Cà Mau: Ði qua vùng ngọt hoá - Bài 2: Nhiều nút thắt phát sinh

18:18 | 20/01/2022

|
Ðã xuất hiện nhiều mô hình mang lại hiệu quả, giá trị trên cùng diện tích được nâng lên, đời sống người dân không ngừng được cải thiện…, song, để khẳng định mô hình này thật sự bền vững, ổn định và có thể nhân rộng thêm hay không thì chưa ai dám khẳng định. Ðó là chưa kể các mô hình hiện tại thật sự khai thác hết tiềm năng lợi thế của vùng ngọt hay chưa? Hàng loạt câu hỏi ấy cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và chính người nông dân tiếp tục tìm câu trả lời sát thực nhất.
Cà Mau: Ði qua vùng ngọt hoáCà Mau: Ði qua vùng ngọt hoá

Trong chuyến khảo sát và làm việc với lãnh đạo UBND huyện Trần Văn Thời về thực hiện và nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, ông Phạm Thành Ngại, Phó bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, cho rằng, điều đáng mừng là sau bao trăn trở và nỗ lực, đời sống của người dân vùng ngọt hoá đã được nâng lên đáng kể. Tuy nhiên, so ra vẫn chưa nhiều, chưa xứng với tiềm năng và lợi thế hiện có.

"Sau các lần tham quan khảo sát, các mô hình sản xuất hiệu quả mà không có giải pháp để giúp người dân nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và đầu ra sản phẩm, không thể nhân rộng… chẳng qua cũng chỉ xem cho đã mắt, không ý nghĩa gì. Ðừng để nông dân và doanh nghiệp tự bơi, cán bộ phải trăn trở cùng sự trăn trở của người dân và doanh nghiệp", Phó bí thư Thường trực Tỉnh uỷ trăn trở.

Chưa bền vững

Trở lại câu chuyện của mô hình 2 vụ lúa - 1 vụ màu, cụ thể hiện nay là vụ bí. Cả người dân và cán bộ địa phương đều khẳng định, thời gian qua đây là mô hình sản xuất hiệu quả, nhưng để trả lời cho câu hỏi có thể tiếp tục nhân rộng thêm hay không thì không ai dám khẳng định.

Là người có thâm niên hơn 10 năm trồng bí nhưng ông Ngô Văn Tự, Ấp 5, xã Trần Hợi, cũng không tự tin với tương lai của nó, bởi gần như phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái của các tỉnh Hậu Giang, Cần Thơ. Khi đến thời điểm thu hoạch, họ cho giá bao nhiêu thì bán bấy nhiêu chứ không có sự lựa chọn khác. Mỗi năm, gia đình thu hoạch khoảng 20 tấn bí nhưng phải liên hệ từ 2-3 thương lái mới tiêu thụ hết.

Theo phân tích của chính quyền địa phương và người dân, các vụ bí trên ruộng lúa thời gian qua cho thu nhập khá một phần nhờ lịch thời vụ sản xuất của người dân Cà Mau đi trước so với các tỉnh lân cận. Câu chuyện đặt ra là nếu diện tích canh tác được phát triển nhiều hơn hay người dân tại các vùng lân cận như Cần Thơ, Sóc Trăng… điều chỉnh lịch thời vụ trùng thì liệu bí của Cà Mau có tiêu thụ được hay không, hay phải lâm cảnh như khoai lang của Vĩnh Long cách đây không lâu.

Hay như câu chuyện con cá bổi, dù có thương hiệu nhưng nó đã khiến người dân không ít lần lâm cảnh lao đao vì giá thành giảm thấp do đụng hàng với các tỉnh lân cận.

Cà Mau: Ði qua vùng ngọt hoá - Bài 2: Nhiều nút thắt phát sinh
Cá bổi năm nay có giá cao, người nuôi trong vùng ngọt hoá đạt lợi nhuận từ 20.000-25.000 đồng/kg.

Ông Trần Tấn Công, Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời, bộc bạch, đối với sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện còn nhiều biến động. Mô hình đó đang hiệu quả, có xu thế phát triển, tuy nhiên có thể hôm nay là hiệu quả nhưng chưa chắc ngày mai có lợi nhuận, do vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún. Câu chuyện nuôi cá bổi là một minh chứng, thời gian đầu mang lại hiệu quả rất cao, thế rồi không lâu sau đó người nuôi lỗ nhiều hơn lời và vụ mùa này bắt đầu lãi trở lại.

Mô hình trồng màu tại vùng ngọt Trần Văn Thời nói riêng và các vùng ngọt của tỉnh nói chung, nhất là việc đưa màu xuống ruộng, đã xuất hiện cách đây nhiều năm. Tuy nhiên, đến nay, mô hình này vẫn là tự phát trong dân, người dân tự làm, tự liên kết với thương lái các tỉnh lân cận để tiêu thụ sản phẩm là chính.

Ông Công nhìn nhận, dù lãnh đạo huyện rất trăn trở và tâm huyết để nâng cao thu nhập của người dân, nhưng việc tham gia giúp đỡ của chính quyền là chưa nhiều, đa phần người dân tự tổ chức sản xuất là chính, việc tác động của chính quyền còn hạn chế, việc lập hồ sơ theo dõi quá trình sản xuất của người dân đến nay huyện cũng chưa làm được.

Chưa có tiếng nói chung

Chính quyền địa phương vẫn chưa tham gia được nhiều cùng với người dân, chưa trăn trở cùng với nỗi trăn trở của người dân là một thực tế đã diễn ra nhiều năm qua. Câu chuyện đã diễn ra trong 2 vụ lúa, hè thu và đông xuân, tại mô hình sản xuất lúa bao lợi nhuận ở ấp Minh Hà A, xã Khánh Bình Ðông là thí dụ điển hình.

Ðể giải quyết tình trạng thiếu vốn sản xuất tồn tại nhiều năm qua trong nông dân, mô hình sản xuất lúa bao lợi nhuận ra đời với "bà đỡ" là Công ty TNHH Dịch vụ nông nghiệp Lộc Trời. Theo đó, trong vụ hè thu, Công ty Lộc Trời đầu tư vật tư, lúa giống, kỹ thuật cùng các dịch vụ khác và cam kết bao lợi nhuận với mức 8 triệu đồng/ha/vụ. Ngược lại, khi thu hoạch lúa nông dân phải trả cho công ty 5 tấn lúa tươi/ha/vụ. Trường hợp năng suất vượt hơn 5 tấn/ha, công ty thoả thuận mua lại theo giá thị trường, còn hụt mà do yếu tố chủ quan thì người dân phải trả bù phần thiếu hụt. Riêng đối với vụ đông xuân, cũng với các điều khoản tương tự nhưng công ty cam kết bao lợi nhuận là 11 triệu đồng/ha/vụ. Ðồng thời, công ty còn chi trả tiền công, thù lao khi người dân trực tiếp lao động sản xuất trên ruộng của mình.

Nghe qua, cứ tưởng mô hình sẽ phát triển nhanh, tuy nhiên trên thực tế lại gặp rất nhiều khó khăn do người dân và công ty vẫn chưa có tiếng nói chung trong một số vấn đề về quá trình sản xuất.

Theo ông Cao Chiến Thi, ấp Minh Hà A, xã Khánh Bình Ðông, chia sẻ, giá đầu tư 22 triệu đồng cho 1 ha mà công ty đưa ra là cao so với thực tế sản xuất hiện nay của người dân. Ðồng thời, điều kiện không đạt theo sản lượng quy định thì người dân phải bù, tạo tâm lý lo lắng trong dân. Ðây cũng là lý do dù diện tích gia đình nằm trong vùng triển khai thực hiện mô hình nhưng chưa dám tham gia.

Cà Mau: Ði qua vùng ngọt hoá - Bài 2: Nhiều nút thắt phát sinh
Giá lúa vụ đông xuân ở mức cao nên người dân vùng ngọt hoá lợi nhuận trên 22 triệu đồng/ha.

Nếu vụ lúa hè thu mô hình được triển khai trên tổng diện tích 39 ha, với 17 hộ thực hiện thì đến vụ đông xuân diện tích này chỉ còn 24,8 ha với 12 hộ tham gia.

Ông Nguyễn Ðức Hiền, Phó giám đốc Công ty Lộc Trời, phân tích, theo kế hoạch trên cánh đồng của xã Khánh Bình Ðông công ty sẽ phát triển mô hình trên 1.000 ha. Tuy nhiên, vụ hè thu rất dễ làm, còn vụ đông xuân do thời tiết thuận lợi nên lợi nhuận mà công ty đưa ra là 11 triệu đồng/ha cùng với công lao động 3,8 triệu đồng là chưa hấp dẫn. Do đó, công ty đang tính toán lại tất cả những bất cập đã bộc lộ trong 2 mùa vụ qua để có giải pháp tháo gỡ kịp thời, mà cụ thể là đang tính đến việc bao lợi nhuận của người dân trên 1 kg lúa. Ðồng thời, sẽ khảo sát lại thực tế chi phí các dịch vụ nông nghiệp, lượng vật tư, phân bón...

Tuy nhiên, để đạt được con số khoảng 5.000 ha mà công ty đã ký kết với tỉnh trong năm 2022, ông Hiền cho rằng, chính quyền địa phương cần hỗ trợ công ty, nhất là địa điểm để xây dựng nhà máy sấy lúa và người dân cần tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật, để sản phẩm đạt chuẩn theo quy định. Bởi, theo ông Hiền, vụ đông xuân vừa qua, công ty thử nghiệm làm lúa đạt chuẩn châu Âu nhưng kết quả không như mong muốn do trong mẫu còn một loại hoạt chất. Mà hoạt chất này thuộc nhóm trị bệnh đạo ôn cổ bông do một số bà con tự ý phun.

Từ câu chuyện cây lúa không đạt chất lượng mà ông Hiền thông tin gợi nhớ câu chuyện dây, bẹ chuối. Cách đây mấy năm, tỉnh đã liên kết với một số cơ sở đan đát vỏ bằng bẹ chuối tại tỉnh Vĩnh Long. Những tưởng đây sẽ là cơ hội để người dân có thêm thu nhập từ phế phẩm bỏ đi này của cây chuối. Tuy nhiên, chỉ xuất được 2 đợt, còn lại những đợt sau đó lại bị trả hàng về mà nguyên nhân chính do trong dây chuối, bẹ chuối có độn cát.

Người dân có sự lo lắng, băn khoăn riêng, doanh nghiệp cũng có cái khó của doanh nghiệp, mà chưa thể có tiếng nói chung. Giải quyết những mâu thuẫn này giúp người dân và doanh nghiệp gặp nhau, cùng nhau hợp tác khai thác tiềm năng đất đai làm giàu chính đáng trên đồng đất thì chính quyền địa phương giữ vai trò vô cùng quan trọng. Chính quyền các cấp phải là chiếc cầu nối trong mọi hoạt động của cả quá trình sản xuất.

Ðể nâng cao giá trị sản xuất trên cùng một diện tích cũng như nâng cao đời sống người dân vùng ngọt hoá nói riêng, địa bàn tỉnh nói chung, ông Phạm Thành Ngại cho rằng, cần nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, các cơ quan chuyên môn trong hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Hỗ trợ người dân và doanh nghiệp là tạo điều kiện thuận lợi để họ sản xuất kinh doanh tiêu thụ sản phẩm, như đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, thu hút doanh nghiệp trong chế biến, tìm kiếm phát triển thị trường…

BÀI CUỐI: TỪNG BƯỚC GỠ KHÓ

Nguồn: Ði qua vùng ngọt hoá - Bài 2: Nhiều nút thắt phát sinh

Nguyễn Phú

baocamau.com.vn