An Giang: Chủ động ứng phó thời tiết nguy hiểm

17:05 | 27/06/2022

|
Mùa mưa năm nay diễn biến phức tạp, khó lường, với nhiều hiện tượng thời tiết nguy hiểm như: Mưa lớn kéo dài, giông, lốc, sét… Khi mưa lớn kết hợp triều cường và lũ, dễ tác động đến sản xuất nông nghiệp. UBND tỉnh cùng các sở, ngành sẽ tăng cường kiểm tra ở các địa phương để chủ động ứng phó kịp thời.

Ảnh hưởng cuộc sống người dân

Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh An Giang cho biết, thời kỳ từ ngày 10-20/6, rãnh áp thấp có trục đi qua Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, nối với vùng áp thấp nóng phía Tây phát triển mở rộng về phía Đông Nam. Trên cao, áp cao cận nhiệt đới có trục đi qua Trung Trung Bộ - Nam Trung Bộ hoạt động mạnh và ổn định. Trường gió mùa Tây Nam có cường độ yếu đến trung bình.

Do chịu ảnh hưởng của các hình thế phân tích trên, thời tiết An Giang phổ biến mây thay đổi, có mưa rào và giông vài nơi, xen lẫn nắng nóng. Riêng các ngày 12/6, 15-16/6 và ngày 19/6, trong tỉnh có mưa ở diện nhiều nơi, có nơi có mưa vừa và giông. Không chỉ có mưa lớn, trong tỉnh xảy ra 2 đợt nắng nóng diện rộng (đợt 1 từ ngày 9-13/6, đợt 2 từ ngày 17-18/6), nhiệt độ cao nhất quan trắc tại trạm Châu Đốc từ 35-35,5oC. Chiều 15/6, trong tỉnh xảy ra mưa kèm theo giông lốc tại 2 xã Tấn Mỹ và Long Điền (huyện Chợ Mới), làm thiệt hại nhà cửa của 3 hộ dân, ước tính thiệt hại khoảng 20 triệu đồng. Những đợt mưa giông lớn cũng gây thiệt hại nhà cửa, làm gãy đổ trụ điện, gãy ngã cây xanh, gây thiệt hại sản xuất nông nghiệp, đặc biệt ở vùng cù lao (Chợ Mới, Phú Tân, Tân Châu, An Phú) và TP. Châu Đốc.

An Giang: Chủ động ứng phó thời tiết nguy hiểm
Phòng, chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”

Từ nay đến cuối tháng 6, đầu tháng 7/2022, gió mùa Tây Nam có cường độ yếu đến trung bình thời kỳ đầu, sau đó hoạt động tăng dần và có cường độ khá mạnh thời điểm cuối tháng 6. Từ ngày 21-24/6, thời tiết trong tỉnh có mưa rào và giông rải rác, có nơi có mưa vừa và giông, cục bộ có nơi có mưa to. Từ ngày 25-29/6, thời tiết trong tỉnh giảm mưa, chỉ có mưa rào và giông vài nơi, ngày nắng, có nơi có nắng nóng. Tổng lượng mưa trung bình trên toàn tỉnh từ 30-50mm, trong khi nhiệt độ trung bình ở mức khá cao (cao nhất 34-360C; thấp nhất 25-270C; trung bình 29-300C).

Tăng cường kiểm tra

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư, trên địa bàn tỉnh đã bước vào mùa mưa, lũ nên nguy cơ mưa, giông kèm theo lốc xoáy, gió giật làm ngã đổ cây xanh; lũ, sạt lở đất ảnh hưởng đến khả năng bảo vệ sản xuất của hệ thống đê bao, tác động đến sản xuất, thiệt hại về tài sản và tiềm ẩn rủi ro ảnh hưởng đến tính mạng của nhân dân.

Để chủ động phòng tránh, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, bảo vệ sản xuất năm 2022, bảo vệ an toàn tính mạng của người dân, lãnh đạo UBND tỉnh tổ chức các đoàn công tác kiểm tra, khảo sát tình hình triển khai công tác phòng, chống thiên tai và bảo vệ sản xuất nông nghiệp năm 2022, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của địa phương.

Theo đó, đoàn công tác thứ nhất do Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy Ứng phó biến đổi khí hậu - Phòng, chống thiên tai và Phòng thủ dân sự tỉnh An Giang Trần Anh Thư làm Trưởng đoàn khảo sát. Đoàn thứ hai do Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng ban Ban Chỉ huy Ứng phó biến đổi khí hậu - Phòng, chống thiên tai và Phòng thủ dân sự tỉnh Nguyễn Sĩ Lâm (phụ trách công tác phòng, chống thiên tai) làm Trưởng đoàn khảo sát. Thành phần tham dự cùng các đoàn khảo sát gồm đại diện lãnh đạo các sở, ngành cấp tỉnh như: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh An Giang và các thành viên Ban Chỉ huy Ứng phó biến đổi khí hậu - Phòng, chống thiên tai và Phòng thủ dân sự tỉnh tham dự theo địa bàn phụ trách.

Tại các địa phương, tiếp và làm việc với các đoàn công tác tỉnh là đại diện Thường trực Thị ủy, Huyện ủy, UBND huyện, thị xã; Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Phòng Kinh tế; Ban Chỉ huy Quân sự huyện An Phú, Tịnh Biên, Tri Tôn, Châu Phú, Phú Tân và TX. Tân Châu cùng một số phòng, ban có liên quan.

Về nội dung làm việc, các đoàn sẽ đi khảo sát thực địa tại một số vùng đê bao xung yếu, vùng sản xuất, dân cư có khả năng bị ảnh hưởng lũ, bị ảnh hưởng sạt lở đất (do địa phương chọn). Sau khi đi thực địa, đoàn sẽ làm việc với Thị ủy, Huyện ủy, UBND các huyện, thị xã một số nội dung cụ thể, tập trung vào nắm tình hình triển khai sản xuất lúa hè thu 2022; công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của địa phương; nắm tình hình các khu vực, vị trí xung yếu nhằm bảo vệ sản xuất, bảo vệ tài sản và tính mạng của người dân. Đồng thời, ghi nhận, giải quyết những khó khăn, đề xuất, kiến nghị của các địa phương.

Nguồn: Chủ động ứng phó thời tiết nguy hiểm

Ngô Chuẩn

baoangiang.com.vn