Bảo vệ biển trước tác động biến đổi khí hậu

17:23 | 17/06/2022

|
Là địa phương chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu, trong đó tác động rõ nhất là tình trạng sạt lở bờ biển, Bà Rịa-Vũng Tàu đã triển khai nhiều giải pháp để “hồi sinh” những vùng đất đã bị nước biển cuốn trôi để bảo vệ vùng cửa sông, cảng biển.
Bảo vệ biển trước tác động biến đổi khí hậu
Một đoạn bờ biển thuộc xã Phước Thuận bị biển “ngoạm” sâu vào đất liền.

Xâm thực ngày càng mạnh

Theo thống kê, từ tháng 4 đến tháng 12 hàng năm, hiện tượng biển xâm thực diễn ra mạnh nhất ở Bà Rịa-Vũng Tàu. Những khu vực diễn biến phức tạp nhất là bờ biển các xã Phước Thuận, Bình Châu (huyện Xuyên Mộc), Lộc An (huyện Đất Đỏ) và khu vực phường 12 (TP. Vũng Tàu).

Tại huyện Xuyên Mộc, so sánh trên bản đồ địa chính lập năm 1997-1998 đến nay, tính từ mép bờ biển đến các khu vực đất liền của một số KDL như Hồ Tràm, Sanctuary, Minh Tuấn mức độ biển xâm thực trung bình từ 20-40 m/năm. Hay như đoạn từ KDL Saigon Container đến Lộc An có chiều dài khoảng 1.200m trung bình bị xói lở từ 20-30m, thậm chí có những điểm khuyết sâu vào các KDL như Hồng Hà, Sông Ray, Hoa Lâm.

Đoạn từ khu du lịch Sài Gòn Hồ Cóc hướng về Bình Châu chiều dài khoảng 2km, năm 2005 lúc bắt đầu làm đường ven biển, biển còn cách chân đường chỗ gần nhất là 50m, xa nhất là 100m. Nhưng đến nay biển đã “ngoạm” đoạn này sâu vào sát chân đường.

Khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất là xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc. Tính từ năm 1997 đến nay, tình trạng sạt lở sâu vào đất liền đã là 200m. Bằng chứng là ở ấp Khu 1, xã Bình Châu, một diện tích lớn đã sạt lở, ăn sâu vào hàng cây phi lao, thậm chí hình thành một dòng chảy.

“Trước đây, từ hàng cây xuống chỗ tắm biển, người dân phải đi rất xa và bãi biển rộng hàng trăm mét. Nhưng bãi cát đang ngày càng rút ngắn, nước biển tiến vào nhiều hơn”, anh Nguyễn Tiến Hòa (ngụ ấp Khu 1, xã Bình Châu) nói.

Ngày Đại dương thế giới (ngày 8/6) do Liên Hợp quốc thông qua thể hiện sự đoàn kết, kết nối tất cả mọi người trên toàn thế giới với mục tiêu bảo tồn nguồn tài nguyên biển và đại dương. Chủ đề của Ngày Đại dương thế giới năm nay là “Hồi sinh: cùng hành động vì đại dương” thể hiện tầm quan trọng của các hoạt động phối hợp giữa các quốc gia và tổ chức giúp hồi sinh đại dương, phục hồi các hệ sinh thái biển bị suy thoái, bảo tồn tài nguyên và môi trường biển với mục tiêu phát triển bền vững.

Chủ động các biện pháp ứng phó

Đi trên kè biển dài hơn 1km làng chài xã Phước Thuận (huyện Xuyên Mộc), ít ai hình dung cả một dãi bờ biển dài này trước đây từng bị sóng đánh sập, “ngoạm” vào đất liền 30-50m.

Theo lời của người dân địa phương, nơi đây đã có rất nhiều công trình kè biển do Nhà nước lẫn tư nhân xây dựng nhằm ngăn chặn tình trạng xâm thực của biển nhưng vẫn không hiệu quả, sóng vẫn đánh bay kè mềm, biển vẫn “nuốt” vào đất liền mỗi năm thêm vài chục mét. Khi công trình kè biển của Công ty CP KH-CN Việt Nam (Busadco) hoàn thiện, chiều dài hơn 1km có kè đã không còn một đụn cát nào bị mất. Hơn 30m chiều ngang của khu đất do biển từng “nuốt” vào một khu du lịch của Tập đoàn Hoa Lâm nay được lấy vào.

Cách kè biển không xa, phía sau lưng của khu du lịch này là dòng sông Ray cũng đang ngày đêm bị sạt lở. Công trình kè sông của Busadco dài hơn 3km ở bờ sông Ray không chỉ làm cản dòng chảy, ngăn chặn xói lở mà còn tạo thành một hành lang chắc chắn, sạch sẽ ngay bên bờ sông. Cuối năm 2021, cả 2 công trình kè sông, kè biển này đã hoàn thiện, tạo nên một diện mạo mới cho vùng cửa sông, cửa biển của huyện Xuyên Mộc.

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, thực trạng sạt lở trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đang diễn ra với tốc độ khá nhanh. Chỉ tính trong 15 năm qua, tốc độ sạt lở từ 2m/năm giờ đã lên đến 30m/năm, có những khu vực biển lấn hơn 80m.

Biến đổi khí hậu cũng đã đe dọa đến nguồn nước trên địa bàn tỉnh . Nếu tính theo chuẩn cấp nước cho các nhu cầu sinh hoạt và sản xuất 2.500m3/người/năm là bền vững thì khả năng cung cấp của nguồn tài nguyên nước của tỉnh hiện chỉ đạt 35,7%.

Đây là một trong số những giải pháp hữu hiệu bảo vệ bờ biển trước biến đổi khí hậu mà Bà Rịa-Vũng Tàu đã triển khai thời gian qua. Theo ông Đặng Sơn Hải, Phó Giám đốc Sở TN-MT, để ứng phó với biến đổi khí hậu, UBND tỉnh đã xây dựng nhiều chính sách, mục tiêu để chỉ đạo các sở, ban, ngành cấp bách thực hiện giải pháp nghiên cứu xây dựng công trình bảo vệ bờ biển; gia cố các tuyến đê biển, ngăn chăn xâm nhập mặn; phát triển hệ thống rừng phòng hộ ven biển; chuẩn bị sẵn sàng các phương án tái định cư, di dời các cơ sở hạ tầng và khu dân cư ra khỏi khu vực sạt lở nguy hiểm.

Ngoài ra, UBND tỉnh cũng phê duyệt danh mục các khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển trên địa bàn tỉnh. Theo đó, toàn tỉnh có 40 khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển với tổng chiều dài bờ biển là hơn 48.618m. Trong đó, phần đất liền có 27 khu vực với tổng chiều dài bờ biển là 36.744m.

Nguồn: Bảo vệ biển trước tác động biến đổi khí hậu

Quang Vũ

baobariavungtau.com.vn