An Giang: Gắn bó cùng… sen!

07:53 | 29/09/2022

|
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm tăng hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích, ông Bùi Văn Oanh (sinh năm 1950, ngụ ấp Hòa Tân, xã Định Thành, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) mạnh dạn chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả để trồng sen hàng chục năm qua, giúp nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện kinh tế gia đình.

Ngoài 70 tuổi, trong bộ đồ đã sờn vai, ông Bùi Văn Oanh vẫn còn khá nhanh nhẹn. Ông Oanh cho biết, với kinh nghiệm trồng sen lâu năm, vừa nhìn qua đã biết ngó sen nào non, ngó sen nào già. Lúc trước, việc móc ngó sen và hái gương do ông đảm nhận nhưng giờ chủ yếu là do các con làm.

Chỉ tay về phía đầm sen hoa nở trắng hồng rực một góc trời, người nông dân ấy nói rằng, 5.000m2 của nhà mình chủ yếu là bán ngó và gương. Những hoa sen đua nhau vươn mình trong gió và khoe sắc trên những đồng ruộng trũng đã tạo nên nét đẹp cho bức tranh vùng quê vốn đã bình yên càng thêm thơ mộng.

“Do đất ruộng nơi đây là vùng trũng, trồng lúa không hiệu quả nên tôi chuyển sang trồng sen. Trong đó, 2 công trồng lấy gương, 3 công đất trồng để móc ngó. Bắt đầu xuống giống từ vụ đông xuân, sau khi trồng khoảng 3 tháng là thu hoạch được gương sen. Trước đó, khoảng 1,5 tháng là thu hoạch được ngó sen và có thể thu hoạch kéo dài cả năm. Mùa sen sau, người trồng vệ sinh ruộng sen cho sạch sẽ là có thể bắt đầu vụ sen mới.

Mỗi ngày, gia đình tôi móc được khoảng 15-20kg ngó sen và 10-15kg gương sen. Giá bán ngó sen hiện tại 40.000 đồng/kg, gương sen khoảng 25.000 đồng/kg. Ngoài bán cho thương lái, khách quen đặt để làm đám tiệc, tôi còn bày bán ngó và gương sen trước nhà. Khách vãng lai ủng hộ rất nhiều. Mỗi vụ sen, gia đình tôi thu về lợi nhuận hơn 60 triệu đồng” - ông Oanh phấn khởi.

An Giang: Gắn bó cùng… sen!

Nói về đặc điểm của cây sen, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Định Thành Lê Thị Bé Tư thông tin: “Sen là loại cây dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, ít sâu bệnh và không tốn quá nhiều chi phí đầu tư. Đặc biệt, loại cây trồng này rất thích hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng khác nhau nên có thể canh tác liên tục trong năm.

Trước khi xuống giống phải làm đất kỹ rồi mới cho nước vào để xuống giống. Tùy theo kỹ thuật từng người mà mật độ gieo trồng khác nhau, từ 200-300 bụi/công. Từ lúc xuống giống đến thu hoạch gương khoảng 2-3 tháng, thu hoạch liên tục trong nhiều tháng. Sau mỗi đợt thu hoạch, chỉ cần làm lại đất là có thể trồng tiếp vụ sau.

Đặc biệt, có thể sử dụng cây sen vụ trước nên không phải tốn chi phí mua giống các vụ kế tiếp. Trong quá trình canh tác, chỉ cần bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật 1-2 lần/vụ, chi phí đầu tư cho trồng sen thấp hơn so với nhiều loại cây trồng khác”.

Từ sáng sớm, tranh thủ lúc tiết trời còn dịu mát, ông Oanh và các con đã có mặt tại đầm sen để thu hoạch ngó và gương sen. Công việc tưởng chừng đơn giản nhưng người thu hoạch gương sen ngoài việc phải lội dưới bùn, còn phải mặc thêm áo vải dầy hoặc áo mưa để tránh gai từ cây sen cào vào người. Thường thì, để thu hoạch gương sen, ông Oanh mất khoảng 1-2 tiếng, còn ngó sen thì cực hơn, mất một buổi mới xong. Tuy nhiên, cây sen vẫn là loại cây mang lại thu nhập khá cho người nông dân.

Bà Lê Thị Bé Tư cho biết, ngoài những ưu điểm về phương pháp canh tác, trồng sen cho thấy hiệu quả kinh tế cao hơn so với nhiều loại cây trồng khác. Một trong những ưu điểm của mô hình trồng sen là khi đến đợt thu hoạch, thương lái đến tận nơi để thu mua, nông dân không phải lo lắng tìm đầu ra.

Có thể thấy, việc chuyển đổi từ cây lúa sang trồng sen đã góp phần đa dạng hóa nguồn sản phẩm nông nghiệp của địa phương. Đồng thời, mô hình này còn mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nông dân nâng cao thu nhập. Từ kết quả đó, nhiều nông dân trên địa bàn xã Định Thành tích cực chuyển đổi diện tích đất ruộng kém hiệu quả, diện tích ao, hồ, đất lung... để phát triển mô hình trồng sen.

Hiện, xã Định Thành có 5 hộ trồng sen với diện tích 3,2ha. Mô hình trồng sen trên đất lúa kém hiệu quả ngoài việc nâng cao thu nhập cho nông dân còn góp phần tạo việc làm cho lao động tại địa phương, với mức thu nhập 150.000-300.000 đồng/người/ngày.

Chạy dọc theo Tỉnh lộ 943, dễ bắt gặp hình ảnh cả chục hộ dân xã Định Thành bày bán gương, hạt, ngó sen. Trong số ấy, có người trồng, có người mua đi bán lại, làm nên nét độc đáo riêng cho địa phương với “thương hiệu” sen Định Thành.

Nguồn: Gắn bó cùng… sen!

Phương Lan

baoangiang.com.vn