Đại diện Taliban không được phát biểu tại Liên Hợp Quốc

08:07 | 27/09/2021

|
Liên Hợp Quốc thông báo người đại diện Afghanistan phát biểu tại Đại hội đồng sẽ là đại sứ của chính quyền cũ, không phải ứng viên được Taliban đề xuất.

Phiên Tranh luận Cấp cao của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) bắt đầu từ ngày 21/9 và sẽ kết thúc vào ngày 27/9, với đại diện của Afghanistan là người phát biểu cuối cùng.

Phát ngôn viên LHQ Stephane Dujarric ngày 24/9 cho biết người đại diện cho Afghanistan phát biểu tại phiên họp ngày mai là Ghulam Isaczai, đại sứ được chính quyền của cựu tổng thống Ashraf Ghani bổ nhiệm.

Taliban trước đó gửi thách thức chứng nhận đối với vai trò đại sứ tại LHQ của Isaczai, lập luận rằng chính quyền của Ghani không còn tồn tại sau khi ông này bỏ trốn ra nước ngoài. Thay vào đó, Taliban đề cử phát ngôn viên Suhail Shaheen làm đại sứ tại LHQ và yêu cầu Đại hội đồng để ông này phát biểu.

Đại diện Taliban không được phát biểu tại Liên Hợp Quốc
Phát ngôn viên Taliban Suhail Shaheen sau cuộc họp báo ở Moskva, Nga ngày 9/7. Ảnh: Reuters.

Theo Dujarric, lý do đại diện của Taliban chưa được phát biểu tại Đại hội đồng là do Ủy ban Chứng nhận, cơ quan xem xét các thách thức chứng nhận của LHQ, vẫn chưa họp và nhiều khả năng sẽ không tổ chức họp vào cuối tuần này.

Phát ngôn viên Đại hội đồng LHQ Monica Grayley cho biết Ủy ban Chứng nhận gồm 9 thành viên thường họp vào tháng 11 và sẽ đưa quyết định "đúng thủ tục".

Taliban lập luận rằng họ đang cầm quyền ở Afghanistan và có quyền bổ nhiệm đại sứ tại LHQ. Trong thư gửi Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres, Ngoại trưởng Afghanistan lâm thời Ameer Khan Muttaqi cho biết cựu tổng thống Ghani bị lật đổ từ ngày 15/8 và các quốc gia trên thế giới không công nhận ông là tổng thống của quốc gia Trung Á, do đó Isaczai không còn là đại diện của Afghanistan tại LHQ.

"Chính phủ của chúng tôi đáp ứng mọi yêu cầu cần thiết để được công nhận", Muttaqi nói ngày 22/9. "Do đó chúng tôi hy vọng LHQ, với tư cách là một cơ quan trung lập của thế giới, công nhận chính phủ hiện tại của Afghanistan".

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov trong họp báo ngày 25/9 cho hay "vấn đề cộng đồng quốc tế công nhận Taliban chưa được đặt ra vào thời điểm này". Nga là một trong 9 thành viên của Ủy ban Chứng nhận LHQ cùng Mỹ và Trung Quốc, dự kiến giải quyết vấn đề về người đại diện của Afghanistan vào cuối năm nay.

Đại diện Taliban không được phát biểu tại Liên Hợp Quốc
Đại sứ Afghanistan Ghulam Isaczai trong cuộc họp báo tại trụ sở Liên Hợp Quốc ngày 6/8. Ảnh: LHQ.

Khi Taliban cầm quyền lần đầu năm 1996-2001, LHQ từ chối công nhận chính phủ do họ thành lập và trao ghế đại sứ cho đại diện của Burhanuddin Rabbani, tổng thống Afghanistan năm 1992-1996. Sau khi lên nắm quyền lần hai ở Afghanistan, Taliban muốn được quốc tế công nhận và giúp đỡ tài chính để tái thiết đất nước bị tàn phá trong chiến tranh.

Tuy nhiên, nội các mới của Taliban khiến LHQ rơi vào thế khó xử. Một số bộ trưởng trong chính phủ lâm thời của Afghanistan, bao gồm Muttaqi, nằm trong danh sách đen của LHQ do liên quan đến hoạt động khủng bố quốc tế.

Các thành viên Ủy ban Chứng nhận của LHQ có thể dùng việc công nhận đại sứ như một biện pháp gây áp lực để nhóm này ban hành chính sách ôn hòa hơn và đảm bảo quyền con người, bao gồm việc cho phép phụ nữ đi học và đi làm.

Nguồn: Đại diện Taliban không được phát biểu tại LHQ

Nguyễn Tiến

Báo VnExpress