An Giang: Ba chương trình, một mục tiêu

18:30 | 08/06/2023

|
Kết quả đạt được giai đoạn 2016 - 2020 và 2 năm đầu giai đoạn 2021 - 2025 của các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) dần giúp tỉnh An Giang “thay da đổi thịt”, tác động tích cực đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) của tỉnh.
An Giang và Takeo, Kandal: Đoàn kết, hữu nghị, hợp tác phát triển toàn diệnAn Giang và Takeo, Kandal: Đoàn kết, hữu nghị, hợp tác phát triển toàn diện
An Giang: Nâng cao ý thức giảm rác thải nhựa ở biên giới Lạc QuớiAn Giang: Nâng cao ý thức giảm rác thải nhựa ở biên giới Lạc Quới

Thành quả của sự nỗ lực

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư, sau nhiều năm nỗ lực thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM), đến tháng 3/2023, toàn tỉnh có 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM (TP. Châu Đốc, TP. Long Xuyên và huyện Thoại Sơn). UBND tỉnh công nhận 75/116 xã NTM (2 xã tự đánh giá đạt 19 tiêu chí, chờ công nhận đạt chuẩn).

Theo Nghị quyết 721/NQ-UBTVQH15, ngày 13/2/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đến ngày 10/4/2023, tỉnh An Giang chỉ còn 110 xã, do 6 xã NTM được công nhận phường, thị trấn (phường Thới Sơn, An Phú, Nhơn Hưng, Núi Voi, TX. Tịnh Biên; thị trấn Đa Phước, huyện An Phú; thị trấn Hội An, huyện Chợ Mới). Do đó, toàn tỉnh còn 69/110 xã NTM, 29 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (trừ xã NTM nâng cao Thới Sơn đã lên phường); 11 ấp được công nhận đạt chuẩn ấp NTM.

Vừa xây dựng NTM, tỉnh vừa thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Đầu năm 2021, tỉnh có 10.232 hộ nghèo (1,9%), 26.655 hộ cận nghèo (4,9%), đến cuối năm 2021 giảm 1% hộ nghèo, giảm 0,9% hộ cận nghèo. Từ đầu đến cuối năm 2022, tỉnh lần lượt giảm 1% hộ nghèo và 1,3% hộ cận nghèo.

“Cú hích” thứ 3 là Chương trình MTQG phát triển KTXH vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi. Theo UBND tỉnh, đây là chủ trương đúng đắn, nhằm giải quyết vấn đề về phát triển KTXH địa phương; tập trung nguồn lực, khắc phục sự dàn trải. Nhờ vậy, 4.026 hộ nghèo là người DTTS (đầu năm 2022, chiếm 14,8%/tổng số hộ DTTS) giảm còn 3.161 hộ (chiếm 11,7%/tổng số hộ DTTS), tức là giảm hơn 3% so đầu năm.

“Quả ngọt đầu mùa” đến từ sự hỗ trợ và nguồn lực đầu tư. Tổng vốn Trung ương đầu tư phát triển 3 chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh (giai đoạn 2021 - 2025) gần 1.330 tỷ đồng. Trong 3 năm (2021 - 2023), tỉnh phân bổ chi tiết gần 670 tỷ đồng (hơn 50% tổng vốn đầu tư). Tính đến hết quý I/2023, tỉnh giải ngân đạt 12,8%; ước đến hết năm 2023 đạt 95%. Cụ thể, lũy kế bố trí vốn Chương trình MTQG xây dựng NTM hơn 391 tỷ đồng; Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững hơn 197 tỷ đồng; Chương trình MTQG phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS và miền núi gần 170 tỷ đồng.

Tiếp tục phấn đấu

Quá trình thực hiện 3 chương trình MTQG vẫn cứ nối tiếp nhau, chương trình này là điểm tựa cho chương trình khác và ngược lại, không có điểm dừng nghỉ. Ngày 19/12/2022, UBND tỉnh phát động phong trào thi đua “An Giang chung sức xây dựng NTM” giai đoạn 2021 - 2025, phấn đấu có thêm 33 xã NTM, 23 xã NTM nâng cao, 2 huyện NTM và 1 thị xã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Thực hiện Chương trình MTQG phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS và miền núi, tỉnh đề ra một số chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2025, như: Hỗ trợ đất ở cho 317 hộ; hỗ trợ nhà ở cho 1.092 hộ; chuyển đổi nghề cho 358 hộ; đầu tư 59 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu ở xã, ấp đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS và miền núi; giảm tỷ lệ hộ nghèo 3,5%/năm vùng đồng bào DTTS và miền núi; 3 xã ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn…

Đối với chương trình giảm nghèo bền vững, tỉnh phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm bình quân 1 - 1,2%/năm; tỷ lệ hộ nghèo DTTS giảm từ 3 - 4%/năm. Đến cuối năm 2025, huyện nghèo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo ở huyện nghèo giảm bình quân 2%/năm.

Đầu năm 2022, TP. Long Xuyên có 146 hộ nghèo (0,2%); 1.900 hộ cận nghèo (2,6%). Góp phần vào quá trình giảm nghèo của tỉnh, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo ở đô thị, TP. Long Xuyên đề ra mục tiêu: Đến năm 2025, từng bước giảm bớt tình trạng nghèo, tiến tới tiệm cận không còn hộ nghèo (tỷ lệ hộ nghèo dưới 0,1% tổng số dân); hộ cận nghèo dưới 2,5%.

Thời gian qua, địa phương cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo (trên 3,5 tỷ đồng); không thu học phí toàn bộ học sinh trong đại dịch COVID-19; hỗ trợ tiền điện sinh hoạt cho 100% hộ nghèo (49.000 đồng/hộ/tháng); xây dựng khu dân cư Đại đoàn kết (20 căn nhà) cho hộ nghèo, cận nghèo không có đất ở; cất mới, sửa chữa gần 60 căn nhà (trên 5,4 tỷ đồng); hỗ trợ 2.573 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo được vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội (trên 116 tỷ đồng). Nỗ lực ấy giúp địa phương giảm hộ nghèo còn 0,1%, hộ cận nghèo còn 2,3% vào cuối năm 2022.

Ngoài nỗ lực về mặt tinh thần, rất cần nguồn lực hữu hình để tỉnh tiếp tục hoàn thành 3 chương trình. Tại kỳ họp lần thứ 13 (chuyên đề) cuối tháng 5/2023, HĐND tỉnh thống nhất điều chỉnh, bổ sung hơn 3.640 tỷ đồng kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 nguồn ngân sách Trung ương và nguồn ngân sách địa phương thực hiện 3 chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh. Phần lớn nguồn vốn dành cho Chương trình MTQG xây dựng NTM (hơn 3.080 tỷ đồng, tăng 92,3 tỷ đồng).

Tỉnh dành gần 189 tỷ đồng cho Chương trình MTQG phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS và miền núi để điều chỉnh, bổ sung dự án 5 (phát triển giáo dục và đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực), dự án 10 (truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào DTTS và miền núi), kiểm tra, giám sát, đánh giá việc tổ chức thực hiện chương trình. Ngoài ra, bổ sung vào dự án 1 (hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng KTXH huyện nghèo) trong Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững.

Mỗi chương trình MTQG có nguyên tắc, chỉ tiêu khác nhau, cách thức triển khai cũng không giống nhau. Nhưng tất cả đều hướng đến mục tiêu duy nhất: Chăm lo cho người dân, để An Giang trở thành quê hương trù phú, giàu đẹp.

Nguồn: Ba chương trình, một mục tiêu

Gia Khánh

baoangiang.com.vn