP HCM xác định du lịch ẩm thực là một trong những nội dung trọng tâm và phở là món ăn tiêu biểu để quảng bá đến du khách. Đây cũng là một trong những hoạt động tại Ngày hội du lịch TP HCM lần thứ 17 năm 2021 diễn ra từ ngày 4 đến 25/12.

Cũng trong tháng 12, UNESCO đã công bố quyết định ghi Văn hóa bán hàng rong của Singapore vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại, sau hai năm quốc gia này trình đề cử. Theo đó, Thủ tướng Lý Hiển Long đã bày tỏ sự cảm ơn tới những người bán hàng đã “nuôi dưỡng quốc gia” và khuyến khích người dân ủng hộ nền văn hoá ẩm thực này.

Đáng nói, bên cạnh Singapore, bữa ăn kiểu Pháp, văn hóa bia Bỉ, nghệ thuật làm bánh pizza Napoli, văn hóa muối kim chi truyền thống của Hàn Quốc, văn hóa ẩm thực truyền thống Washoku của Nhật Bản, cà phê Thổ Nhĩ Kỳ, ẩm thực Mexico, ẩm thực Địa Trung Hải, rượu vang vùng Gruzia... cũng đều là những di sản văn hoá phi vật thể đã được UNESCO công nhận.

Thông thường, việc được UNESCO công nhận không chỉ mang đến những nguồn lực để bảo tồn các giá trị văn hoá phi vật thể nêu trên mà còn là một yếu tố đặc biệt để thu hút khách du lịch đến với một quốc gia, điểm đến nhất định. Khách quan mà nói, nền ẩm thực nước ta vừa đa dạng vừa có bề dày lịch sử lâu năm, đã được ghi nhận trên bản đồ ẩm thực thế giới. Tuy nhiên, trước thực tế là ẩm thực Việt vẫn chưa thể ghi danh vào Danh sách di sản văn hoá phi vật thể của thế giới, vấn đề đặt ra là giá trị ẩm thực Việt đã được phát huy hết tiềm năng hay chưa?

Ví dụ điển hình là ẩm thực xứ Huế vốn được các chuyên gia ẩm thực đánh giá cao bởi sự tinh tế, cầu kỳ và sang trọng. Theo một số kết quả nghiên cứu, khảo sát, trong kho tàng ẩm thực Việt có khoảng 1.700 món thì Huế chiếm đến hơn 1.300 món ăn và thức uống, chia làm ba dòng chính: Cung đình, dân gian và chay. Không chỉ đa dạng, món ăn Huế còn thể hiện đậm nét giá trị văn hóa, lịch sử, phong tục tập quán, nghệ thuật và hương vị cực kỳ riêng không hòa lẫn. Nói cách khác, với những tiềm năng nội tại như vậy, ẩm thực Huế xứng đáng được ghi danh và bảo tồn như một di sản quốc gia, di sản nhân loại. Tuy nhiên, trên thực tế, ẩm thực Huế vẫn chưa được xuất hiện trong danh sách Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, chứ chưa nói tới thế giới.

Cần lộ trình khẳng định chỗ đứng cho ẩm thực Việt

Không thể phủ nhận, việc UNESCO công nhận giá trị ẩm thực sẽ là lợi thế cạnh tranh đặc biệt đối với ngành du lịch địa phương nói riêng và trên cả nước nói chung. Tuy nhiên, để đạt được danh hiệu này cần phải có lộ trình rõ ràng.

Đơn cử đối với việc công nhận nền ẩm thực Huế, điều tiên quyết là phải triển khai kế hoạch kiểm kê và lập hồ sơ khoa học ẩm thực Huế đề nghị Bộ VH-TT&DL đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, nhằm đánh giá những giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa và khoa học… của ẩm thực Huế. Đây cũng là nền tảng cần thiết để di sản ẩm thực Huế đủ điều kiện tiến hành xây dựng hồ sơ khoa học đệ trình UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Cùng với đó là việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục nhằm nâng cao nhận thức người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, thông qua các sự kiện quảng bá, liên hoan, triển lãm, lễ hội về ẩm thực… góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng xã hội. Đồng thời, chính quyền cần tạo điều kiện thuận lợi cho các nghệ nhân thực hành sáng tạo và truyền dạy cách thức chế biến món ăn, thức uống trong các gia đình, nhà trường, câu lạc bộ…, khuyến khích nhiều nhân tố trẻ theo đuổi các ngành nghề liên quan tới ẩm thực.

Tóm lại, mỗi địa phương ở Việt Nam đều có một thế mạnh ẩm thực riêng nhưng chưa hề có một “sợi dây xuyên suốt” kết nối tất cả những điều này. Những năm gần đây, du lịch ẩm thực tại nước ta dù có tiềm năng rất lớn nhưng xã hội mới chỉ tiếp cận nhận thức ẩm thực là một hoạt động trong du lịch, có vai trò quan trọng đối với du lịch, mà chưa xác định đó là một loại hình du lịch.

Từ đó cho thấy, để ngành du lịch ẩm thực có cơ hội “cất cánh”, một lộ trình sáng rõ, hợp lý và kịp thời để công nhận những giá trị vốn có của ẩm thực nước nhà là điều cần thiết và cấp bách trong bối cảnh ngành du lịch quốc tế ngày càng cạnh tranh khốc liệt hơn sau dịch bệnh.

Nguồn: Ẩm thực - điểm nhấn vực dậy du lịch sau đại dịch

Đỗ Trang

baophapluat.vn