Ấn Độ cho phép nước ngoài đầu tư điện hạt nhân?

07:40 | 09/05/2023

|
Hai nguồn tin chính phủ cho biết, nhằm nỗ lực thúc đẩy phát triển năng lượng sạch hơn, Ấn Độ đang cân nhắc dỡ bỏ lệnh cấm đầu tư nước ngoài vào ngành điện hạt nhân và khuyến khích giới doanh nghiệp tư nhân trong nước tham gia nhiều hơn.
Bộ Công Thương: Yêu cầu có giá điện cho dự án điện gió, điện mặt trờiBộ Công Thương: Yêu cầu có giá điện cho dự án điện gió, điện mặt trời
Vì sao Anh loại Trung Quốc khỏi dự án điện hạt nhân lớn?Vì sao Anh loại Trung Quốc khỏi dự án điện hạt nhân lớn?
Ấn Độ cho phép nước ngoài đầu tư điện hạt nhân?

Đây là những biện pháp khuyến nghị của một hội đồng trực thuộc chính phủ - tổ chức tư vấn Niti Aayog, do Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đứng đầu.

Theo Đạo luật Năng lượng Nguyên tử năm 1962 của Ấn Độ, chính phủ đóng vai trò trung tâm trong hoạt động phát triển và vận hành những nhà máy điện hạt nhân. Còn những công ty tư nhân trong nước được phép tham gia với tư cách là “đối tác góp vốn cấp dưới”, tập trung vào việc cung cấp linh kiện và giúp xây dựng nhà máy. Hội đồng đã khuyến nghị thay đổi đạo luật và chính sách đầu tư nước ngoài của Ấn Độ, để công ty tư nhân trong nước lẫn nước ngoài đều được tham gia vào hoạt động sản xuất điện hạt nhân của những công ty nhà nước.

Các quan chức giấu tên cho biết, mục đích chính của đề xuất là giảm lượng khí thải carbon. Điện hạt nhân được chú trọng vì nó có thể cung cấp năng lượng 24/7, không như năng lượng mặt trời.

Bộ Năng lượng Nguyên tử cho biết, trước đây, một số công ty nước ngoài (bao gồm Westinghouse Electric, GE-Hitachi, Electricite de France và Rosatom) đều thể hiện sự quan tâm đến những dự án điện hạt nhân của Ấn Độ, và muốn tham gia với tư cách là đối tác công nghệ, nhà cung cấp nguyên liệu, nhà thầu hay nhà cung cấp dịch vụ.

Dù vậy, Ấn Độ không cho phép công ty nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực điện hạt nhân trong nước.

Các quan chức cho biết, để đẩy nhanh sản xuất năng lượng hạt nhân, giới tư nhân sẽ tham gia vào những dự án lò phản ứng module nhỏ (SMR). Những lò này chiếm 3% tổng sản lượng điện của Ấn Độ. Còn điện than chiếm 3/4.

Cả Bộ Năng lượng Nguyên tử - cơ quan hoạt động trực tiếp dưới quyền của thủ tướng lẫn Niti Aaayog đã không trả lời yêu cầu bình luận.

Mỗi SMR có khả năng tạo ra tới 300 MW. Chúng cần ít vốn, thời gian và diện tích đất hơn so với những lò phản ứng thông thường. Theo giới quan chức, chúng cũng có thể được triển khai một cách an toàn ở những khu vực đông dân cư. Hiện nay, Công ty Điện hạt nhân Ấn Độ (NPCIL) và Bharatiya Nabhikiya Vidyut Nigam - đều do nhà nước Ấn Độ điều hành, là hai nhà máy điện hạt nhân duy nhất ở Ấn Độ. Công ty nhiệt điện NTPC và Công ty tiếp thị dầu mỏ Indian Oil Corp - cũng đều do chính phủ kiểm soát, đã thiết lập quan hệ đối tác năng lượng hạt nhân với NPCIL.

Vào tháng 11/2022, ông Jitendra Singh - Bộ trưởng giám sát năng lượng nguyên tử Ấn Độ nhận định, quốc gia của ông nên ghi nhận sự quan tâm tham gia của những doanh nghiệp tư nhân đối với dự án phát triển SMR. Trong cùng tháng đó, Bộ Năng lượng nguyên tử đã tổ chức những cuộc tham vấn kín với nhiều công ty trong nước và toàn cầu. Theo một quan chức, những doanh nghiệp này bày tỏ sự quan tâm rất lớn. Họ nói thêm: “Với chính sách thúc đẩy đúng đắn, chúng tôi nghĩ khu vực tư nhân sẽ có hiện diện đáng kể trong những dự án trong nước”.

Theo những người phỏng vấn với Reuters, những khuyến nghị tiếp theo sẽ được đệ trình lên văn phòng của ông Modi, nhưng họ không đưa ra mốc thời gian cụ thể. Hội đồng trực thuộc chính phủ cũng đã khuyến nghị thay thế những nhà máy nhiệt điện than cũ bằng SMR, trong bối cảnh đề xuất sửa đổi chính sách điện theo hướng không bổ sung bất kỳ nhà máy nhiệt điện than mới nào.

Công suất điện hạt nhân hiện nay của Ấn Độ là 6.780 MW. Từ nay cho đến năm 2031, Ấn Độ sẽ bổ sung thêm 21 tổ máy, với tổng công suất là 7.000 MW. Nước này đã ký kết nhiều công ước quốc tế về an toàn hạt nhân. Do đó, Ấn Độ phải đảm bảo rằng những công ty tư nhân sẽ tuân thủ theo tiêu chuẩn định sẵn.

Ấn Độ nhập khẩu nhiên liệu uranium từ Nga, Kazakhstan, Uzbekistan, Pháp và Canada, theo những thỏa thuận song phương.

Nguồn:Ấn Độ cho phép nước ngoài đầu tư điện hạt nhân?

Ngọc Duyên

nangluongquocte.petrotimes.vn