Cơ sở điều chỉnh, phái sinh 'lên ngôi'

00:00 | 22/07/2021

|
Trong bối cảnh thị trường cơ sở suy giảm, không ngạc nhiên khi nhiều nhà đầu tư tìm đến TTCK phái sinh “nơi” họ có cơ hội tìm kiếm lợi nhuận với vị thế short.
Cơ sở điều chỉnh, phái sinh 'lên ngôi'

VN-Index đã trải qua nhịp điều chỉnh mạnh từ phiên 5-21/7. Theo tính toán của Nhadautu.vn, chỉ số chính trong giai đoạn này giảm 10,5%; trong khi đó VN30 giảm hơn 9,8%.

Việc thị trường cơ sở giảm mạnh đồng nghĩa người cầm cổ phiếu càng gặp nhiều rủi ro. Trong bối cảnh đó, TTCK phái sinh trở thành kênh đầu tư đáng chú ý do có thể kiếm lợi nhuận ngay cả khi thị trường giảm điểm.

Mặt khác, TTCK cơ sở thường có xu hướng giảm mạnh hơn so với tăng trong các nhịp điều chỉnh sâu, do đó vị thế “short” sẽ được nhà đầu tư ưu tiên hơn. Còn khi TTCK tăng điểm, nhà đầu tư sẽ có xu hướng đầu tư cổ phiếu trên TTCK cơ sở hơn là kiếm lời trên TTCK phái sinh với vị thế “long”.

Do đó, không ngạc nhiên khi thống kê cho thấy thanh khoản TTCK phái sinh tăng mạnh trong tháng 6/2021. Cụ thể, KLGD trong riêng tháng 6/2021 bình quân đạt 212.145 hợp đồng/phiên, con số cao nhất tính từ đầu năm 2021 trở lại đây.

Nếu tính cả quý II/2021, tổng KLGD toàn thị trường đạt hơn 12,6 triệu hợp đồng, KLGD bình quân đạt 203.721 hợp đồng/phiên, tăng 17,7% so với quý I/2021.

Cơ sở điều chỉnh, phái sinh 'lên ngôi'
Cùng với đó, số lượng các tài khoản trên TTCK phái sinh đến hết quý II/2021 đạt 385.943 tài khoản.
Cơ sở điều chỉnh, phái sinh 'lên ngôi'

Nhìn lại quá khứ, trong năm 2018, khi TTCK cơ sở suy giảm (giảm 9,5% trong năm đó, giảm 26% từ đỉnh 1.200 điểm), thì TTCK phái sinh ghi nhận KLGD bình quân năm 2018 là 78.791 hợp đồng/phiên, tăng gấp 7,8 lần so với năm 2017.

Có sự thao túng TTCK phái sinh?

Thống kê 5 phiên giao dịch gần nhất (14 - 20/7) cho thấy, có sự chênh lệch lớn giữa GTGD khớp lệnh của các hợp đồng phái sinh và của nhóm VN30. Cần biết rằng, nhà đầu tư thực tế chỉ cần ký quỹ 15% để giao dịch 1 hợp đồng phái sinh (có giá trị bằng hệ số 100.000 đồng nhân số điểm VN30, hiện vào khoảng 130 triệu đồng/HĐ). Ký quỹ trong giao dịch chứng khoán phái sinh đóng vai trò như một khoản đặt cọc để đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ của hai bên khi tham gia hợp đồng phái sinh.

Cơ sở điều chỉnh, phái sinh 'lên ngôi'
Thanh khoản TTCK phái sinh.
Cơ sở điều chỉnh, phái sinh 'lên ngôi'
Thanh khoản nhóm VN30.

Một số ý kiến đánh giá, sự chênh lệch lớn kể trên đồng nghĩa một biến động nhỏ trên chỉ số VN30 thì nhà đầu tư sở hữu các hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đã lãi/lỗ rất nhiều tùy theo vị thế mà họ nắm giữ. Cũng từ đây, họ cho rằng có sự thao túng VN30 để kiếm lợi từ chứng khoán phái sinh.

Trao đổi với Nhadautu.vn, ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Phân tích CTCP Chứng khoán Yuanta Việt Nam, có 2 thời điểm TTCK phái sinh có thể ảnh hưởng lên TTCK cơ sở. “Một là khi TTCK cơ sở đi ngang, tâm lý nhà đầu tư dao động ở mức 50-50. Trong các thời điểm này, TTCK luôn biến động trong biên độ nhất định, trong khi đó TTCK phái sinh sẽ có biên độ giao dịch lớn và nhanh (do là giao dịch T+0), và những điều này dễ ảnh hưởng tâm lý nhà đầu tư. Hai là khi TTCK cơ sở điều chỉnh, TTCK phái sinh thu hút đáng kể các nhà đầu tư "trading", và thường khi TTCK phái sinh lao dốc, TTCk cơ sở cũng giảm theo”, ông Minh nói.

Trong khi đó, ông Đỗ Bảo Ngọc - Phó Tổng giám đốc Phân tích CTCP Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam cho rằng, khả năng thao túng có thể xảy ra ở các quỹ đầu tư lớn, các ETF cầm nhiều cổ phiếu VN30 và thu lợi từ giao dịch “arbitrade” (kiếm lời chênh lệch giá), đặc biệt đối với những mã có thanh khoản thấp, chỉ vài trăm nghìn đơn vị mỗi phiên.

Nguồn: Cơ sở điều chỉnh, phái sinh 'lên ngôi'

Hữu Bật

nhadautu.vn