Cà Mau: Ðể kinh tế phi nông nghiệp phát huy tiềm năng

03:11 | 30/07/2022

|
Thời gian qua, tỉnh Cà Mau có hơn 200.000 lao động phải đi làm ăn xa ngoàitỉnh. Nhận thấy được điều này, các địa phương đẩy mạnh phát triển các ngành nghề thủ công, các hợp tác xã (HTX) dịch vụ... vừa phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, vừa giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động nông thôn.

Nguồn lực mai một

Ngọc Hiển là một trong những địa phương có nguồn lao động nông thôn cao. Huyện đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm khôi phục và phát triển các nghề, làng nghề truyền thống. Tính đến cuối năm 2020, toàn huyện có 3 nghề, làng nghề truyền thống và 3 nghề, làng nghề mới. Trong đó, nghề muối ba khía đã gắn bó mật thiết với đời sống cộng đồng cư dân các vùng ven biển và được xem là một trong những nghề truyền thống tiêu biểu vì đã tồn tại hơn 100 năm.

Số liệu nghiên cứu được thu thập trực tiếp 35 hộ dân làm nghề muối ba khía ở huyện Ngọc Hiển cho thấy, nghề này mang lại hiệu quả kinh tế tương đối cao. Trong quá trình sản xuất ba khía muối, hầu hết các hộ dân đều quan tâm đến việc chọn mua ba khía tươi, sử dụng lượng phụ gia thích hợp và sử dụng các yếu tố đầu vào khác một cách hợp lý để ba khía muối đạt chất lượng và sản lượng cao.

Đi từ kinh tế hợp tác, theo hướng phát triển các sản phẩm OCOP từ con ba khía, HTX Ba khía Đầm Đơi đã khẳng định uy tín của sản phẩm ba khía trộn khi vào sân chơi OCOP. Hiện đang dần xây dựng thêm sản phẩm riêu từ con ba khía tươi với quy mô lớn từ sự trợ lực của tỉnh, sau khi đoạt giải cuộc thi ý tưởng, dự án khởi nghiệp cấp tỉnh và khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Cà Mau: Ðể kinh tế phi nông nghiệp phát huy tiềm năng
Tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển ngư, nông, lâm nghiệp. Tận dụng lợi thế này, địa phương đã tạo điều kiện, hỗ trợ người dân và các cơ sở sản xuất, HTX, doanh nghiệp phát triển nhiều sản phẩm OCOP. (Ảnh: HTX Ba khía Đầm Dơi, điển hình trong xây dựng thương hiệu OCOP từ con ba khía)

“Ở các vùng nông thôn trong tỉnh, hiện nay mô hình sản xuất phi nông nghiệp cũng đang gắn liền với chương trình OCOP, chính vì thế, sự cần thiết của chương trình đã được nhìn nhận... Kinh tế nông thôn phát triển, có sự chuyển dịch từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp", ông Đỗ Vũ Thiên Ân, Chi cục phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Cà Mau, chia sẻ.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, kinh tế nông thôn vẫn còn gặp nhiều khó khăn: cơ cấu lại nông nghiệp chưa đồng đều, nông nghiệp phát triển thiếu bền vững; năng suất lao động thấp; thu nhập và đời sống của người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa vẫn còn gặp khó khăn.

“Bên cạnh những thành tích đạt được, nữ giới cũng còn một số khó khăn khi tham gia chương trình OCOP. Tình trạng nam nữ thanh niên, đàn ông trung niên đi tìm công ăn việc làm ở các đô thị, các khu công nghiệp vẫn chưa dừng dẫn đến phụ nữ trung niên nông thôn ngày càng gánh vác nhiều việc gia đình, ít thời gian tham gia lao động phi nông nghiệp để kiếm thêm thu nhập. Trình độ chuyên môn, kỹ thuật còn nhiều hạn chế, phần lớn là lao động phổ thông, giản đơn, lao động làm việc theo kinh nghiệm nên năng suất thấp mang lại thu nhập chưa cao. Đây cũng là trở ngại lớn trong quá trình đẩy nhanh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp hiện nay”, bà Nguyễn Thị Ngọc Thuý, Phó chủ tịch Hội LHPN tỉnh, lo lắng.

Định hướng từ kinh tế hợp tác

Tỉnh cũng đã có định hướng phát triển mô hình sản xuất phi nông nghiệp thông qua các mô hình kinh tế tập thể. Sau gần 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, HTX; trên cơ sở đó Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương triển khai thực hiện nghị quyết, từ đó khu vực kinh tế tập thể, HTX trên địa bàn tỉnh Cà Mau nói chung và lĩnh vực HTX phi nông nghiệp nói riêng đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Toàn tỉnh hiện có 228 HTX đang hoạt động. Riêng lĩnh vực phi nông nghiệp có 56 HTX. Thu nhập bình quân của lao động làm việc thường xuyên trong HTX 6 tháng đầu năm 18 triệu đồng.

Cà Mau là tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển ngư, nông, lâm nghiệp. Tận dụng lợi thế này, địa phương đã tạo điều kiện, hỗ trợ người dân và các cơ sở sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp phát triển nhiều sản phẩm OCOP mang đặc trưng, đặc sản nổi tiếng của vùng đất Cà Mau như: tôm, cua, cá khô bổi, ba khía muối, chả cá, bồn bồn, gạo, chuối sấy… Đây là điều kiện để người dân, doanh nghiệp chủ động phát huy nội lực, tổ chức sản xuất theo hướng mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại mở rộng thị trường tiêu thụ.

Cà Mau: Ðể kinh tế phi nông nghiệp phát huy tiềm năng
Hiện nay, nhiều tổ hợp tác, HTX đã nâng tầm sản phẩm bánh phồng tôm, đưa vào OCOP. (Ảnh: Hợp tác xã Kiên Cường (xã Hàng Vịnh, huyện Năm Căn) đã đưa sản phẩm bánh phồng tôm vào OCOP và đi xa vào thị trường trong và ngoài nước).

Thời gian qua, Hội LHPN tỉnh cũng đã phát động và thực hiện có hiệu quả nhiều mô hình phi nông nghiệp trong việc tuyển chọn ý tưởng khởi nghiệp cho các chị em phụ nữ như đan đát, chế biến thuỷ hải sản, thêu, kết cườm, may dân dụng, nữ công gia chánh...

Tuy nhiên, phần lớn do ảnh hưởng phong tục, tập quán các chị em sản xuất, kinh doanh theo hình thức hộ gia đình nhỏ lẻ, manh mún, tự phát, sản xuất theo kiểu truyền thống. Vì vậy, sự hợp tác, liên kết trong ngành càng cần thiết hơn bao giờ hết vì mục tiêu của liên kết trong ngành là phân bổ lợi ích và cả rủi ro giữa những người tham gia để các tác nhân tham gia cùng nhau phát triển. Bên cạnh đó, ngành nghề phi nông nghiệp là một trong những chiến lược tạo công ăn, việc làm cho bộ phận lao động nông thôn, tăng năng suất lao động, cải thiện được đời sống người lao động và đặc biệt là góp phần vào công tác xoá đói giảm nghèo ở địa phương./.

Nguồn: Ðể kinh tế phi nông nghiệp phát huy tiềm năng

Phú Hữu

baocantho.com.vn