Công bố bất ngờ của 3 học sinh trường Ams về ảnh hưởng của COVID-19

10:07 | 26/11/2021

|
Ba học sinh Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam (Ams) vừa thực hiện nghiên cứu “Ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đến Sức khỏe tâm thần và hành vi tâm lý của học sinh các trường cấp 2 và 3 trên địa bàn thành phố Hà Nội”.
Công bố bất ngờ của 3 học sinh trường Ams về ảnh hưởng của COVID-19

Khảo sát online hơn 5.300 học sinh

Nhóm học sinh gồm Phạm Quang Duy học sinh lớp 10 Nga, Chu Quốc Hùng lớp 10 Anh 1 và Lê Hà Anh lớp 10 Anh 1 (thủ khoa đầu vào khối chuyên Anh trường HN –Ams). Ý tưởng của nghiên cứu được xuất phát từ chuyến đi thiện nguyện khi các học sinh này thực hiện dự án tặng máy tính đã qua sử dụng cho các bạn học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong đại dịch COVID -19 tại một vùng ngoại thành Hà Nội.

Trong gần hai tháng triển khai hoạt động thiện nguyện các bạn thực sự xúc động trước những hoàn cảnh của các bạn học sinh thiếu may mắn hơn mình đồng thời các bạn cũng nhận thấy ngoài khó khăn về vật chất thì các bạn học sinh tại đây cũng đang phải đối mặt với nhiều vấn đề về tinh thần.

Nghiên cứu được 3 bạn học sinh trường Ams tiến hành trong tháng 11/2021 bằng hình thức khảo sát online. Mẫu bao gồm 5315 học sinh lứa tuổi từ 11-17 tuổi đang cư trú trên địa bàn TP Hà Nội, trong đó có 52,6% học sinh đang ở huyện/thị xã ngoại thành Hà Nội.

Nghiên cứu đánh giá tình trạng sức khỏe tâm thần và hành vi tâm lý của học sinh qua các chỉ số chính: niềm tin và sự tự tin vào bản thân, khả năng ứng phó, và tình trạng lo âu căng thẳng.

Những con số bất ngờ

Công bố từ nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ gia đình học sinh gặp khó khăn trong dịch COVID: 27.3% học sinh nói gia đình từng gặp khó khăn khi không đủ tiền mua thức ăn hàng ngày, 24.3% học sinh có bố mẹ từng bị mất việc/thất nghiệp trong thời gian 12 tháng vừa qua, 11,6% học sinh chứng kiến bạo lực gia đình trong thời gian ở nhà do dịch COVID.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, niềm tin và sự tự tin vào bản thân của trẻ (đo bằng thang đo quốc tế Rosenberg Self-esteem scale) chịu ảnh hưởng đáng kể của đại dịch COVID, nhóm trẻ gia đình có các trải nghiệm khó khăn trong đại dịch COVID như thất nghiệp, không có tiền mua thức ăn hay bạo lực gia đình có chỉ số đánh giá niềm tin và sự tự tin vào bản thân thấp hơn đáng kể so với các trẻ gia đình không trải nghiệm các biến cố trong vụ dịch.

Do ảnh hưởng của dịch COVID, học sinh phải học trực tuyến dẫn đến việc phải sử dụng máy tính/điện thoại trong thời gian kéo dài, có đến 27.5% học sinh sử dụng máy tính/điện thoại hơn 8 giờ/ngày và 27.5% học sinh từ 6-8h. Có đến 43.5% học sinh đánh giá rằng các em mất nhiều thời gian cho việc sử dụng các trang thiết bị điện tử đến mức không có thời gian gắn kết với gia đình.

Thời gian online dài ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của trẻ. Cụ thể, chỉ số khả năng ứng phó của trẻ (đo bằng thang đo Kid Coping scale) giảm đáng kể khi thời gian online tăng lên, nhóm trẻ có thời gian online dài nhất cũng là nhóm trẻ có điểm đánh giá khả năng ứng phó thấp nhất.

Nghiên cứu cũng đánh giá tình trạng lo âu căng thẳng ở trẻ bằng thang đo GAD7. Kết quả cho thấy trong nhóm khảo sát, có đến 75.3% trẻ có biểu hiện lo âu căng thẳng. Cụ thể, có 7.4% học sinh có tình trạng lo âu căng thẳng ở mức nặng, 22.7% ở mức vừa và 45.2% ở mức nhẹ.

Các kết quả nghiên cứu cho thấy ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch COVID-19 và việc học trực tuyến kéo dài đến sự phát triển tâm lý của học sinh cấp 2 và 3 trên địa bàn thành phố Hà Nội. Việc hoàn thành tiêm chủng và cho học sinh đến trường học bình thường cần nhanh chóng được tiến hành để có thể giải quyết các vấn đề này.

Hà Anh, Hùng và Duy chia sẻ, để thực hiện thành công các dự án trong thời gian qua không thể không nhắc tới sự ủng nhiệt tình của thầy cô, bạn bè, người thân và sự chung tay của nhiều tổ chức. Cả nhóm cũng khẳng định quyết tâm sẽ không ngừng thực hiện các hoạt động vì cộng đồng và các dự án mới của nhóm sẽ sớm được thực hiện trong thời gian tới.

Tiến sỹ Nguyễn Thị Trang Nhung, Trưởng phòng NCKH viện Nhi Trung Ương, giảng viên bộ môn Thống kê Đại học Y tế Công Cộng đã hướng dẫn 3 học sinh trường THPT Hà Nội – Amsterdam thực hiện thành công nghiên cứu. Tiến sỹ Nguyễn Thị Trang Nhung cho hay, thật bất ngờ, nghiên cứu đã nhận được sự ủng hộ rất nhiệt tình của các bạn học sinh cũng như các thầy cô giáo mà bằng chứng là đã có hơn năm nghìn bạn học sinh tham gia khảo sát trong khoảng thời gian chưa đầy 3 tuần.

Bản khảo sát của nghiên cứu này cũng là nơi để các bạn học sinh có thể chia sẻ cảm xúc, chia sẻ các vấn đề khó khăn về tâm lý của mình.

Kết quả của nghiên cứu cũng là mong muốn của nhóm để các bậc cha mẹ, các thầy cô và toàn xã hội nhận thấy được những khó khăn mà các bạn học sinh đang phải đối mặt để có thể có sự hỗ trợ kịp thời.

Nguồn: Công bố bất ngờ của 3 học sinh trường Ams về ảnh hưởng của COVID-19

Duy Phạm

tienphong.vn