Cần Thơ: “Bén duyên” nghề móc len

18:05 | 05/04/2022

|
Lên mạng xã hội Facebook, tìm trang cá nhân Kim Tiền, mọi người như lạc vào thế giới len với đủ kiểu dáng, màu sắc, nổi bật và thu hút nhất là các sản phẩm dành cho trẻ em. Cô gái trẻ Huỳnh Thị Kim Tiền (24 tuổi), ở ấp Thới Hữu, xã Ðông Hiệp, huyện Cờ Ðỏ, “bén duyên” nghề móc len từ việc tự tìm tòi, học hỏi…
Cần Thơ: “Bén duyên” nghề móc len
Kim Tiền (bên phải) giới thiệu các sản phẩm len tự thiết kế được nhiều khách hàng yêu thích.

Chúng tôi vừa đến nhà, Tiền đon đả chào mời và khoe sản phẩm túi xách móc len pha 2 màu đen - trắng khá trang nhã “không đụng hàng”, đã được khách đặt mua giá 280.000 đồng và một số sản phẩm nón, giày, áo khoác xinh xắn dành cho trẻ em. Tiền phấn khởi kể, sau dịch bệnh, khi mọi hoạt động trở lại trạng thái bình thường mới, việc gởi hàng hóa thuận lợi, Tiền bắt đầu “tung” lên Facebook hình ảnh các sản phẩm sáng tạo trong thời gian giãn cách xã hội, được khách hàng gần, xa “like” nồng nhiệt.

Học xong lớp 9, gia đình gặp biến cố cha qua đời, Tiền phải nghỉ học để vừa an ủi, động viên tinh thần mẹ, vừa tìm việc làm trang trải chi tiêu gia đình. Tiền làm mướn, làm nhân viên bán hàng ở cửa tiệm giày, dép tại chợ quận Ô Môn. Năm 18 tuổi, Tiền làm công nhân công ty thủy sản và lập gia đình., đến năm 21 tuổi, Tiền nghỉ làm để sinh con, chăm lo gia đình. Một lần lên mạng xã hội theo dõi thông tin thời sự, cập nhật xu hướng thời trang đang thịnh hành, Tiền tình cờ đọc được cách hướng dẫn cách móc len và bị thu hút với hình ảnh quần áo, vật dụng bằng len dành cho trẻ em với đủ kiểu dáng, màu sắc. Lúc đó, Tiền thử học cách móc nón và giày len “diện” cho con gái, vậy rồi đam mê, gắn bó đến giờ. Tiền kể: “Suốt tuần, tôi mày mò học móc len với các mũi cơ bản. Bao lần tháo ra rồi móc lại, mới hoàn thành “sản phẩm đầu tay”. Tôi chia sẻ thành quả đạt được trên Facebook và nhận được nhiều lời khen cũng như góp ý. Vui nhất là khách hàng mua sản phẩm với giá 160.000 đồng”. Ðối với Tiền, khoản tiền này có tác dụng khích lệ, động viên tinh thần rất lớn, giúp Tiền tự tin đã chọn đúng nghề để phát triển và thỏa sức sáng tạo với len.

Ðược mẹ và chồng khen có năng khiếu nên tiếp tục phát huy, Tiền bắt đầu vận dụng thế mạnh của Internet và mạng xã hội, học cách móc các mũi cơ bản, pha màu sắc của nhiều người, rồi tự nghiên cứu móc len theo cách riêng chớ không bắt chước rập khuôn. Hoàn thành mỗi mẫu sản phẩm, Tiền đều đăng lên Facebook và được nhiều khách hàng ưng ý, đặt mua. Các sản phẩm móc len của Tiền được khách hàng ưa chuộng là móc khóa, túi điện thoại, nhiều nhất là sản phẩm quần áo và vật dụng trẻ em như nón, giày, áo khoác, búp bê, thú cưng... Kim Tiền cho biết, len có 4 loại, mỗi loại khoảng 90 màu sắc khác nhau nên chỉ cần khéo pha màu sẽ tạo ra các sản phẩm sinh động, hấp dẫn. Theo Kim Tiền, sản phẩm móc len có tính thẩm mỹ cao, là sự sáng tạo cá nhân nhưng phải phù hợp thị hiếu đa số khách hàng. Bên cạnh các sản phẩm len do Tiền thiết kế, Tiền cũng đáp ứng yêu cầu móc sản phẩm theo mẫu của khách hàng. Mỗi tháng, Tiền có thu nhập bình quân từ 5-6 triệu đồng. Tuy thu nhập chưa nhiều nhưng Tiền rất vui vì được thỏa sức sáng tạo với nghề yêu thích, tạo ra các sản phẩm đẹp. Tiền bày tỏ: “Thời gian qua, sản phẩm móc len tiêu thụ chủ yếu qua hình thức bán online. Hiện nay, khách hàng chưa nhiều, chủ yếu do bạn bè, người quen kết nối, giới thiệu. Vì vậy, cùng với phát triển kênh bán hàng online, tôi muốn được tạo điều kiện trưng bày, bán nguyên liệu và sản phẩm móc len để thu hút lượng khách hàng có nhu cầu. Khi lượng khách hàng dồi dào, thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định, tôi sẽ dạy nghề móc len, tạo việc làm cho một số chị em”.

Chị Trần Thị Tường Vi, Chủ tịch Hội LHPN xã Ðông Hiệp, nói: “Kim Tiền chịu khó tìm tòi, học hỏi kỹ thuật móc len cơ bản và sáng tạo đa dạng mẫu mã, kiểu dáng. Ðồng thời, Tiền nhạy bén vận dụng hiệu quả mạng xã hội để giới thiệu và bán sản phẩm với giá cả phải chăng, thu hút khá đông khách hàng. Ðối với nguyện vọng của Tiền, Hội sẽ quan tâm hỗ trợ về vốn, kết nối giới thiệu sản phẩm bằng nhiều hình thức để phát triển mô hình nghề móc len trên địa bàn”.

Nguồn: “Bén duyên” nghề móc len

Anh Phương

baocantho.com.vn