An Giang: Hướng đi cho giống lựu đỏ Peru

13:07 | 29/06/2022

|
Lựu đỏ Peru - loại trái cây nhập khẩu có giá trị cao đang phát triển rất tốt dưới bàn tay chăm sóc của thanh niên trẻ Dương Hữu Nghị (sinh năm 1989, ngụ ấp Tây Bình B, xã Vĩnh Chánh, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang). Anh Nghị là người tiên phong trồng giống lựu này trên đất An Giang.

Theo anh Nghị, trước khi quyết định trồng giống lựu đỏ Peru, anh đã tìm hiểu rất nhiều giống cây ăn trái mới, có giá trị kinh tế cao. Tình cờ biết được trái lựu đỏ Peru, anh đặt mua ăn thử thì thấy rất ngon. Ý định trồng giống cây này bắt đầu từ đó. Thế là anh Nghị nhờ bạn tìm cách đặt mua cây giống nhập khẩu này.

Vì là giống mới, anh chỉ trồng thử vài chục cây để xem cây phát triển thế nào, có thích hợp thổ nhưỡng không. Nhưng không ngờ, giống lựu đỏ này phát triển rất nhanh trên vùng đất Thoại Sơn. Sau 3 tháng trồng, cây lớn nhanh đến bất ngờ. Thế là, anh Nghị đặt mua 1.000 cây giống (150.000 đồng/cây) về trồng. 6 tháng sau, anh trồng thêm 400 cây (chiết từ cây giống ban đầu). Hiện, vườn lựu đỏ Peru của anh Nghị có diện tích trên 1ha.

An Giang: Hướng đi cho giống lựu đỏ Peru
Anh Nghị với giống lựu đỏ Peru

“Cũng là người có kinh nghiệm làm vườn, thêm chịu khó học hỏi trên sách, qua mạng internet, thấy cây lựu thích hợp khí hậu vùng đất này nên tôi mạnh dạn mở rộng diện tích. Đây là loại cây ưa sáng, không chịu ngập nước nên quá trình làm đất cần chuẩn bị kỹ rãnh thoát nước chống úng khi mưa lớn. Khi lên liếp trồng cây lựu đỏ Peru, nhà vườn phải đảm bảo gốc lựu cách mặt nước trong mương khoảng 1m để đảm bảo tốt cho cây phát triển.

Vườn cũng không xen canh thêm cây khác nhằm tạo điều kiện cho cây lựu vươn lên đón nắng tốt. Cây có hoa sau 6 tháng trồng, nếu chăm sóc đúng kỹ thuật, sau 1 năm kể từ ngày trồng có thể thu trái chiến. Trọng lượng trái trung bình 500-800gr. Hiện, giá bán loại trái cây nhập khẩu này khoảng 300.000 đồng/kg. Cây cho trái quanh năm, nếu không muốn, người trồng có thể xử lý cho cây ra trái theo ý muốn của mình” - anh Nghị cho biết.

Đến nay, 18 cây thử nghiệm ban đầu của anh Nghị cho trái quanh năm, chủ yếu được dùng để biếu, tặng và giới thiệu các công ty thu mua. Với 1.000 cây trồng đợt đầu sẽ được anh Nghị xử lý ra hoa và cho trái trong khoảng tháng 6 (âm lịch). Dự kiến đến tháng 12 (âm lịch) sẽ cung cấp trên thị trường từ 5-10 tấn lựu đỏ Peru. Hiện, nguồn thu nhập từ giống cây này dựa vào việc bán cây giống bằng phương pháp chiết cành. Anh Nghị chia sẻ, để chiết cành thành công, anh cũng chịu thất bại không ít lần. Chịu khó học người có kinh nghiệm và nghiên cứu thêm, đến nay, anh đã chiết cành thuần thục. Mỗi tháng có thể cung cấp từ 1.000-1.500 cây giống cho thị trường các tỉnh miền Nam và miền Bắc. Trừ hết chi phí, anh Nghị thu về lợi nhuận khoảng 70 triệu đồng/tháng từ bán cây giống.

Hướng đến việc cung cấp lựu đỏ Peru cho các chuỗi siêu thị, anh Nghị luôn trồng, chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP. Trong suốt quá trình chăm sóc, hầu như anh chỉ sử dụng những loại phân bón hữu cơ, các chế phẩm sinh học để cải tạo đất, tăng chất dinh dưỡng cho cây lựu phát triển tốt nhất.

“Thời gian tới, tôi sẽ tiến hành làm hồ sơ để đạt tiêu chuẩn VietGAP và đạt sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm)”. Hiện, đã có 2 công ty ở TP. Hồ Chí Minh đặt vấn đề ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm lựu đỏ Peru. Nếu thuận lợi, tôi sẽ chế biến sản phẩm sau thu hoạch - làm nước ép từ lựu đỏ. Càng có nhiều hướng đi cho đầu ra, cây lựu đỏ Peru càng khẳng định giá trị kinh tế cao” - anh Nghị bộc bạch.

Mong muốn của anh Nghị là có thể cùng bà con nông dân trong và ngoài tỉnh hợp tác phát triển giống lựu đỏ Peru. Mục tiêu là mở rộng diện tích khoảng 10ha.

“Tôi có thể hỗ trợ cung cấp cây giống bằng hình thức 7:3. Tức là, người mua có thể trả trước 70% chi phí, 30% còn lại sẽ trả sau khi cây bước vào thu hoạch. Quá trình đó, tôi sẽ hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật cây lựu đỏ Peru cho người trồng. Trường hợp cần, tôi sẽ đến tận nơi hỗ trợ. Đó là cách để nông dân có hứng thú với giống cây này nhưng còn e ngại về hiệu quả cũng như năng suất mạnh dạn chuyển đổi cây trồng từ đất lúa kém hiệu quả. Hình thức thứ hai, tôi bán cây giống với giá hỗ trợ (80.000 đồng/cây) và sẽ ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm trái lựu đỏ Peru tươi theo giá thị trường với nhà vườn. Ngoài ra, tôi còn dự định mở khu du lịch sinh thái, tạo ấn tượng cho du khách khi đến tham quan, thưởng thức lựu đỏ Peru của mình” - anh Nghị nói thêm.

Nhờ tư duy sáng tạo, mạnh dạn, quyết đoán trong việc trồng giống lựu đỏ Peru, thanh niên Dương Hữu Nghị là một trong 98 nông dân được UBND huyện Thoại Sơn khen thưởng vì có thành tích trong phong trào nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi giai đoạn 2019-2022.

Nguồn: Hướng đi cho giống lựu đỏ Peru

Phương Lan

baoangiang.com.vn