Ăn chay Rằm tháng Giêng, nên hay không?

17:32 | 25/02/2021

|
Ăn chay vào Rằm tháng Giêng ngày nay không chỉ mang ý nghĩa tâm linh mà là một nét văn hóa độc đáo, một truyền thống ẩm thực của người Việt Nam.

Rằm tháng Giêng có kiêng quan hệ nam nữ hay không?

Những lưu ý cần nhớ khi chuẩn bị mâm cúng Rằm tháng Giêng

Rằm tháng Giêng là ngày gì, tất tần tật thông tin về ngày Tết Nguyên tiêu

Rằm tháng Giêng là một trong ba dịp ăn đồ chay lớn nhất trong năm. Ngày này được gọi là Tết Nguyên tiêu hay lễ Thượng nguyên, còn Rằm tháng Bảy là lễ Trung nguyên và Rằm tháng Mười là lễ Hạ nguyên. Do đó, ngoài ý nghĩa làm thanh tịnh tâm hồn, nhiều người còn xem đây là dịp cầu phước lành để bắt đầu một năm mới suôn sẻ. Ăn chay vào Rằm tháng Giêng không chỉ mang ý nghĩa tâm linh mà là một nét văn hóa độc đáo, một truyền thống ẩm thực của người Việt Nam.

Những bữa chay với các món ăn thanh đạm từ rau củ không chỉ giúp đổi vị, thanh lọc cơ thể mà còn rất tốt cho sức khỏe và là cách được nhiều người lựa chọn để cầu mong những điều bình an, may mắn cho gia đình trong năm mới.

Lên chùa ăn chay

Ăn chay Rằm tháng Giêng, nên hay không? 001

Ngày rằm lên chùa lễ Phật thì ăn chay cũng trở thành thói quen tâm linh của nhiều người bởi lẽ bữa cơm chay đầu năm ở chùa được xem không khác gì lộc đầu Xuân. Tại nhiều chùa và thiền viện, những mâm cỗ chay ngày Rằm tháng Giêng luôn được phục vụ miễn phí cho khách thập phương vì thế nên bữa cơm chùa ngày rằm nào cũng được người dân chờ đợi.

Mâm cơm chùa khá đơn giản, thường có vài ba món đồ xào, nấm, canh và đậu hũ kho ăn với cơm trắng. Ngoài ra, mỗi chùa còn có một món “đinh”, khi thì bún riêu, lúc là kiểm hay gỏi, bì cuốn… Tuy đơn giản, song tâm thế “ăn cơm chùa” vẫn khiến bữa ăn đạm bạc chẳng khác gì cỗ tiệc thịnh soạn mà lại vui vẻ, thanh nhàn.

Tự làm mâm cỗ chay tại nhà

Ăn chay Rằm tháng Giêng, nên hay không? 002

Nhiều tín đồ phật tử ngoài việc đi chùa còn bày biện một mâm cơm chay tại nhà. Tiệc chay tại gia thường không quá cầu kỳ, đa phần cũng là rau quả, chè xôi, canh, món mặn, đồ xào…

Mâm cơm chay là sự biến hóa muôn hình vạn trạng của những thực phẩm quen thuộc như nấm, đậu hũ, rau quả… từ kho mặn, kho khô, chiên, xào đến rang khô, nướng. Riêng món canh là sự tổng hòa của nhiều loại rau quả nên chẳng bao giờ thấy đơn điệu. Cầu kỳ hơn một chút thì có cà ri chay, giò chay...

Ra ngoài ăn chay tại các cửa hàng

Ăn chay Rằm tháng Giêng, nên hay không? 003

Không có nhiều thời gian vãn cảnh chùa hay tự tay chuẩn bị mâm cỗ, nhiều thực khách chọn cho mình những địa chỉ chay tịnh quen thuộc để thưởng thức món chay. Danh sách quán chay trong thành phố khá phong phú.

Một số quán ăn chay nằm tại Sài Gòn như: Thuyền Viên (13 Nguyễn Văn Đậu, quận Phú Nhuận), Thanh Lương (545A đường 3 tháng 2, quận 10), Âu Lạc (60 Tân Vĩnh, quận 4), Giác Đức (492 Nguyễn Đình Chiểu, quận 3)… với thực đơn có đến hơn 200 món từ bún, phở đến cơm, lẩu.

Ở Hà Nội có các nhà hàng như Bồ Đề Tâm (34 Phạm Huy Thông, quận Ba Đình), nhà hàng Cơm Chay Hà Thành (số 116 ngõ 166 Kim Mã, quận Ba Đình), Tịnh Thư Quán (43 Trần Hữu Tước, Nam Đồng, quận Đống Đa), Minh Chay Vegan Restaurant - Ruốc Nấm Hương (30 Mã Mây, Hoàn Kiếm, Hà Nội)...

Tại đây, tất cả các nguyên liệu chế biến các món ăn được tuyển lựa kỹ càng, bởi sức khỏe là điều trước nhất mà nhà hàng quan tâm. Rau quả tươi, đậu phụ, nấm hương, mộc nhĩ... đều được nhập từ các nguồn rau quả sạch uy tín của Việt Nam, cộng thêm cả những sản phẩm chay nhập khẩu từ các công ty uy tín đều có chứng chỉ an toàn cho sức khỏe.

Theo: Petrotimes