An Giang đẩy mạnh thực hiện các nhóm giải pháp để phục hồi kinh tế

18:20 | 18/10/2021

|
Đại dịch COVID-19 xảy ra làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, dẫn đến sản xuất bị đình trệ, công nhân mất việc làm, lao động từ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai… trở về quê rất nhiều, gây áp lực lớn cho công tác an sinh xã hội tại các địa phương. Do vậy, cần mạnh dạn thực hiện các giải pháp phục hồi kinh tế để ổn định đời sống người dân.

Đảm bảo sản xuất

Ngay khi An Giang cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, tỉnh đã đẩy mạnh thực hiện nhiều nhóm giải pháp để mở cửa, khôi phục các hoạt động kinh tế. Một trong những việc làm đầu tiên là ban hành Kế hoạch 572/KH-UBND, ngày 27-9-2021 của UBND tỉnh về đảm bảo sản xuất ổn định trong tình hình dịch bệnh COVID-19, đảm bảo hài hòa giữa khôi phục sản xuất và yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19, hạn chế các tác động tiêu cực do dịch bệnh gây ra đối với phát triển kinh tế, công tác an sinh xã hội tại địa phương.

An Giang đẩy mạnh thực hiện các nhóm giải pháp để phục hồi kinh tế
Kiểm tra, đánh giá phương án tổ chức thực hiện sản xuất - kinh doanh phương châm “4 xanh” tại doanh nghiệp. Ảnh: TRUNG HIẾU

Theo Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình, tỉnh vẫn xác định phòng, chống dịch COVID-19 là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách và thường xuyên, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các doanh nghiệp (DN), người lao động chấp hành nghiêm chỉ đạo của Trung ương và địa phương; chủ động phương án ứng phó nhanh, kịp thời, hiệu quả đối với từng cấp độ của dịch, khắc phục khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất.

Tùy theo tình hình diễn biến của dịch bệnh, sản xuất - kinh doanh (SXKD) của DN trong tỉnh được thực hiện theo 4 kịch bản. Cụ thể, đối với DN đang tạm dừng hoạt động, trước khi hoạt động trở lại, DN cần phải hoàn thiện các nội dung theo hướng dẫn của Kế hoạch phòng, chống dịch trong cơ sở SXKD, khu công nghiệp.

Sau khi thực hiện đầy đủ các nội dung, tùy tình hình diễn biến của dịch và điều kiện thực tế của địa phương, các DN đăng ký phương án hoạt động SXKD với cơ quan thẩm quyền để thẩm định phương án, đảm bảo hoạt động ổn định trở lại theo hướng an toàn và hiệu quả.

Đối với DN hoạt động trong tình hình giãn cách xã hội, nhiều mô hình đã được đưa ra, như: phương án “1 cung đường, 2 điểm đến”; phương án “1 cung đường - 2 điểm đến” mở rộng hoặc hoạt động theo phương châm “4 xanh” (người lao động xanh, cung đường xanh, vùng sản xuất xanh, nơi ở xanh)…

Kích cầu tiêu dùng, đầu tư

Đẩy mạnh thực hiện các nhóm giải pháp để phục hồi kinh tế sau dịch, ngoài kế hoạch mở cửa, khôi phục các hoạt động kinh tế trên địa bàn, các địa phương dựa vào thế mạnh, lợi thế so sánh của mình, đẩy mạnh thực hiện nhiều nhóm giải pháp nhằm khôi phục lại sản xuất, kết nối cung cầu, phát triển các dịch vụ phục vụ sản xuất, trong đó các nhóm giải pháp chính vẫn là đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng, đầu tư.

Đồng thời, hỗ trợ DN tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để đẩy mạnh sản xuất. Các địa phương trong tỉnh cần có sự thống nhất trong lưu thông, vận chuyển hàng hóa, ưu tiên lưu thông cho người đã tiêm vacccine phòng COVID-19 nhằm đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa, nguyên vật liệu không bị đứt gãy.

An Giang đẩy mạnh thực hiện các nhóm giải pháp để phục hồi kinh tế
Doanh nghiệp chế biến cá tra khép kín quy trình sản xuất từ con giống đến chế biến để giá thành sản phẩm mang tính cạnh tranh

An Giang là tỉnh có thế mạnh trong sản xuất thủy sản, trong đó cá tra là một trong những sản phẩm chủ lực của quốc gia. Vì vậy, cần đẩy mạnh việc khôi phục lại sản xuất của ngành hàng này để giải quyết việc làm cho lao động dôi dư tại địa phương và xuất khẩu nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm. Đến thời điểm này, trong phát triển kinh tế của tỉnh, lĩnh vực nông nghiệp, trong đó chế biến thủy sản xuất khẩu vẫn đóng vai trò quan trọng, hỗ trợ rất tích cực cho tăng trưởng của tỉnh.

Bên cạnh đó, tỉnh cần đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số để tận dụng cho được thành tựu từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, phục vụ cho sự phát triển của tỉnh. Ở đó, trí tuệ nhân tạo, kết nối vạn vật là 2 tiền đề quan trọng để hiện thực hóa các mục tiêu của tỉnh. Đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm đưa các sản phẩm là thế mạnh của địa phương, giới thiệu cho người tiêu dùng toàn cầu, góp phần khơi thông việc tiêu thụ nông sản cho DN lẫn bà con nông dân. Làm được như vậy, kinh tế An Giang sẽ sớm được khôi phục và phát triển.

“Tôi mong muốn, các DN, doanh nhân tiếp tục chung tay, chung sức với tỉnh thực hiện tốt “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế. Hiện, số lượng lao động từ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai… trở về quê rất lớn. Các DN hãy xem đây là cơ hội, nhanh chóng nắm bắt, tiếp nhận số người này để bố trí vào làm việc, đẩy mạnh sản xuất, cùng với tỉnh thực hiện các nhóm giải pháp để phục hồi kinh tế sau dịch” - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình đề nghị.

Nguồn: An Giang đẩy mạnh thực hiện các nhóm giải pháp để phục hồi kinh tế

Minh Hiển

baoangiang.com.vn