Bệnh viện tầng 3 quá tải do tiếp nhận F0 nhẹ

15:38 | 07/12/2021

|
Hà Nội: Số ca nhiễm tăng 400-500 mỗi ngày, các bệnh viện tuyến cuối thay vì chỉ điều trị ca nặng thì tiếp nhận cả F0 nhẹ hoặc không triệu chứng để giảm áp lực cho các cơ sở y tế khác.

PGS.TS Hoàng Bùi Hải (Phó giám đốc Bệnh viện Điều trị Người bệnh Covid-19 - thuộc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) cho biết, mục tiêu của viện là điều trị F0 nặng (tầng 3 trong mô hình điều trị 3 tầng). Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, số ca nhiễm tăng nhanh, bệnh viện phải tiếp nhận cả người nhẹ. Hiện, F0 nhẹ tại đây chiếm 70-80%, chủ yếu không triệu chứng.

"Nếu tiếp tục đổ dồn F0 nhẹ về tuyến cuối như thế này sẽ gây quá tải và phí nguồn lực, năng lực bệnh viện cũng không đủ đáp ứng khi số ca tăng", bác sĩ Hải nói, thêm rằng bệnh viện được hỗ trợ nhân lực (theo kế hoạch là khoảng 1.000 người) từ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, song không thể dồn hết sang điều trị Covid-19, mà còn phải phân bổ điều trị bệnh nhân khác. Kế hoạch giai đoạn hai của bệnh viện là 200 giường cũng lấp đầy người bệnh, tăng áp lực lên nhân viên y tế tuyến đầu.

Tương tự, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (được Sở Y tế Hà Nội phân công điều trị F0 nặng) cũng phải tiếp nhận nhiều bệnh nhân nhẹ, mà đúng ra theo phân tầng điều trị họ được theo dõi ở trạm y tế lưu động hoặc cơ sở thu dung, bệnh viện tầng 2. Giám đốc Bệnh viện, bác sĩ Nguyễn Văn Thường nói: "Điều đáng ngại nhất là với đà ca tăng tích lũy hiện nay, F0 dồn hết vào bệnh viện thì không hệ thống y tế nào gánh được".

Theo ông Thường, Hà Nội cần phân bổ nguồn nhân lực và phân tầng bệnh nhân rõ ràng hơn, "bởi cứ 100 F0 thì khoảng 80-90 trường hợp không triệu chứng, không cần đến viện". Hiện, Đức Giang điều trị hơn 140 bệnh nhân, trong đó khoảng 5-7 ca nặng. Mức độ nguy kịch của người bệnh nặng hiện cũng giảm, đợt trước có thể 5 ca lọc máu một tuần thì bây giờ còn 1-2 ca.

"Như vậy, điều quan trọng nhất của ngành y tế hiện nay là giảm tử vong, giảm ca nặng và quản lý để tránh lây lan trong cộng đồng, bệnh viện tầng 3 chỉ tập trung điều trị bệnh nhân nặng", bác sĩ Thường đề nghị.

Bệnh viện tầng 3 quá tải do tiếp nhận F0 nhẹ
PGS. TS Hoàng Bùi Hải (Phó giám đốc Bệnh viện Điều trị người bệnh Covid-19 - góc trái) cùng đồng nghiệp theo dõi sức khỏe bệnh nhân qua màn hình. Ảnh: Bác sĩ cung cấp

Ngày 7/12, trả lời VnExpress về tình trạng F0 nhẹ được đưa vào tầng 3, ông Khổng Minh Tuấn (Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội) cho biết, quy trình xử trí, tiếp nhận điều trị là do cơ sở y tế tuyến dưới phân loại và điều chuyển. Tuy nhiên, di chuyển bệnh nhân vào lúc nào, đến cơ sở nào phụ thuộc vào quy định phân luồng, số giường còn trống, tình trạng người bệnh và năng lực đáp ứng của hệ thống y tế tại thời điểm đấy.

Theo ông Tuấn, F0 sau khi có kết quả dương tính, cơ sở y tế liên hệ đến bệnh viện thu dung để tiếp nhận F0, "cố gắng đáp ứng kịp thời". Tất cả quy trình cần thực hiện phải chính xác, cẩn thận, nguyên tắc không để dịch bùng phát. Điều này dẫn đến việc phân loại, điều phối F0 đến các cơ sở điều trị chưa hợp lý.

Về việc này, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã đề nghị các đơn vị y tế "không đẩy F0 nhẹ lên tuyến trên", gây quá tải cho các tầng điều trị bệnh nhân nặng hơn, ảnh hưởng đến hiệu quả công tác phòng, chống dịch chung của thành phố. UBND các quận huyện, thị xã phải có trách nhiệm tập trung phân loại nhanh F0, cập nhật ngay dữ liệu lên hệ thống và phối hợp thường xuyên để phân tầng điều trị bảo đảm chính xác, kịp thời. Ngành y tế nâng cao năng lực điều trị tại các tầng, hạn chế đến mức thấp nhất tử vong.

Hôm 5/12, Hà Nội ban hành Hướng dẫn phân luồng, tiếp nhận và điều trị người bệnh Covid-19, theo mô hình 3 tầng điều trị. Trong đó tầng một là tuyến y tế cơ sở và tại nhà; tầng 2 gồm các bệnh viện đa khoa cấp huyện, do thành phố phụ trách; tầng 3 là các bệnh viện tuyến thành phố, hạng I và tuyến Trung ương. Cơ sở điều trị cần chủ động chuyển người bệnh đến các cơ sở điều trị ở tầng thấp hơn để quản lý, điều trị tình trạng ổn định; ưu tiên bố trí giường bệnh tầng 2 và tầng 3 để tiếp nhận bệnh nhân mới.

Theo hướng dẫn phân luồng, bệnh nhân Covid-19 có mức độ lâm sàng không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ thuộc tầng 1. Trong đó, nhóm nguy cơ thấp là ngườitừ 3 tháng trở lên đến dưới 49 tuổi và chưa phát hiện bệnh lý nền, đã tiêm đủ liều vaccine, chưa có dấu hiệu bất thường và SpO2 từ 97% trở lên; nhóm nguy cơ trung bình50-64 tuổi, chưa phát hiện bệnh lý nền và đã tiêm đủ liều vaccine hoặc tuổi từ 3 tháng đến dưới 49 tuổi và chưa tiêm đủ liều vaccine.

Hai nhóm này được điều trị tại nhà hoặc trạm y tế lưu động ở quận huyện do trạm y tế, nhân viên y tế, tình nguyện viên... theo dõi, quản lý. Ngoài ra, bệnh nhân được hỗ trợ tâm lý, dinh dưỡng, vận động, theo dõi sức khỏe liên tục, đánh giá nguy cơ. F0 cũng được cung cấp gói chăm sóc tại nhà như thuốc kháng virus, vitamin, nhu yếu phẩm...

Mỗi F0 điều trị tại nhà sẽ cài App để mỗi ngày hai lần điền thông tin chỉ số sức khỏe bản thân; phần mềm được kết nối với trung tâm điều hành để nhân viên y tế theo dõi, kịp thời chuyển tầng điều trị nếu F0 có dấu hiệu bất thường. Các tổ covid cộng đồng, tổ chức đoàn thể như thanh niên, cựu chiến binh, phụ nữ... cùng theo dõi, giám sát F0 tại nhà qua hệ thống công nghệ thông tin.

Những trường hợp F0 thể nhẹ song không đủ điều kiện điều trị tại nhà, sẽ được chuyển đến tuyến y tế cơ sở, trạm y tế lưu động ở xã, phường, thị trấn. Các xã, phường, thị trấn được yêu cầu thiết lập bình quân mỗi đơn vị một trạm y tế lưu động có ít nhất 150 giường bệnh, tổng số hơn 86.000 giường toàn thành phố.

Bệnh viện tầng 3 quá tải do tiếp nhận F0 nhẹ
Số ca mắc ngoài cộng đồng của TP Hà Nội trong 1 tháng (từ ngày 4/11 đến ngày 6/12) Biểu đồ: CDC Hà Nội.

Hiện, tình trạng ca nhiễm tăng buộc các quận, huyện lập thêm nhiều cơ sở thu dung F0 nhẹ, không triệu chứng. Tại Hà Đông, ông Trương Kỳ Phong (Giám đốc Trung tâm Y tế quận) cho biết cơ sở tiếp nhận F0 nhẹ, không triệu chứng đặt ở Khu ký túc xá trường Đại học Đại Nam, quy mô 300 F0. Ngoài ra quận có phương án lập 17 trạm y tế lưu động ở 17 phường, "chờ có chỉ đạo thì sẽ bắt đầu tiếp nhận bệnh nhân". Quận đang tìm thêm khu khác như trường mầm non, ủy ban phường cũ... để chuẩn bị đặt các trạm y tế lưu động này, phòng khi số ca tăng nhanh.

"F0 nhẹ, không triệu chứng theo dõi khu tập trung ở quận để giảm tải áp lực, mỗi quận ít nhất một điểm, khi F0 nặng thì liên hệ chuyển bệnh viện", ông Phong cho hay.

Tính đến 4/12, nhiều cơ sở nhiều cơ sở thu dung, điều trị F0 thể nhẹ, không triệu chứng tại các quận, huyện tại Hà Nội đã bắt đầu hoạt động. Tại Phòng khám đa khoa Minh Phú, huyện Sóc Sơn (200 giường) đang điều trị 6 F0 thể nhẹ. Huyện Thanh Trì thiết lập cơ sở thu dung tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện, quy mô 300 giường. Huyện Mỹ Đức vận hành cơ sở tại Trường Mầm non Lê Thanh A 250 giường bệnh...

F0 thể trung bình được điều trị tại tầng 2 và tầng 3.Trong đó, người có nguy cơ rất cao nhưtừ 65 tuổi trở lên và chưa tiêm đủ liều vaccine; mắc bệnh lý nền và chưa tiêm đủ liều vaccine; tình trạng cấp cứu chuyên khoa, điều trị tại bệnh viện tầng 3 hoặc Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội và các Trung tâm Hồi sức tích cực Covid-19 thuộc tuyến Trung ương.

F0 nặng và nguy kịch điều trị tại tầng 3 gồm các bệnh viện Đức Giang, Thanh Nhàn, Hà Đông, Xanh Pôn hoặc các bệnh viện trung ương.

Trường hợp đặc biệt như bệnh nhân chạy thận nhân tạo, bệnh nhân HIV, người có bệnh tâm thần hoặc mắc các bệnh lý chuyên khoa cần can thiệp... phân luồng đến bệnh viện phù hợp như viện Tim, Ung bướu, viện Phổi Hà Nội.

Thống kê của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, đến ngày 6/12, Hà Nội có 5.116 F0 đang điều trị ở bệnh viện; 628 F0 điều trị tại khu cách ly. Trong đó, 4.323 F0 không triệu chứng hoặc nhẹ - chiếm 84,5%; bệnh nhân mức độ trung bình là 725 người; 60 ca nặng và nguy kịch; 68 người thở oxy mask, gọng kính; 4 người thở máy không xâm lấn; 3 người thở máy xâm lấn và một người lọc máu. Không có bệnh nhân nào phải thở HFNC hay EMCO.

Hà Nội đã xây dựng kịch bản ứng phó tình huống 40.000, 100.000 ca nhiễm, hướng dẫn F0 điều trị, cách ly tại nhà. Trong tình huống dịch diễn biến phức tạp, thành phố có phương án huy động hệ thống y tế tư nhân, bác sĩ nghỉ hưu, học sinh sinh viên ngành y và cả nhân lực các bệnh viện Trung ương tham gia chống dịch.

Ngành y tế đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine, đặc biệt là tiêm mũi hai với người trên 50 tuổi; tiếp tục kế hoạch tiêm cho trẻ em theo lộ trình hạ dần độ tuổi; tổ chức tiêm lưu động, tiếp cận các nhóm nguy cơ cao như người lớn tuổi, bệnh nền, khó di chuyển. Hiện, 94,2% người từ 18 tuổi trở lên tại Hà Nội được tiêm ít nhất một liều vaccine; tỷ lệ người từ 50 tuổi trở lên được tiêm đủ 2 liều là 82,33%.

Tổng cộng từ ngày 29/4 đến nay, thành phố ghi nhận 13.946 ca, trong đó số cộng đồng 5.492, số trong khu cách ly 8.454.

Nguồn: Bệnh viện tầng 3 quá tải do tiếp nhận F0 nhẹ

Thùy An

vnexpress.net