Cần Thơ: Trợ lực vùng trồng sầu riêng

21:08 | 07/03/2023

|
Trái sầu riêng hiện nay đang được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, mang lại giá trị cao. Để bà con nông dân có được vụ mùa thuận lợi, mới đây Sở Công Thương TP Cần Thơ phối hợp UBND huyện phong Điền gặp gỡ đại diện các Hợp tác xã (HTX) có diện tích trồng sầu riêng lớn trên địa bàn huyện nắm thông tin sản lượng, tìm những giải pháp thuận lợi nhất về đầu ra cho loại trái cây có giá trị kinh tế cao này.
Cần Thơ: Khai giảng lớp cập nhật kiến thức cho hướng dẫn viên du lịch năm 2023Cần Thơ: Khai giảng lớp cập nhật kiến thức cho hướng dẫn viên du lịch năm 2023
Cần Thơ: Kinh tế hoa kiểngCần Thơ: Kinh tế hoa kiểng

Để có vụ mùa hiệu quả

Lãnh đạo ngành Công Thương và UBND huyện Phong Điền gặp gỡ ông Huỳnh Văn Hoảnh, Giám đốc HTX Tân Thới 1 (bìa phải) để nắm tình hình vụ mùa sầu riêng năm 2023.Lãnh đạo ngành Công Thương và UBND huyện Phong Điền gặp gỡ ông Huỳnh Văn Hoảnh, Giám đốc HTX Tân Thới 1 (bìa phải) để nắm tình hình vụ mùa sầu riêng năm 2023.

Tổng diện tích của HTX Vườn cây ăn trái Trường Khương A là 45,5ha, trong đó diện tích trồng sầu riêng 20ha, ước thu hoạch 300 tấn. Vụ mùa năm nay, HTX đã ký hợp đồng ghi nhớ với Công ty TNHH Đầu tư Vạn Hòa (Công ty Vạn Hòa). Đến nay, do chưa thỏa thuận những quy định đưa ra trong hợp đồng như quy định trái trọng lượng 1,6-5,8kg, đảm bảo chất lượng (quy định đều hộc, chất lượng múi),… Ông Trần Văn Chiến, Giám đốc HTX Vườn cây ăn trái Trường Khương A, cho rằng: “Chất lượng trái cây rất khó định trước được nên HTX đang thỏa thuận điều chỉnh lại điều khoản của hợp đồng cho hợp lý hơn. Bên cạnh đó, HTX cũng ký kết với một số công ty khác”.

Ông Trần Văn Đàng, đại diện HTX Vườn cây ăn trái Trường Thọ 2A, chia sẻ, thực tế hiện nay nông sản không thực hiện theo tiêu chuẩn VietGAP rất khó để tiếp cận thị trường lớn (xuất khẩu, các chuỗi cung ứng hiện đại...). Tuy nhiên, giá giữa hàng VietGAP và hàng nông sản trồng theo phương pháp thông thường chênh lệch nhau quá ít, trong khi những yêu cầu đặt ra của các đơn vị thu mua khó khăn, thanh toán “gối đầu”... nên việc vận động bà con xã viên tham gia thực hiện trồng rau màu, cây ăn trái theo tiêu chuẩn VietGAP rất khó. Để bảo đảm hiệu quả sản xuất sầu riêng, mong ngành Nông nghiệp hỗ trợ tích cực trong việc xây dựng mã vùng trồng; hỗ trợ thông tin như sản lượng sầu riêng, các vụ mùa thu hoạch trong năm tại các vùng trồng chủ lực,... để bà con xây dựng kế hoạch sản xuất, đặc biệt là xử lý ra trái nghịch mùa để trái sầu riêng dễ tiêu thụ, giá cao. Có như vậy mới thuyết phục được bà con tham gia tích cực vùng trồng chất lượng cao.

HTX Tân Thới 1 có 25ha trồng sầu riêng, vụ 2023 cho thu hoạch khoảng 380-400 tấn. Ông Huỳnh Văn Hoảnh, Giám đốc HTX Tân Thới 1, cho biết: “Để đảm bảo đúng quy cách và chất lượng sản phẩm, chúng tôi đã đề nghị công ty thu mua xuống cùng bà con, đến gần thu mua hai bên làm việc kỹ lại các vấn đề như phương thức thu mua, thanh toán... để “thuận mua vừa bán”. Thỏa thuận này cũng đã được phía công ty thu mua đồng ý”.

Chủ động tìm thị trường tiêu thụ

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, huyện Phong Điền, có khoảng 8.000ha trồng cây ăn trái, phần lớn trồng các loại trái cây có giá trị kinh tế cao như sầu riêng, vú sữa, măng cụt… Riêng với sầu riêng, diện tích hơn 2.500ha, trong đó trên 1.500ha cây cho trái; năm 2023, dự kiến sản lượng trên 22.000 tấn. Trong những năm qua, việc tiêu thụ cây ăn trái gặp không ít khó khăn, vẫn còn tình trạng “được mùa, mất giá”. Để trợ lực nông dân, huyện phối hợp các sở, ngành, đặc biệt là ngành Công Thương, tìm kiếm thị trường, hợp tác với các đơn vị thu mua trái cây xuất khẩu để tiêu thụ trái cây. Song song đó, huyện cũng đẩy mạnh phát triển sản phẩm “sạch”, sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm), phân loại được sản phẩm có mã vùng trồng… Đến nay, huyện đã xây dựng được 24 mã vùng trồng, 2 mã vùng trồng đã được Trung Quốc công nhận và định vị.

Ông Nguyễn Văn Út Em, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phong Ðiền, cho biết: “Để thuận lợi nhất cho người nông dân trong tiêu thụ hàng nông sản, trong đó có trái sầu riêng, chủ trương của ngành Nông nghiệp huyện đề xuất không cấp riêng mã số vùng trồng cho doanh nghiệp mà cấp trực tiếp cho HTX. Đến nay, phòng đã làm xong thủ tục cho 23 mã số vùng trồng cho các HTX trên địa bàn huyện gởi cho Cục Bảo vệ thực vật để xem xét cấp mã số vùng trồng”.

Ông Hà Vũ Sơn, Giám đốc Sở Công Thương thành phố, nhìn nhận, mặc dù các cấp chính quyền nỗ lực kết nối, tiêu thụ hàng hóa, đặc biệt là hàng nông sản, nhưng vẫn còn những khó khăn nhất định. Để tránh tình trạng “giải cứu” cho hàng hóa nông sản, ngành Công Thương phối hợp với địa phương, các cấp, ngành gặp gỡ người trồng, HTX để ghi nhận thông tin, qua đó chủ động xây dựng kế hoạch kết nối, tiêu thụ, xuất khẩu hàng nông sản ngay từ những tháng đầu năm.

Việc xây dựng mã số vùng trồng trên cây ăn trái nói chung và cây sầu riêng nói riêng có thể xem là bước chuyển giúp nông dân từng bước thay đổi phương thức sản xuất. Hiện nay, ngành Nông nghiệp thành phố đang định hướng nông dân tập trung sản xuất theo quy mô lớn, để tạo ra sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Hy vọng, với sự chung tay, vào cuộc sớm của các cấp chính quyền, địa phương hỗ trợ được người nông dân thoát cảnh “được mùa mất giá”. Qua đây, cũng giúp người nông dân, HTX có được những thông tin để có kế hoạch sản xuất theo đúng nhu cầu thị trường.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, cho biết, trong những năm qua, vào mùa thu hoạch nhiều loại nông sản, việc tiêu thụ của bà con gặp không ít khó khăn. Để trợ lực cho bà con nông dân, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành rà soát nắm toàn bộ diện tích cây ăn trái từng loại, đánh giá sơ bộ sản lượng thu hoạch, phân tích cụ thể về số lượng nông sản đã có hợp đồng tiêu thụ, số còn dư. Từ thông tin đó, xây dựng kế hoạch để tìm kiếm, kết nối các đơn vị thu mua. Song song đó, huyện cũng tăng cường công tác vận động, hướng dẫn bà con, HTX hướng đến trồng nông sản sạch theo các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế; phát triển sản phẩm OCOP.

Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với trái sầu riêng xuất khẩu từ Việt nam sang Trung Quốc được ký kết và có hiệu lực từ 11-7-2022. Việt Nam là quốc gia thứ 2 sau Thái Lan được xuất khẩu chính ngạch sầu riêng tươi sang thị trường Trung Quốc. Sầu riêng là loại trái cây có giá trị cao, điều này mở ra cơ hội và tạo thêm dư địa tăng trưởng cho ngành hàng có thế mạnh tại Việt Nam, nhất là vùng Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và ĐBSCL. Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đến nay Việt Nam hiện có 246 mã số vùng trồng và 97 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng đáp ứng đầy đủ yêu cầu của phía Trung Quốc.

Nguồn: Trợ lực vùng trồng sầu riêng

NAM HƯƠNG

baocantho.com.vn