Cà Mau: Nhọc nhằn quy hoạch và quản lý đất đai - Bài 3: Hụt hơi chạy theo quy hoạch

11:04 | 03/07/2022

|
Theo tiến trình phát triển nhanh của kinh tế - xã hội mang tính hội nhập toàn diện, xu hướng quy hoạch chuyển mục đích đất từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp luôn theo chiều hướng tăng nhanh qua các năm, đây là thực tế tất yếu. Tuy nhiên, theo thông tin từ các địa phương, tất cả đều không đạt theo quy hoạch và đang có dấu hiệu "hụt hơi".
Cà Mau: Nhọc nhằn quy hoạch và quản lý đất đai - Bài 2: Giao chỉ tiêu lệch so với thực tếCà Mau: Nhọc nhằn quy hoạch và quản lý đất đai - Bài 2: Giao chỉ tiêu lệch so với thực tế
Cà Mau: Nhọc nhằn quy hoạch và quản lý đất đai - Bài 1: Quy hoạch chưa sát thực tếCà Mau: Nhọc nhằn quy hoạch và quản lý đất đai - Bài 1: Quy hoạch chưa sát thực tế

Đạt thấp và rất thấp so với quy hoạch

Tại huyện Ngọc Hiển, quy hoạch sử dụng nhóm đất phi nông nghiệp trên địa bàn được duyệt đến năm 2020 là 6.468,00 ha, kết quả thực hiện là 5.979,35 ha, thấp hơn 488,65 ha, đạt 92,45% so với quy hoạch. “Nguyên nhân là do tình hình phát triển kinh tế - xã hội của huyện giai đoạn 2016-2020 chậm hơn so với mục tiêu ban đầu, làm ảnh hưởng đến khả năng thu hút vốn đầu tư triển khai thực hiện các công trình, dự án, nhất là các dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng về giao thông, thuỷ lợi, năng lượng, văn hoá, y tế, giáo dục, thể dục thể thao...”, ông Trần Hoàng Lạc, Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển, nhìn nhận thực tế.

Cà Mau: Nhọc nhằn quy hoạch và quản lý đất đai - Bài 3: Hụt hơi chạy theo quy hoạch
Diện tích cây rừng trên diện tích rừng gắn với nuôi tôm rất khó kiểm soát. Dù trên giấy tờ là đất rừng, nhưng hiện trạng thì cây rừng đã mất đi rất nhiều. (Ảnh chụp ở xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển, năm 2021).

Tại TP Cà Mau, nhóm đất phi nông nghiệp đã thực hiện được 3.943,02 ha trên diện tích được duyệt 6.664,56 ha, đạt 59,16%. So với hiện trạng sử dụng đất năm 2015 thì chỉ tiêu đất phi nông nghiệp đã tăng thêm 331,00 ha. Tuy nhiên, vẫn còn 2.721,54 ha quỹ đất cần tăng thêm để đạt chỉ tiêu quy hoạch đề ra. Trong đó, các chỉ tiêu thuộc nhóm đất phi nông nghiệp thực hiện đạt tỷ lệ thấp, có 21/37 chỉ tiêu sử dụng đất đạt dưới 50%. Điển hình là đất cụm công nghiệp thực hiện chưa đạt, đất thương mại dịch vụ đạt 25,99%; đất phát triển hạ tầng cấp quốc gia, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã đạt 48,16%; đất giao thông thực hiện đạt 39,57%; đất cơ sở văn hoá thực hiện đạt 41,94%...

“Nguyên nhân chính là do các dự án được bố trí thực hiện cho từng chỉ tiêu sử dụng đất vẫn chưa thực hiện hoàn thành”, ông Bùi Tứ Hải, Phó chủ tịch UBND TP Cà Mau, cho biết.

Tại huyện Thới Bình, phần lớn diện tích đất tự nhiên ở đây là đất nông nghiệp, nên việc chuyển diện tích đất sang phi nông nghiệp cũng còn nhiều hạn chế. Theo báo cáo của địa phương này, giai đoạn 2016-2020, Thới Bình chuyển mục đích đất thấp hơn 231,01 ha so với diện tích cần chuyển mục đích sử dụng đất theo điều chỉnh quy hoạch được duyệt, tỷ lệ thực hiện đạt 34,97%. Trong đó, đất trồng lúa đã thực hiện chuyển mục đích sang đất phi nông nghiệp được 22,70 ha, thấp hơn 95,68 ha so với diện tích cần chuyển mục đích sử dụng đất theo điều chỉnh quy hoạch được duyệt, tỷ lệ thực hiện đạt 19,18%.

Hàng loạt chỉ tiêu chuyển trong nội bộ đất nông nghiệp đạt tỷ lệ rất thấp, đáng chú ý là đất trồng lúa đã thực hiện chuyển mục đích sang đất nuôi thuỷ sản chỉ 17,20 ha, thấp hơn 6.096,28 ha so với diện tích cần chuyển mục đích sử dụng đất theo điều chỉnh quy hoạch được duyệt, tỷ lệ thực hiện đạt 0,28%. Ông Trần Minh Nhân, Phó chủ tịch UBND huyện Thới Bình, cho rằng, nguyên nhân đạt thấp so với quy hoạch là do chưa đủ nguồn vốn thực hiện đầu tư dự án.

Ở một vài địa phương khác trong tỉnh cũng diễn ra tình trạng tương tự như nêu trên. Đáng chú ý là huyện Đầm Dơi, thực hiện chỉ tiêu nhóm đất phi nông nghiệp 6.228,29 ha/7.333,24 ha, nhưng việc chuyển mục đích đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp chỉ 14,49 ha/21.143,00 ha (0,07%); chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất trong nội bộ đất nông nghiệp rất thấp, chỉ 2,01 ha/35.630 ha (0,01%). Hay như ở huyện Năm Căn, thực hiện chuyển mục đích đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp 582,07 ha/1.853,44 ha (31,40%)…

Con số vừa được tỉnh công bố cũng đã khẳng định kết quả thực hiện quy hoạch đối với một số loại đất trên địa bàn tỉnh đạt tỷ lệ thấp so với quy hoạch được duyệt. Cụ thể, đến năm 2020, đất trồng lúa thực hiện thấp hơn quy hoạch được duyệt là 21.880 ha, đất trồng cây lâu năm là trên 3.300 ha, đất khu công nghiệp 773 ha, đất phát triển hạ tầng giao thông trên 7.700 ha, đất ở tại đô thị trên ngàn héc-ta… Thực tế này kéo theo việc chuyển mục đích sử dụng đất đạt tương đối thấp so với kế hoạch đề ra. Đất nông nghiệp chuyển sang đất phi nông nghiệp chỉ đạt 54,25% (7.574 ha/13.961 ha); chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất trong nội bộ đất nông nghiệp chỉ đạt 25,81% (28.276 ha/109.546 ha); đất phi nông nghiệp không phải là đất ở chuyển sang đất ở đạt 67,77% (53 ha/78 ha).

Cà Mau: Nhọc nhằn quy hoạch và quản lý đất đai - Bài 3: Hụt hơi chạy theo quy hoạch
Nhiều diện tích đất lúa đã bị người dân tự ý chuyển sang mục đích khác, nhưng trên giấy tờ vẫn thể hiện là đất lúa. (Ảnh chụp ở xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, năm 2021).

Chưa được kiểm kê đúng như hiện trạng

Từ những con số nêu trên cho thấy, công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, dự báo nhu cầu sử dụng đất của một số ngành, lĩnh vực vượt khả năng đầu tư, chưa đồng bộ. Từ đó, kết quả thực hiện một số chỉ tiêu sử dụng đất chênh lệch nhiều so với quy hoạch, kế hoạch được duyệt.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên thì lại ngược với những con số thống kê nêu trên, bởi vấn đề chỉ là chưa chuyển trên giấy tờ, chứ người sản xuất đã chuyển từ lâu. Cụ thể, nhiều diện tích đất trồng lúa, đất rừng sản xuất kém hiệu quả đã chuyển sang nuôi thuỷ sản từ nhiều năm qua nhưng chưa được kiểm kê, thống kê đúng theo hiện trạng sử dụng theo Báo cáo số 293/BC-UBND, ngày 29/10/2021 của UBND tỉnh về giải trình bổ sung một số nội dung của báo cáo đề xuất giải quyết những khó khăn, tồn tại về quản lý, sử dụng đất của tỉnh Cà Mau.

Theo thống kê đất đai năm 2020, đất trồng lúa khác (lúa - tôm) là 56.766 ha, thực tế chỉ còn thực hiện khoảng 35.000 ha. Hơn 21.766 ha do không thể trồng lúa nên người dân đã chuyển sang nuôi thuỷ sản. Đất rừng sản xuất là 91.675 ha, trên thực tế có 7.148 ha người dân đã chuyển sang nuôi thuỷ sản từ nhiều năm qua, nhưng vẫn thống kê là đất rừng sản xuất dù không còn khả năng khôi phục lại rừng. Trong một báo cáo vào đầu năm 2021 của huyện U Minh về tổng kết công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; phòng cháy, chữa cháy rừng năm 2020 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2021 có nêu “Một số chủ rừng, UBND các xã chưa thực sự quan tâm nhiều đến công tác phát triển rừng, đăc biệt là trồng rừng sau khai thác (theo thống kê trên địa bàn huyện diện tích khai thác chưa trồng lại rừng còn 346,7 ha); diện tích này hiện nay các chủ rừng đa số đều sử dụng sang mục đích khác”.

Nguồn: Nhọc nhằn quy hoạch và quản lý đất đai - Bài 3: Hụt hơi chạy theo quy hoạch

Trần Nguyên

baocamau.com.vn