Bộ Tài chính làm rõ chuyện dự phòng ngân sách hết tiền

08:10 | 18/09/2021

|
Theo Bộ Tài chính, dự phòng ngân sách trung ương đã chi hết và đang chờ bổ sung, chứ không phải "ngân sách gần như không còn đồng nào".

Thông tin này được Bộ Tài chính đưa ra trong thông cáo báo chí phát đi trưa 17/9, nhằm làm rõ hơn cho phát biểu "ngân sách trung ương gần như không còn đồng nào" của Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc tại phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ngày 16/9.

Tại phiên họp này, khi được đề nghị dùng ngân sách bổ sung giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp các chi phí phòng, chống dịch bệnh khi duy trì sản xuất, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc tiếp thu nhưng chia sẻ thêm rằng ngân sách hiện rất khó khăn, "ngân sách trung ương dự phòng gần như không còn đồng nào".

Bộ Tài chính làm rõ chuyện dự phòng ngân sách hết tiền
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo tại phiên họp thứ 3, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ngày 16/9. Ảnh: Hoàng Phong

Giải thích rõ hơn việc này, Bộ Tài chính cho biết, trong năm nay, trung ương đã trích 10.700 tỷ đồng từ nguồn dự phòng năm 2021 để bổ sung kinh phí phòng, chống dịch và chi 5.100 tỷ đồng mua vaccine phòng Covid-19 từ nguồn tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2020 chuyển sang. Hiện nay khoản dự phòng này gần như đã chi hết 17.500 tỷ đồng. Nhưng đồng thời, ngân sách vẫn còn khoản tiết kiệm từ chi thường xuyên, khoảng 14.620 tỷ đồng, đang trình và chờ Thường vụ Quốc hội cho điều chỉnh dự toán, để chi khoản này "chứ không phải ngân sách Trung ương gần như không còn đồng nào", Bộ Tài chính cho hay.

Hằng năm, khi lập dự toán chi ngân sách, ngân sách được phân bổ thành nhiều khoản cụ thể cho các nhiệm vụ chi khác nhau. Trong đó, dự phòng ngân sách nhà nước là phần "dự phòng" cho mục đích phát sinh chưa có trong dự toán. Khoản này theo quy định có thể chi cho phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, cứu đói, nhiệm vụ quan trọng về quốc phòng, an ninh...

Cũng theo Bộ Tài chính, thực tế do ảnh hưởng dịch bệnh, tình hình thu ngân sách cũng gặp nhiều khó khăn. Lũy kế thu ngân sách 8 tháng đầu năm ước đạt hơn 1 triệu tỷ đồng, gần bằng 75% dự toán, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2020.

Đóng góp lớn vào thu ngân sách là thu nội địa – đang giảm dần qua các tháng do ảnh hưởng của làn sóng Covid-19 lần thứ 4. Cụ thể, thu nội địa trong tháng 4 là 115.600 tỷ đồng, tháng 5 thu 85.000 tỷ đồng, tháng 6 thu 80.500 tỷ, tháng 7 thu 114.400 tỷ (gồm 37.000 tỷ đồng tăng thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp kê khai và nộp theo quý), tháng 8 thu 63.200 tỷ đồng. Nhưng nếu xét luỹ kế 8 tháng, thu nội địa đạt 820.400 tỷ đồng, vẫn tăng 12% so cùng kỳ năm ngoái

Lũy kế chi 8 tháng là 918.100 tỷ đồng, hơn 54% dự toán. Các khoản chi được thực hiện theo dự toán và tiến độ triển khai nhiệm vụ chuyên môn của các đơn vị sử dụng ngân sách. Cả ngân sách trung ương và ngân sách địa phương đã ưu tiên bố trí chi cho công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Đến hết tháng 8, ngân sách nhà nước đã chi 18.800 tỷ đồng cho phòng chống dịch (17.200 tỷ đồng) và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 (1.600 tỷ đồng). Trong số đó, trung ương chi 10.700 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2021 để bổ sung kinh phí phòng, chống dịch và chi 5.100 tỷ đồng mua vaccine phòng Covid-19 từ nguồn tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2020 chuyển sang.

Các địa phương chi 3.000 tỷ đồng cho phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch. Thủ tướng cũng đã quyết định xuất Quỹ vaccine phòng Covid-19 là 2.550 tỷ đồng để mua vaccine.

Do tiến độ chi thấp hơn tiến độ thu ngân sách, nên về tổng thể cân đối ngân sách nhà nước 8 tháng có thặng dư. Tuy nhiên, cân đối ngân sách trung ương bội chi, còn ngân sách địa phương thặng dư lớn.

Nguồn: Bộ Tài chính làm rõ chuyện dự phòng ngân sách hết tiền

Anh Minh - Quỳnh Trang

Vnexpress