An Giang: Phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí rừng tràm Tân Tuyến

03:05 | 07/12/2021

|
Khi nhắc đến du lịch (DL) sinh thái ở An Giang, nhiều du khách nghĩ ngay đến rừng tràm. Ngoài rừng tràm Trà Sư (huyện Tịnh Biên) thì rừng tràm Tân Tuyến (huyện Tri Tôn) là một điểm DL thu hút du khách. Rừng tràm Tân Tuyến được xem là dạng rừng tràm và đồng cỏ ngập nước theo mùa tiêu biểu của vùng Tứ giác Long Xuyên

Có nhiều thực vật, cá quý hiếm

UBND tỉnh An Giang vừa ban hành Quyết định 2757/QĐ-UBND, ngày 17-11-2021 phê duyệt đề án DL sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Tân Tuyến, giai đoạn 2021-2030. Việc bảo vệ và phát triển rừng sẽ giúp bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên và đa dạng sinh học phục vụ cho các dịch vụ DL, góp phần phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.

An Giang: Phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí rừng tràm Tân Tuyến

Khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Tân Tuyến có diện tích 256,39ha, nằm trên địa bàn xã Tân Tuyến (huyện Tri Tôn), phía Đông giáp các ấp Tân An, Tân Đức và kênh trục số 10; phía Tây giáp tiểu khu 30C (ấp Tân Đức); phía Nam giáp kênh số 4; phía Bắc giáp Tỉnh lộ 943 và kênh Huệ Đức. Đây là khu rừng đặc dụng là hệ sinh thái đất ngập nước với các sinh cảnh đất ngập nước điển hình của tỉnh An Giang và vùng Tứ giác Long Xuyên: Sinh cảnh rừng tràm ngập nước; sinh cảnh kênh, mương và các loài thực vật sen, súng, bèo; sinh cảnh đồng cỏ, đầm lầy ngập nước theo mùa.

Tại đây có 154 loài thực vật, thuộc 122 chi, 52 họ của 2 ngành thực vật bậc cao có mạch là ngành dương xỉ (polypodiophyta) và ngọc lan (magnoliophyta). Trong đó, cây cà na (elaeocarpus hygrophilus) là loài thực vật có trong “Sách đỏ” thực vật Việt Nam (2007) ở mức sẽ nguy cấp. Rừng tràm Tân Tuyến có 63 loài chim nước, trong đó loài chim sẻ đồng ngực vàng (emberiza aureola) là loài quý, hiếm. Có 82 loài cá thuộc 26 họ và 9 bộ. Trong đó, cá Hô (catlocarpio siamensis) và cá trà sóc (probarbus jullieni) là các loài quý, hiếm, có tên trong “Sách đỏ” Việt Nam (2007) và “Sách đỏ” IUCN (2014).

Bảo tồn thiên nhiên, phát triển du lịch

Theo đề án, khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Tân Tuyến là một khu rừng đặc dụng, các loại hình DL sinh thái có thể thực hiện ở khu này, gồm: Tham quan các sinh cảnh và tài nguyên đất ngập nước; giải trí, thư giãn trong môi trường rừng yên bình, trong lành; khám phá các đặc trưng tiêu biểu của tài nguyên thiên nhiên; nghiên cứu khoa học về rừng tràm và đất ngập nước, đặc biệt là các sinh cảnh đồng cỏ ngập nước theo mùa; trải nghiệm các nét văn hóa trong sinh hoạt, ẩm thực truyền thống của cộng đồng địa phương.

Các phân khu chức năng của khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Tân Tuyến, gồm: Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt 81,85ha; phân khu phục hồi sinh thái 94,06 ha; phân khu dịch vụ - hành chính 80,48ha. Trong giai đoạn 10 năm, đến năm 2030, chiến lược phát triển DL sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí ở khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Tân Tuyến là coi phát triển DL sinh thái là một trong những hoạt động chủ yếu của Ban Quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng tỉnh An Giang. Đây vừa là hoạt động góp phần cho công tác bảo tồn thiên nhiên, đồng thời góp phần cho sự phát triển kinh tế, DL địa phương.

An Giang: Phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí rừng tràm Tân Tuyến

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư, việc phát triển DL nơi đây để tăng trưởng về kinh tế nhưng phải duy trì giá trị, chức năng của các hệ sinh thái, cảnh quan và tài nguyên DL tự nhiên. Kiên quyết không đánh đổi giá trị sinh thái tự nhiên bằng lợi ích kinh tế. Đây là căn cứ để chọn các nhà đầu tư thực sự có các sản phẩm DL có trách nhiệm với thiên nhiên. Nhà đầu tư cần phải thiết lập các sản phẩm DL sử dụng các giá trị độc đáo, điển hình của hệ sinh thái rừng tràm và đất ngập nước, trong đó chứa đựng các giá trị tiêu biểu của vùng Tứ giác Long Xuyên thông qua phương thức sử dụng tài nguyên và cảnh quan DL sinh thái.

Nguyên tắc phát triển DL sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí ở khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Tân Tuyến là không đánh đổi hệ sinh thái rừng Tràm, đất ngập nước và tài nguyên thiên nhiên lấy giá trị kinh tế. Lượng khách phải hợp lý, không làm quá tải gây tác động đến hệ sinh thái. Phải duy trì được tính “thiên nhiên” của khu rừng ngập nước. Cần phải xây dựng các công trình hạ tầng DL nhưng thiết kế kiến trúc phải mang tính hiện đại, kiểu dáng công trình phải phù hợp và làm tôn vinh cảnh quan thiên nhiên của một khu đất ngập nước vùng rừng tràm ngập phèn, với chức năng của khu rừng đặc dụng là một khu bảo vệ cảnh quan.

Phải đảm bảo sự hài hòa về trách nhiệm và lợi ích giữa nhà đầu tư với chủ rừng và cộng đồng dân cư trên địa bàn. Các loại hình DL được đầu tư phát triển trong rừng đặc dụng theo quy định của Nghị định 156/2018/NĐ-CP của Chính phủ, gồm: DL sinh thái, DL nghỉ dưỡng, DL giải trí, nhưng các sản phẩm DL phải đa dạng và chứa đựng bản sắc văn hóa của địa phương An Giang nói riêng và vùng Tứ giác Long Xuyên nói chung…

Nguồn: Phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí rừng tràm Tân Tuyến

Minh Thư

baoangiang.com.vn