Cà Mau: Điểm nhấn trên bản đồ điện gió

17:02 | 18/05/2022

|
Phát triển năng lượng tái tạo là chủ trương thuận ý Đảng, hợp lòng dân, theo xu thế phát triển của thế giới. Tại mảnh đất cực Nam Tổ quốc, từ khai thác lợi thế, Cà Mau đã hình thành nên những nhà máy điện gió đầu tiên, ghi tên lên bản đồ điện lưới quốc gia từ nguồn năng lượng tái tạo, tạo điểm nhấn đáng tự hào.
Cà Mau: Điểm nhấn trên bản đồ điện gió
Thuận lợi về năng lượng gió, tuy nhiên, điều kiện thi công trên vùng biển ven bờ, cùng với việc hình thành đường truyền dẫn vào đất liền thật sự là thử thách trong xây dựng đối với các công trình điện gió tại Cà Mau.

Đồng chí Huỳnh Quốc Việt, Uỷ viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết, theo quy hoạch phát triển điện gió giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, được Bộ trưởng Bộ Công thương phê duyệt, đến năm 2030 tỉnh Cà Mau được phê duyệt quy hoạch 3.607 MW điện gió. Cùng với đó, hạ tầng truyền tải lưới điện theo Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Cà Mau đến năm 2025, có xét đến năm 2035, đủ đảm bảo giải phóng công suất cho các dự án nhà máy điện gió đầu tư trên địa bàn tỉnh hoạt động.

Với 100 MW hoà vào lưới điện quốc gia từ 3 nhà máy điện gió đã vận hành thương mại (Nhà máy Điện gió Tân Thuận 1 và 2; Nhà máy Điện gió Tân Ân), ông Nguyễn Tài Anh, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đánh giá rất cao tiềm năng của Cà Mau và sẽ tiếp tục có thêm nhiều công trình điện gió được triển khai dọc ven biển từ Đông sang Tây.

Ông Nguyễn Tài Anh cho biết, tổng quy mô công suất hệ thống điện của Việt Nam hiện là 77.000 MW, trong đó nguồn từ điện gió khoảng 4.000 MW. Theo tính toán, đến năm 2045, nguồn điện từ năng lượng tái tạo, trong đó phần lớn là từ điện gió chiếm khoảng 75% tổng công suất điện, như vậy mức tăng trưởng trong thời gian tới phải từ 8-10%/năm, nghĩa là mỗi năm điện gió đóng góp vào nguồn điện từ 5.000-7.000 MW.

“Cà Mau còn rất nhiều tiềm năng về năng lượng tái tạo, cần tiếp tục phát triển, góp phần xứng đáng vào nguồn năng lượng quốc gia. Điều này không những đảm bảo an ninh năng lượng để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đang tăng tốc rất nhanh, mà còn thể hiện cam kết tăng trưởng xanh của đất nước, cũng như khẳng định chiến lược phát triển kinh tế biển của Việt Nam”, ông Nguyễn Tài Anh nhấn mạnh trong lần về Cà Mau khánh thành Nhà máy Điện gió Tân Thuận, ngày 24/4 vừa qua.

Cà Mau: Điểm nhấn trên bản đồ điện gió
Điện gió Cà Mau hầu hết được xây dựng trên vùng biển ven bờ. (Trong ảnh: Nhà máy điện gió Tân Thuận, xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi)

Hiện Cà Mau đang tiếp tục triển khai 12 dự án với tổng công suất 700 MW, trong đó 10 dự án đã khởi công. Cùng với nhiều dự án tiếp tục trong tương lai, Cà Mau quyết tâm đóng góp trên 6.500 MW điện gió vào hệ thống năng lượng điện quốc gia./.

Nguồn: Điểm nhấn Cà Mau trên bản đồ điện gió

Trần Nguyên

Báo Cà Mau