Cần Thơ: Gỡ khó đầu ra cho trái thanh long

16:16 | 10/01/2022

|
Thanh long được xử lý cho trái nghịch vụ tại nhiều địa phương đang bước vào thu hoạch rộ. Nhưng hiện xuất khẩu thanh long gặp nhiều khó khăn do Trung Quốc gia tăng các rào cản kỹ thuật và siết chặt quản lý nhập khẩu nhằm phòng, chống dịch COVID-19. Gần đây nước này đã thông báo tạm ngừng nhập khẩu thanh long bằng đường bộ qua các cửa khẩu phía Bắc ở nước ta.
Cần Thơ: Gỡ khó đầu ra cho trái thanh long
Nhiều điểm kinh doanh trái cây trên địa bàn TP Cần Thơ hiện đã tăng cường đưa các loại thanh long về bán nhằm vừa đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, vừa góp phần giúp người trồng thanh long tiêu thụ được sản phẩm.

Lượng lớn thanh long cần tiêu thụ

Những năm qua, thanh long được đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là sang thị Trung Quốc, lợi nhuận có thể đạt hơn 500 triệu đồng/ha/năm. Vì vậy thanh long được trồng ngày càng nhiều tại các địa phương, trong đó ở vùng ÐBSCL có Long An, Tiền Giang, Ðồng Tháp, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh và TP Cần Thơ.

Theo Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), nước ta đang có hơn 62.986ha thanh long, với sản lượng trong năm 2021 đạt hơn 1,318 triệu tấn, gồm vùng Duyên hải Nam Trung Bộ khoảng 965.400 tấn (tương đương khoảng 61%), vùng ÐBSCL 575.600 tấn (tương đương 36%), còn lại là ở Ðông Nam Bộ, Tây Nguyên... Thanh long được trồng tập trung nhiều nhất tại 3 tỉnh Bình Thuận, Long An và Tiền Giang. Trong đó, Bình Thuận có diện tích hơn 33.500ha, sản lượng gần 700.000 tấn/năm; Long An có 11.800ha, sản lượng 316.000 tấn/năm; Tiền Giang 9.600ha, sản lượng 241.400 tấn/năm.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục Trưởng Cục Trồng trọt, cho biết: “Sản lượng thanh long nước ta trung bình khoảng 1,3 triệu tấn/năm. Thường quý I hằng năm, nước ta thu hoạch khoảng 300.000 tấn, quý II khoảng 150.000 tấn, quý III khoảng 410.000 tấn và quý IV khoảng 500.000 tấn. Quý I và IV tập trung trên 80% sản lượng thanh long cả năm, nên cần tiêu thụ lượng lớn sản phẩm”. Ngoài thanh long, trong quý I-2022, nước ta còn nhiều loại trái cây khác bước vào thu hoạch như xoài, chuối… nhưng thanh long vẫn là loại trái cây có sản lượng lớn cần giải quyết về đầu ra. Các năm qua thanh long chủ yếu được xuất khẩu sang Trung Quốc, với diện tích và sản lượng chiếm 90%. Chỉ tính riêng trong tháng 1-2022, dự kiến sản lượng thanh long cần tiêu thụ tại các tỉnh, thành phía Nam là khoảng 120.000 tấn, trong đó tại tỉnh Bình Thuận có khoảng 60.000 tấn, Long An khoảng 25.000 tấn, Tiền Giang khoảng 27.000 tấn. Còn có lượng trái tồn từ tháng 12 trong các kho lạnh.

Cần các giải pháp đồng bộ

Do thuận lợi về đất đai và khí hậu nên thanh long có thể được xử lý cho ra trái nghịch mùa bằng cách xông đèn vào cuối năm và gần Tết Nguyên đán, nhằm bán được giá cao, bởi thời điểm này thị trường Trung Quốc có nhu cầu lớn. Tuy nhiên, năm nay đầu ra xuất khẩu không được thuận lợi, người trồng thanh long rơi vào tình cảnh rất khó khăn.

Ông Nguyễn Quốc Tịnh, Chủ tịch Hiệp hội Thanh long tỉnh Long An, cho biết: “Từ nay đến Tết Nguyên đán 2022, Long An cần thu hoạch và tiêu thụ khoảng 26.000 tấn thanh long nghịch vụ, được xông đèn mới có trái, cộng với giá phân bón và nhiều vật tư năm nay tăng cao nên giá thành sản xuất tại nhiều nơi lên đến 15.000 đồng/kg”. Theo ông Tịnh, thanh long chủ yếu hướng đến xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc nhưng do chính sách phòng, chống dịch COVID-19 của nước này nên các đường biên gần như đóng cửa. Các bộ, ngành và đơn vị liên quan cần xem xét có giải pháp để đẩy mạnh xuất khẩu bằng đường biển. Tăng cường xúc tiến, phát triển xuất khẩu sang các thị trường khác còn tiềm năng và đẩy mạnh tiêu thụ tại nội địa.

Thanh long được hiệp hội phân ra 3 loại, gồm loại 1 với giá bán chỉ 15.000 đồng/kg, loại 2 là 10.000 đồng/kg, loại 3 là 5.000 đồng/kg. Theo ông Phan Văn Tấn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận, dự kiến trong tháng 1 và tháng 2-2022, tỉnh có hơn 100.000 tấn thanh long cần tiêu thụ. Khi việc thông quan hàng qua các cửa khẩu phía Bắc bị đình trệ, nông dân gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh việc kêu gọi, khuyến khích doanh nghiệp xuất khẩu qua đường biển và mở rộng các thị trường xuất khẩu, tỉnh cũng rất muốn kết nối với các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp cả nước để đẩy mạnh chế biến, tiêu thụ sản phẩm nội địa.

Nhiều đơn vị, doanh nghiêp, siêu thị cũng đồng hành cùng nông dân. Bà Trần Kim Nga, Giám đốc Ðối ngoại, Công ty TNHH MM Mega Market Việt Nam, cho biết: “Từ cuối tháng 12 và đầu tháng 1-2022, MM cũng đã tổ chức chương trình “mùa nào thức đấy” bố trí nhiều loại nông sản ở khu vực dễ nhìn thấy và có lưu lượng khách hàng nhiều nhất. Về thanh long, công ty cũng lên chương trình bán hàng từ ngày 7-1 đến Tết Nguyên đán 2022, được thực hiện tại 21 trung tâm MM trên toàn quốc, với mức giá không lợi nhuận”.

Theo ông Phạm Ngọc Thành, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Xuất khẩu Ðồng Giao (DOVECO), ngoài xuất khẩu trái thanh long tươi, công ty cũng đã phát triển các sản phẩm chế biến từ thanh long. Hiện công ty tiếp tục đẩy mạnh chào hàng xuất khẩu.

Tại diễn đàn trực tuyến “Kết nối sản xuất và tiêu thụ thanh long” do Bộ NN&PTNT vừa tổ chức, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam đề nghị các địa phương tích cực vào cuộc bằng các phương án, giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn về đầu ra ngay tại địa phương, nhất là 3 tỉnh Bình Thuận, Long An và Tiền Giang. Cần tăng cường kết nối với các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu, siêu thị và nhà bán lẻ. Ông cũng nêu rõ, hiện không chỉ Trung Quốc mà các thị trường trên thế giới và cả trong nước đều ngày càng đòi hỏi cao về chất lượng và an toàn của sản phẩm, nên phải kịp thời nâng cao tiêu chuẩn, quy chuẩn. Kịp thời chuyển đổi tư duy trong sản xuất và tiêu thụ, không để phụ thuộc quá lớn vào một vài thị trường.

Nguồn: Gỡ khó đầu ra cho trái thanh long

Khánh Trung

baocantho.com.vn