Cần Thơ: Tiếp tục tạo đột phá, góp phần phát triển kinh tế - xã hội

20:53 | 08/01/2022

|
Năm 2021, với nhiều khó khăn thách thức nhưng với phương châm "Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển", toàn ngành Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã đạt được những chỉ tiêu cơ bản đặt ra trong năm 2021, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Qua đó, tạo thế và lực để hướng đến năm 2022 với tâm thế thực hiện thành công nhiệm vụ trong thời gian tới.

Những dấu ấn

Cần Thơ: Tiếp tục tạo đột phá, góp phần phát triển kinh tế - xã hội
TP Cần Thơ đạt giải thưởng "Thành phố bền vững môi trường ASEAN" là sự kiện nổi bật của ngành TN&MT năm 2021. Trong ảnh: Một góc đô thị sông nước Cần Thơ.

Năm 2021, toàn ngành TN&MT đã tập trung giải quyết ngay các vướng mắc, điểm nghẽn để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển; tổng kết đánh giá, hoàn thiện thể chế, phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới. Theo đó, Bộ đã rà soát 440 văn bản quy phạm pháp luật và các quy định của ngành; xây dựng và trình Chính phủ ban hành 7 Nghị định, 2 Nghị quyết chuyên đề, ban hành theo thẩm quyền 21 Thông tư hướng dẫn liên quan đến lĩnh vực về quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản, quản lý biển đảo, bảo vệ môi trường, khí tượng thủy văn… đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.

Các nguồn tài nguyên được quản lý chặt chẽ, phân bổ và sử dụng hiệu quả cho phát triển đất nước. Điển hình, công tác thu hồi đất, giao đất được thực hiện kịp thời đã góp phần quan trọng đẩy nhanh tiến độ dự án của các doanh nghiệp, các dự án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông... Vì vậy, năm 2021 mặc dù là năm có nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, song thu ngân sách từ đất đai đạt trên 172.000 tỉ đồng, chiếm trên 15% tổng thu ngân sách nhà nước. Trên cơ sở kết quả thanh tra, kiểm tra các dự án, cũng như việc quản lý sử dụng đất đã tiến hành thu hồi 7.700ha đất, giúp các địa phương khắc phục tình trạng dự án treo, một số dự án sử dụng sai mục đích. Đến nay, có 41/63 tỉnh phê duyệt Danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ. Nguồn thu từ tài nguyên nước ước đạt khoảng 5.900 tỉ đồng, nguồn thu từ khoáng sản đạt gần 4.600 tỉ đồng. Các chỉ tiêu về xử lý chất thải, nước thải được triển khai có hiệu quả đạt gần 95%.

Cải cách hành chính toàn ngành được cải thiện với 95% số thủ tục hành chính được trả đúng hạn; 61/63 tỉnh, thành phố trên cả nước thực hiện liên thông thủ tục đất đai. Nền tảng hạ tầng về chuyển đổi số được ngành quan tâm xây dựng. Chỉ số hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với thủ tục đất đai và môi trường tăng 4,14%, đơn thư khiếu kiện giảm 28% trong năm qua. Công tác dự báo bão, thiên tai có nhiều bước tiến, góp phần làm giảm 54% thiệt hại về người, 78% thiệt hại về tài sản so với trung bình 10 năm qua...

Trong năm qua, TP Cần Thơ được Bộ TN&MT đánh giá là "điểm sáng" trong công tác quản lý nhà nước về TN&MT. TP Cần Thơ vinh dự đoạt giải thưởng "Thành phố bền vững môi trường ASEAN" - đây cũng là 1 trong 9 sự kiện nổi bật của ngành TN&MT năm 2021. Đồng chí Lê Quang Mạnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Cần Thơ, cho biết thêm: Trong thời gian vừa qua, TP Cần Thơ đã triển khai tốt xã hội hóa trong hoạt động đầu tư hiện đại hóa mạng lưới quan trắc dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, góp phần giảm thiệt hại thiên tai cho thành phố và vùng ĐBSCL. Ngành TN&MT thành phố minh bạch hóa các tiêu chí đất đai; chuẩn hóa bộ thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài nguyên môi trường; công tác kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất đã có những bước tiến rất tốt trong năm 2021. Bên cạnh đó, thành phố đang triển khai tích cực việc tổ chức tích hợp quy hoạch sử dụng đất vào quy hoạch chung của thành phố giai đoạn 2021-2030...

Tạo đột phá

Theo Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, đời sống kinh tế - xã hội thế giới đang thay đổi nhanh chóng, "luật chơi mới" về đầu tư, thương mại đã hình thành sau Hội nghị COP26. Hơn ai hết, ngành TN&MT phải thống nhất về nhận thức để tạo ra những thay đổi cơ bản trong tư duy và hành động, phải trở thành những người tiên phong trong việc thực hiện các cam kết quốc tế về môi trường và khí hậu để tạo sức lan tỏa trong toàn xã hội.

Trong năm 2022, ngành TN&MT đặt quyết tâm chủ động vượt qua thách thức, biến thách thức thành cơ hội. Bộ TN&MT chú trọng công tác chuyển đổi số, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ để giải quyết những vấn đề cấp bách toàn cầu như phục hồi hệ sinh thái tự nhiên, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, góp phần vào thực hiện mục tiêu trung hòa carbon. Đồng thời, đổi mới mạnh mẽ về thể chế, nhất là sửa đổi Luật Đất đai theo tiêu chí cao nhất về tính minh bạch trong tiếp cận thông tin, chia sẻ lợi ích từ nguồn lợi tài nguyên. Bộ sẽ tiếp tục chủ động, tích cực trong ngoại giao môi trường, tài nguyên, khí hậu; thúc đẩy hợp tác, tiếp thu tri thức, kinh nghiệm, công nghệ tiên tiến trong quản trị TN&MT; thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong thập kỷ phát triển bền vững...

Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 của ngành TN&MT, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành yêu cầu Bộ TN&MT chuẩn bị xây dựng Đề án sửa đổi Luật Đất đai dự kiến trình Quốc hội trong năm 2022. Các quy định pháp luật mới về đất đai sẽ tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt, tạo ra nguồn lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Trên cơ sở phê duyệt kế hoạch sử dụng đất 2021-2025 của Chính phủ, Bộ TN&MT cần hướng dẫn, giải thích cho các Bộ, ngành, địa phương về tiêu chí, tiêu chuẩn, các quy định sử dụng đất bảo đảm kịp thời, hiệu quả, đúng quy định pháp luật và tạo điều kiện tối đa cho các địa phương. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác điều tra đánh giá trữ lượng khoáng sản, nhất là khoáng sản chiến lược, quan trọng trên biển và đất liền. Ngành TN&MT thực hiện tốt việc kiểm soát xả thải và xử lý nghiêm minh, đúng quy định pháp luật các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm. Với trách nhiệm là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26, Bộ TN&MT cần chủ động tham mưu, xây dựng kế hoạch, chương trình, hiện thực hóa mục tiêu này. Bộ tiếp tục tập trung cho công tác xây dựng thể chế chính sách, thực hiện rà soát các quy định pháp luật để điều chỉnh, bổ sung kịp thời, phân cấp phân quyền mạnh hơn, cải cách thủ tục hành chính nhằm khơi thông mọi nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội...

Nguồn: Tiếp tục tạo đột phá, góp phần phát triển kinh tế - xã hội

T.Trinh

baocantho.com.vn