Cà Mau: Biển Bạch khát nước sạch

20:49 | 23/07/2022

|
Ấp Thanh Tùng (xã Biển Bạch, huyện Thới Bình) cách xa trung tâm xã khoảng 5 km, nơi có địa bàn rộng và nhiều tuyến tiếp giáp huyện U Minh và huyện An Minh (tỉnh Kiên Giang). Toàn ấp có hơn 400 hộ dân sinh sống bằng nghề nuôi tôm xen canh trồng lúa, nuôi cua… So với thời điểm trước chuyển dịch cơ cấu sản xuất, bộ mặt nông thôn ở Thanh Tùng khởi sắc hơn. Nhưng Thanh Tùng vẫn còn đó những khó khăn...

Trăn trở giảm nghèo

Ông Lê Thành Văn, Trưởng ấp Thanh Tùng, cho biết, đồng đất Thanh Tùng bị nhiễm phèn, trũng, trồng lúa năng suất không cao. Năm 2000, việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất từ trồng lúa sang nuôi tôm đã làm thay đổi đời sống người dân. Thu nhập từ con tôm cao gấp gần 10 lần so với trồng lúa, nên khi được địa phương vận động xây dựng lộ nông thôn theo phương châm Nhà nước và Nhân dân cùng làm thì bà con ủng hộ nhiệt tình. Từ năm 2003, Thanh Tùng đã có đường bê-tông đấu nối về trung tâm xã, cứ thế phát triển dần lộ làng đến các xóm.

“Ở đây bà con rất chí thú làm ăn. Thanh niên độ tuổi lao động mà nhà ít sản xuất thì tìm việc làm thêm, hiện trong ấp có khoảng 30% hộ dân có con em đi lao động trong và ngoài tỉnh. Vì vậy, so với cách nay 5 năm, hiện đời sống vật chất của người dân đã nâng lên đáng kể. Hơn 97% hộ dân đã được tiếp cận điện lưới quốc gia, nơi nào có dân cư là đường bê-tông phủ đến…”, ông Văn bộc bạch.

Cà Mau:  Biển Bạch khát nước sạch
Người dân Thanh Tùng chí thú làm ăn. Ảnh: Bà con nâng cao thu nhập từ nghề đan lờ.

Tuy nhiên, băn khoăn của ấp là vấn đề giảm nghèo. Hiện ấp có 37 hộ nghèo, nhưng phần lớn đều rơi vào các trường hợp chẳng đặng đừng. Đa số là hộ ít đất sản xuất, bệnh ngặt nghèo phải vay nợ rồi bán đất… Trường hợp ông Nguyễn Văn Hùng là một điển hình.

Ông Hùng và vợ đều thuộc dạng bệnh kém nhận thức. Do không có nhiều đất đai nên khi ông lấy vợ, cha mẹ chỉ cho được 1 nền nhà. Không đất sản xuất, tính khí bất ổn nên không thể đi làm công kiếm sống, vợ chồng ông hàng ngày đi thu nhặt phế liệu, 2 đứa con đang học dở dang bậc THCS cũng bỏ học theo cha mẹ rong ruổi. Chính quyền, đoàn thể địa phương vận động các em không được nên chỉ quan tâm hỗ trợ các chế độ chính sách cho gia đình. Việc xoá nghèo đối với hộ này rất khó thực hiện.

Là ấp giáp ranh tỉnh Kiên Giang, xa trung tâm nên phần lớn con em ở ấp phải đi học nhờ các trường phía xã Đông Hưng B, huyện An Minh (cách con sông Trẹm). Điều này vừa gây khó khăn trong việc học hành, vừa thiệt thòi trong việc xét trợ cấp từ sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm.

Thiếu nước sạch

Ở Thanh Tùng, bà con chủ yếu sống nhờ nghề nuôi tôm nên rất sợ nguồn nước bị ô nhiễm. Tuy vậy, bà con phải hứng chịu những ảnh hưởng từ nguồn nước xả chống ngập úng từ cống Kênh 18, xã Khánh Thuận (huyện U Minh), kéo theo đó là sự ô nhiễm và độ phèn cao gây ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất.

Bức xúc nhất hiện nay của người dân Thanh Tùng là nước sạch sinh hoạt. Tháng 4/2017, công trình cấp nước tập trung nông thôn liên xã Tân Bằng - Biển Bạch thuộc Dự án Quản lý thuỷ lợi phục vụ phát triển nông thôn vùng đồng bằng sông Cửu Long, với tổng kinh phí hơn 30 tỷ đồng, đã khánh thành và đưa vào sử dụng. Người dân Thanh Tùng vô cùng phấn khởi vì thoát cảnh phải đổi từng thùng nước sạch như trước đây. Tuy nhiên, công trình được đặt tại Kênh 9 (thuộc xã Tân Bằng), nước chảy về đến xã Biển Bạch thì yếu hẳn và đến ấp Thanh Tùng thì nhỏ giọt.

Cà Mau:  Biển Bạch khát nước sạch
Người dân ấp Thanh Tùng luôn nơm nớp lo sợ thiếu nước sạch sinh hoạt.

Chị Lê Thị Đẹp, người dân ấp Thanh Tùng, bộc bạch: “Trời mưa, nhiều hộ sử dụng nước mưa sinh hoạt nên lượng nước ống về đến ấp đỡ hơn, bà con Thanh Tùng có thể mở nước sử dụng vào ban ngày. Nhưng những lúc nắng nóng, khô hạn, nhu cầu xài nước lớn, ai cũng dùng nước từ ống dẫn thì chúng tôi phải thức từ 3 giờ sáng để lấy nước trữ sinh hoạt vì ban ngày nước không chảy tới nổi". Bên cạnh đó, hiện ấp còn vài chục hộ nằm trong khu vực kênh, rạch chưa được sử dụng nước ống kéo tận nhà mà phải mua nước của dịch vụ vận chuyển bằng ghe theo mức giá thoả thuận khoảng 35.000 đồng/khối.

Theo ông Văn, thời làm nông nghiệp trước đây hay giờ nuôi trồng thuỷ sản, người dân Thanh Tùng luôn hăng say lao động. Tuy nhiên, thiếu nguồn nước ngọt là một cản trở cho bước phát triển kinh tế hộ gia đình. Nước sạch không chỉ để sinh hoạt đời sống hàng ngày mà còn phục vụ chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng hoa màu, cây ăn trái…

Cà Mau:  Biển Bạch khát nước sạch
Cống Kênh 18, xã Khánh Thuận xả nước làm ảnh hưởng sản xuất của người dân Thanh Tùng.

Chúng tôi rời Thanh Tùng với những ghi nhận buồn, vui lẫn lộn. Và suốt trên đường đi, chúng tôi cứ mãi trăn trở về nhu cầu nước ngọt của người dân. Điều mà chúng tôi nhớ hoài là trải lòng của ông Văn: “Những tháng thời tiết oi bức, mồ hôi nhễ nhại nhưng bà con đi vuông vào chỉ múc vài ca nước xối qua loa chớ đâu dám tắm vì sợ không đủ nước sạch cho sinh hoạt gia đình!”.

Ông Đỗ Vũ Lực, Phó chủ tịch UBND xã Biển Bạch, cho biết: “Thanh Tùng là ấp đặc biệt khó khăn nên đầu tư của Nhà nước về phát triển hạ tầng cơ sở, cũng như các chính sách về an sinh xã hội… xã đặc biệt quan tâm đến ấp Thanh Tùng. Song, có những vấn đề tuy ghi nhận nhưng nội lực địa phương thì không thể giải quyết được. Như việc con em Thanh Tùng phải đi học nhờ các trường ở xã lân cận thuộc huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang, xã chỉ cố gắng hỗ trợ các em về sách vở, chứ không thể mở điểm trường. Về nước sạch sinh hoạt thì xã cũng đã có nhiều đề xuất, kiến nghị, vấn đề là chờ sự xem xét, hỗ trợ của trên…”.

Nguồn: Thanh Tùng - Biển Bạch khát nước sạch

Mỹ Pha - Lê Tuấn

baocamau.com.vn