Cà Mau: Triển vọng con tôm - cây lúa

04:25 | 30/01/2023

|
Những năm qua, mô hình luân canh trồng lúa kết hợp nuôi tôm chứng minh được tính hiệu quả và ngày càng có lợi thế. Ðặc biệt, đã hình thành những vùng nguyên liệu sạch, đáp ứng yêu cầu các thị trường khó tính.
Cà Mau: Diện mạo mới Thới Bình thônCà Mau: Diện mạo mới Thới Bình thôn
Cà Mau: Khẩn trương, nghiêm túc làm việc sau nghỉ TếtCà Mau: Khẩn trương, nghiêm túc làm việc sau nghỉ Tết

Thới Bình là huyện có tiềm năng lớn để phát triển mô hình lúa - tôm (nổi bật là mô hình xen canh lúa - tôm càng xanh và lúa - tôm sú). Mô hình được đánh giá thích ứng với bối cảnh biến đổi khí hậu và góp phần cải thiện thu nhập cho nông hộ, với diện tích canh tác năm 2022 đạt hơn 18.552 ha. Các loại giống lúa chủ yếu sử dụng trong mô hình lúa - tôm gồm ST24, ST25, OM 2517, Một bụi đỏ… Qua thống kê (giai đoạn 2013-2021), thu nhập bình quân của mô hình sản xuất lúa - tôm đạt hơn 65 triệu đồng/ha/năm, cao hơn mô hình chuyên lúa từ 2-3 lần.

Huyện Thới Bình được Cục Sở hữu trí tuệ cấp nhãn hiệu chứng nhận “Lúa sạch Thới Bình” và HTX Ðoàn Phát (xã Trí Lực) được trao quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận cho hơn 150 ha.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thới Bình, cho biết: "Ðảm bảo tính bền vững trong sản xuất, thời gian qua, ngành nông nghiệp huyện đã triển khai nhiều mô hình về lúa sạch, lúa hữu cơ và nuôi tôm theo hướng VietGAP trên địa bàn xã, nhằm nâng cao giá trị cho sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân. Ðồng thời, mời gọi, tạo điều kiện thuận lợi để công ty, doanh nghiệp tham gia liên kết vào chuỗi giá trị lúa - tôm trên địa bàn".

Ðã qua, huyện Thới Bình được Cục Sở hữu trí tuệ cấp nhãn hiệu chứng nhận “Lúa sạch Thới Bình” và Hợp tác xã (HTX) Ðoàn Phát (xã Trí Lực) được trao quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận cho diện tích hơn 150 ha, góp phần nâng cao giá trị, quảng bá hình ảnh sản phẩm lúa sạch của huyện trên thị trường.

Ngoài tôm sú, tôm càng xanh là đối tượng nuôi được nhiều người dân hướng đến vào những tháng cuối năm.

Và mới đây, Hội đồng Quản lý nuôi trồng thuỷ sản đã cấp chứng nhận ASC cho các hộ nuôi tôm thông qua mô hình liên kết nuôi và tiêu thụ tôm có trách nhiệm giữa HTX Lúa - tôm Trí Lực và Doanh nghiệp xã hội chuỗi tôm rừng Minh Phú, với diện tích được cấp chứng nhận là 200 ha.

"Lợi ích lớn nhất khi được cấp chứng nhận ASC chính là giải quyết vấn đề nuôi tôm không bền vững cho các hộ nuôi tôm quy mô nhỏ, giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường và đảm bảo lợi ích xã hội, góp phần thay đổi thói quen sản xuất, cách suy nghĩ của người nuôi và doanh nghiệp về nuôi tôm bền vững", ông Phúc cho biết thêm.

Sản xuất lúa - tôm, trong đó chú trọng quy trình sản xuất sạch là một trong những mục tiêu quan trọng, cũng là tầm nhìn trong tương lai mà huyện Thới Bình đặt ra và kỳ quyết thực hiện. Ðối với sản xuất lúa theo quy trình sản xuất lúa sạch/hướng sản xuất lúa sạch, phấn đấu đạt từ 90% trở lên diện tích lúa - tôm hàng năm. Phấn đấu đến năm 2025, có trên 5.000 ha lúa hữu cơ/hướng hữu cơ, trong đó có 1.850 ha lúa đạt chứng nhận hữu cơ (theo tiêu chuẩn Việt Nam hoặc quốc tế).

Sản xuất lúa - tôm, trong đó chú trọng quy trình sản xuất sạch là một trong những mục tiêu quan trọng trong định hướng phát triển của huyện Thới Bình.

Ðối với nuôi tôm, trong thời gian này cũng sẽ phấn đấu có từ 90% trở lên diện tích nuôi tôm quảng canh trên địa bàn huyện được sản xuất theo quy trình nuôi tôm sạch và trên 5.000 ha nuôi tôm theo quy trình hữu cơ/hướng hữu cơ; trong đó có 2.200 ha nuôi tôm đạt chứng nhận hữu cơ (theo tiêu chuẩn Việt Nam hoặc quốc tế) và 1.000 ha nuôi tôm đạt chứng nhận ASC (nuôi trồng thuỷ sản có trách nhiệm./.

Nguồn: Triển vọng con tôm - cây lúa

Nghi Đình

www.baocamau.com.vn