Cần Thơ: Làm giàu nhờ nuôi loài “độc lạ”

17:00 | 18/03/2023

|
Trang trại Cần Thơ của ông Nguyễn Văn Chúc (sinh năm 1972, ngụ quốc lộ 91B, phường Thới An Ðông, quận Bình Thủy) nuôi nhiều loài “độc lạ” như chồn mốc, don, dúi... Chính những loài động vật hoang dã này đã giúp ông Chúc trở thành tỉ phú.
Cần Thơ: Tháo gỡ khó khăn về nguồn nhân lực du lịchCần Thơ: Tháo gỡ khó khăn về nguồn nhân lực du lịch
Cần Thơ: Hòa nhập xu hướng du lịch xanh, bền vững bằng sản phẩm đặc trưngCần Thơ: Hòa nhập xu hướng du lịch xanh, bền vững bằng sản phẩm đặc trưng

Ông Chúc rất thành công từ nghề nuôi loài “độc lạ”.

Ông Chúc trước đây làm trong lĩnh vực xây dựng ở TP Hà Nội, 8 năm trước khởi nghiệp nuôi động vật hoang dã trên đất Thủ đô. Chuyện làm ăn khấm khá, ông mở thêm trang trại thứ hai ở tỉnh Ðồng Nai và 1 năm trước, ông Chúc chọn TP Cần Thơ để mở trang trại thứ ba. Trang trại Cần Thơ hiện đã cho hiệu quả kinh tế rõ nét. Lý giải nguyên do chọn Cần Thơ mở trang trại, ông Chúc cho biết, do vùng đất này có khí hậu mát mẻ, thuận tiện cho các loài thú nuôi phát triển, bên cạnh nguồn thức ăn dồi dào, phong phú.

Trang trại Cần Thơ có diện tích trên 1.000m2 mặt bằng, nuôi 5 loài chính là chồn mốc, chồn hương, don, dúi má đào Thái Lan và dúi mốc đại. “Ðể nuôi các loại động vật hoang dã được xem là đặc sản, tôi đã đăng ký giấy phép chăn nuôi động vật rừng đầy đủ. Con giống tại trại đều có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng”, ông Chúc thông tin thêm. Hiện trang trại có hơn 700 cá thể bố mẹ.

Với những loài động vật này, thức ăn cho chúng rất đơn giản, dễ tìm. Chồn thì thường ăn chuối chín, đu đủ, trái cà phê, thỉnh thoảng bổ sung cháo gà, cháo cá... và nước pha mật ong để phòng ngừa các bệnh về đường ruột. Don và dúi thì thức ăn thường là cây tre cắt khúc nhỏ, mía, khoai lang và một số loại rau củ. Lượng tiêu thụ thức ăn mỗi ngày của một cá thể khá ít. Các loài này có sức đề kháng mạnh, ít bệnh, chủ yếu là bệnh về đường ruột nhưng khả năng chữa trị khỏi cao.

Ông Chúc cho biết, chuồng nuôi cho các loài này cũng đơn giản. Với dúi thì chỉ cần ghép 4 tấm gạch 0,6m2/tấm là có thể nuôi 1 cá thể. Với don và chồn thì chuồng bằng lồng sắt, không tốn nhiều chi phí. Riêng don thì trong chuồng cần có buồng tối mô phỏng hang ngoài tự nhiên để tạo môi sinh tốt và tạo nơi cho chúng sinh sản. Ðiều kiện đảm bảo cho chúng là chuồng trại phải sạch sẽ và đảm bảo nhiệt độ dưới 35 độ, vì các loài này dễ bị sốc nhiệt. Ðặc biệt, nguồn thức ăn phải sạch, an toàn, không thuốc bảo vệ thực vật. Mỗi lần cho đàn dúi, don, chồn ăn chỉ mất 1 tiếng, 2 lần ăn vào sáng và chiều, nên công việc khá nhàn.

Cả 5 loài thú này đều có khả năng sinh sản tốt, từ tròn 1 năm tuổi trở đi. Mỗi năm, dúi có 3 lần sinh sản, còn don và chồn thì đẻ 2 lứa. Khi những loài này vào mùa sinh sản, ông Chúc sẽ đem vào khu riêng, yên tĩnh, ít người qua lại. Vì khi chúng giật mình, sẽ dễ làm hại con non.

Theo ông Chúc, sau một năm nuôi kể từ khi mới lọt lòng, chồn mốc có thể đạt từ 7-8kg/con; dúi từ 3-5kg/con và don khoảng 5kg/con. Ðiều thuận lợi là các loài này hiện có giá thị trường cao, chồn mốc từ 1,8-2 triệu đồng/kg, chồn hương từ 1,9-2,1 triệu đồng/kg, don từ 1,4-1,8 triệu đồng/kg, dúi má đào từ 800.000 đồng-1 triệu đồng/kg và dúi mốc đại giá từ 500.000-600.000 đồng/kg. Hiện, ông Chúc có đầu ra ổn định, thậm chí khan hàng, cho các loài thú nuôi này, chủ yếu ở thị trường miền Bắc. Ngoài ra, mỗi năm ông Chúc còn bán một số lượng lớn con giống cho người có nhu cầu nuôi. Con giống kèm theo giấy chứng nhận và ông nhận bao tiêu sản phẩm trong thời gian 5 năm. Với việc nuôi loài “độc lạ” này, ông Chúc có thu nhập từ 3-4 tỉ đồng/năm.

Nguồn: Làm giàu nhờ nuôi loài “độc lạ”

DUY KHÔI

baocantho.com.vn