An Giang đổi mới mô hình tăng trưởng nông nghiệp

04:12 | 23/09/2022

|
Trước bối cảnh chuyển đổi số, hội nhập kinh tế quốc tế mạnh mẽ như hiện nay, việc đổi mới mô hình tăng trưởng nông nghiệp là yêu cầu cần thiết, nhằm nâng cao giá trị, phát huy lĩnh vực thế mạnh này.

Nền tảng nông nghiệp

Giai đoạn 1986-1995, Đảng bộ tỉnh An Giang có những chủ trương đột phá, đặc biệt là triển khai sớm chính sách giao đất cho hộ nông dân (1987); hỗ trợ tín dụng ngắn hạn cho nông dân (1990); là tỉnh thành lập chương trình phát triển nông thôn sớm nhất cả nước… Qua đó, thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn phát triển nhanh chóng, kéo theo tăng trưởng các lĩnh vực khác.

An Giang đổi mới mô hình tăng trưởng nông nghiệp
Khi chuyển đổi mô hình phù hợp, giá trị nông sản sẽ được nâng lên

ThS Bùi Thị Kim Chung (Trường Chính trị Tôn Đức Thắng) cho rằng, với vị thế đầu nguồn sông Cửu Long, nơi có sông Tiền và sông Hậu cùng chảy qua, đất phù sa bồi đắp hàng năm, An Giang có điều kiện tự nhiên thuận lợi, rất phù hợp để phát triển nông nghiệp. Đảng bộ tỉnh đã từng thực hiện thành công đường lối đổi mới, đạt nhiều thành tựu cao về nông nghiệp, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Tuy nhiên, trong xu thế hội nhập thì mô hình tăng trưởng nông nghiệp theo chiều rộng bộc lộ hạn chế, như: Chất lượng tăng trưởng thấp, năng suất lao động, sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp chưa cao, chưa khai thác hết tiềm năng và lợi thế vùng...

Đại hội Đảng bộ tỉnh An Giang lần XI (nhiệm kỳ 2020-2025) nêu rõ nhiệm vụ: “Đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp, tập trung xây dựng thương hiệu nông sản, mở rộng thị trường tiêu thụ nhằm nâng cao chất lượng, giá trị, sức cạnh tranh hàng hóa nông sản An Giang”. Đây là định hướng phù hợp với xu thế quốc tế và thực trạng nền kinh tế của tỉnh giai đoạn 2020-2025.

“Đổi mới mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp nhằm phát huy tiềm năng với những bước đi thích hợp. Đây là yêu cầu cấp thiết, nhiệm vụ cơ bản trọng yếu, có ý nghĩa quyết định đối với việc thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, đạt mức tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2020-2025 từ 6,5-7%. Đến năm 2025, GRDP đạt 70,4-72,2 triệu đồng/người/năm; kinh tế An Giang thuộc nhóm đầu khu vực ĐBSCL và đạt mức trung bình cả nước, như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đã đề ra” - ThS Bùi Thị Kim Chung đánh giá.

Phát huy mô hình mới

Để đổi mới mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp, An Giang đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp để giảm bớt diện tích đất canh tác không hiệu quả, giảm lãng phí nguồn lực, tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên đất. Tỉnh tập trung phát triển nông nghiệp, thủy sản ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng giá trị nông sản, đảm bảo tăng trưởng bền vững.

Đảng bộ tỉnh chỉ đạo phát triển vùng sản xuất chuyên canh quy mô lớn, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao khép kín trên các nhóm nông sản chủ lực của tỉnh. Nhiều mô hình kinh tế hợp tác, hợp tác xã phát triển gắn với liên kết theo chuỗi giá trị, có sự tham gia của doanh nghiệp (Lộc Trời, Tín Thương, Gentraco, Angimex-Kitoku, Tân Long, Afiex…). Mối liên kết này góp phần giải quyết tốt vấn đề sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, mở ra hướng đi mới cho sản xuất nông nghiệp bền vững.

An Giang cũng tập trung đầu tư hạ tầng phục vụ cơ cấu lại nông nghiệp, gắn với khuyến khích đổi mới, sáng tạo, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, nhân rộng mô hình sản xuất hiệu quả kinh tế cao. Việc ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp tạo ra lượng sản phẩm lớn, năng suất cao, chất lượng tốt, thân thiện với môi trường. Công nghệ giúp nông dân chủ động sản xuất, giảm lệ thuộc vào thời tiết, quy mô sản xuất được mở rộng, giảm giá thành sản phẩm, đa dạng hóa thương hiệu, giúp nông sản An Giang có chỗ đứng trong nước và thâm nhập vào thị trường tiêu thụ rộng lớn ngoài nước, hạn chế lệ thuộc một vài thị trường, dẫn đến cú sốc mang tính chu kỳ.

Tỉnh hiện đang triển khai xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản chủ lực, tập trung nhóm sản phẩm gạo - nếp, thủy sản và cây ăn trái. Để làm tốt chính sách này, Đảng bộ tỉnh chủ trương thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), nhằm mở ra cơ hội phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng gia tăng giá trị nông sản. An Giang đã tổ chức thành công Ngày hội sản phẩm OCOP và hàng hóa đặc trưng các tỉnh, thành năm 2021 tại TP. Châu Đốc. Thời gian tới, tỉnh kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên sàn thương mại điện tử Postmart và các sàn thương mại điện tử trong nước, quốc tế.

Cùng với đổi mới mô hình tăng trưởng nông nghiệp, An Giang còn đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025. Qua đó, tạo chuyển biến tích cực về kinh tế - xã hội tại nông thôn, phát triển kinh tế hộ gia đình, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, giảm nghèo.

Nguồn: An Giang đổi mới mô hình tăng trưởng nông nghiệp

Ngô Chuẩn

baoangiang.com.vn