Đảo Santorini - thiên đường giữa cơn khủng hoảng ở Hy Lạp

03:05 | 25/07/2021

|
Đảo Santorini được xem như viên ngọc lớn nhất của vùng biển Aegean, nằm cách Hy Lạp khoảng 200km về phía đông nam. Hòn đảo của những câu chuyện thần thoại Hy Lạp luôn khiến du khách bị mê hoặc bởi màu xanh quyến rũ và vẻ đẹp yên bình trên bãi biển.

Thiên đường trên mặt đất

Đúng như những gì được mệnh danh, Santorini chắc hẳn không phải điểm đến cho những người mong muốn có một kỳ nghỉ giá rẻ. Hòn đảo còn có tên trong danh sách 20 điểm du lịch đắt đỏ nhất thế giới.

Hòn đảo được đặt tên là Santorini vào thế kỷ XIII với nguồn cảm hứng từ Thánh Irene (Saint Irene). Trước đó, hòn đảo này từng trải qua các tên gọi là: Kallístē (có nghĩa là “hòn đảo xinh đẹp nhất”), Strongýlē (Đảo Tròn), hay Thēra. Bắt đầu từ thế kỷ XIX, tên gọi Thēra trở thành tên chính thức của hòn đảo, nhưng tên Santorini vẫn được sử dụng phổ biến hơn và cho tới ngày nay.

Santorini thuộc cụm đảo Cyclades nằm trên biển Aegean của Hy Lạp. Từ lâu, nơi đây đã nổi tiếng với những vách đá dựng đứng ôm lấy bờ biển cát đen do bụi núi lửa, cùng với nét kiến trúc độc đáo của hai gam màu trắng và xanh da trời. Kiến trúc trên đảo Santorini hầu như được xây mới sau trận động đất lịch sử năm 1956, khiến rất nhiều nơi trên đảo trở thành sa mạc như bây giờ.

Santorini về cơ bản là những gì còn lại sau một vụ nổ núi lửa khổng lồ đã tàn phá các khu định cư đầu tiên trên một hòn đảo đơn nhất và tạo ra hõm chảo núi lửa địa chất. Ngoài ra, ánh nắng mặt trời và gió mạnh là những điều kiện tự nhiên khiến các kiến trúc sư Hy Lạp nghĩ tới phương án xây dựng những ngôi nhà kiểu hang động (cave house) vô cùng độc đáo trên toàn bộ đảo. Lối thiết kế này cùng với sự đảm bảo tính nhất quán về triết lý và màu sắc đã tạo nên một Santorini có vẻ đẹp “độc nhất vô nhị”

Đảo Santorini - thiên đường giữa cơn khủng hoảng ở Hy Lạp
Đảo Santorini được xem là viên ngọc lớn nhất của vùng biển Aegean

Màu trắng chủ đạo trong kiến trúc của các công trình ở Santorini khiến người ta có cảm giác như hòn đảo được bao phủ bởi gam màu này. Khách sạn, nhà thờ rồi nhà ở - tất cả nổi bật trên nền đại dương và bầu trời xanh ngắt là đặc điểm chính khiến du khách đặt chân tới Santorini thấy mình như đang ở… thiên đường.

Theo các kiến trúc sư, nhà được sơn màu trắng không chỉ vì nó hài hòa với màu xanh của nước biển mà sắc trắng còn giúp giảm nhiệt từ quá trình hấp thụ nắng nóng. Đa phần các ngôi nhà ở đây đều thấp nhỏ dù là nằm trên mặt phẳng hay ở rìa vách núi.

Những người thợ Hy Lạp đã phải mất rất nhiều thời gian và sự khéo léo để có thể… khoét vào thân núi, tạo nên những ngôi nhà dạng mái vòm phủ lớp sơn trắng không thể lẫn. Điểm xuyết vào đó là những ngôi nhà có mái vòm, cửa sổ và lan can màu “xanh cobalt” dịu mát.

Chưa hết, sắc biển tại Santorini thay đổi theo bức xạ mặt trời, khi thì xanh biếc, khi lấp lánh ánh sáng bạc, lúc lại có màu cam khi hoàng hôn xuống. Cảnh hoàng hôn trên đảo Santorini được đánh giá là một trong những cảnh tượng huy hoàng nhất trên thế giới. Được biết, đây cũng là nơi cầu hôn của rất nhiều cặp đôi bởi khung cảnh quá đỗi lãng mạn.

Bóng đen khủng hoảng nợ công

Hằng năm, Hy Lạp thu hút tới 17 triệu khách du lịch, gấp đôi dân số nước này. Ngành du lịch cũng đóng góp 18% GDP, tạo ra một phần tư lượng công ăn việc làm cho đất nước. Tuy nhiên, tình trạng khủng hoảng nợ công, cũng như vấn đề người di cư khiến ngành du lịch của quốc gia này bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Hy Lạp đang trông chờ các chủ nợ châu Âu giải ngân gói cứu trợ trị giá 92,4 tỉ USD đã được chấp thuận từ năm 2015 để giải quyết khoản nợ công khổng lồ, tuy nhiên bản thân các chủ nợ cũng đang mâu thuẫn trong việc xác định mục tiêu tài chính phù hợp cho Hy Lạp.

Hội đồng Du lịch Thế giới công bố số liệu cho thấy, năm 2014, ngành du lịch chiếm 17,3% GDP và 9,4% tổng số việc làm của Hy Lạp. Du lịch là ngành dịch vụ quan trọng và lớn nhất của Hy Lạp, nhưng hiện đang bị sụt giảm vì khủng hoảng nợ công.

Theo thống kê, mỗi ngày, lượng du khách đặt phòng khách sạn ở Hy Lạp giảm mạnh. Lượng vé tham quan các hòn đảo tuyệt đẹp trên biển Aegean đã giảm 60%. Nhiều du khách đặt phòng tại khách sạn ở Athens có nguy cơ hủy bỏ chuyến đi Hy Lạp, trong khi khách nội địa đặt khách sạn trong nước để nghỉ dưỡng đã giảm xuống gần như bằng không.

Ngành du lịch Hy Lạp bắt đầu chứng kiến sự giảm sút khi một loạt các ngân hàng tại nước này bị đóng cửa, kéo theo đó là 1/3 số cột ATM hết tiền và không thể giao dịch. Nhiều du khách tới Hy Lạp đã rơi vào tình cảnh “cháy túi”, bởi họ không mang theo nhiều tiền mặt mà chỉ sử dụng thẻ tín dụng hoặc thẻ ghi nợ. Trong khi đó, các cửa hàng và một số doanh nghiệp chỉ nhận thanh toán bằng tiền mặt.

Giới chức châu Âu và Mỹ khuyến cáo, du khách tới Hy Lạp nên mang theo tiền mặt, dự trù một nửa chi phí chuyến đi. Các dịch vụ tại đây không có nhiều thay đổi, cũng như không bị giới hạn rút tiền bởi mức trần, chỉ có điều trước mỗi máy ATM luôn có cả hàng dài người đợi tới lượt.

Bên cạnh đó, làn sóng người di cư tràn tới Hy Lạp cũng làm ảnh hưởng tới hoạt động du lịch và khiến công việc kinh doanh của các khách sạn, nhà hàng tại địa phương sụt giảm nghiêm trọng.

Trước đó, khi nhắc tới đảo Chios, người ta sẽ hình dung ra một thắng cảnh hấp dẫn khách du lịch với những bãi biển cát trắng yên bình. Vậy nhưng, làn sóng người di cư đã thay đổi mọi thứ nơi đây. Giờ thì đảo Chios gắn liền với hình ảnh những lán trại lụp xụp của người tị nạn và các cuộc đụng độ với cảnh sát.

Nhằm khắc phục thực trạng ảm đạm này, chính quyền địa phương đã tung ra những chiến dịch thúc đẩy du lịch với mức giá dịch vụ ưu đãi. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh tại Chios không được cải thiện nhiều.

Thống kê cho thấy, số lượng phòng được đặt ở nhiều hòn đảo nổi tiếng khác của Hy Lạp đã giảm 50-60% so với những năm trước đây.

Hy Lạp sẽ thiệt hại hàng tỉ euro nguồn thu từ du lịch và tạo ra một lỗ hổng lớn cho ngân sách, trong khi nước này đang rất cần tiền để trang trải cho các khoản nợ nước ngoài.

Biến nguy thành an

Khủng hoảng nợ công tác động tiêu cực đến không chỉ nền kinh tế của Hy Lạp mà còn có ảnh hưởng chung tới Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), nhưng đây chưa hẳn là… dấu chấm hết cho ngành du lịch của quốc gia “thần thoại”. Có ý kiến cho rằng, đây phải chăng chính là thời điểm để Hy Lạp thúc đẩy phát triển ngành du lịch để vực dậy nền kinh tế?

Sau khủng hoảng nổ ra, các tour từ châu Âu đến Hy Lạp đang thực hiện chính sách giảm giá triệt để. Việc rời bỏ khu vực đồng tiền chung và đồng Hy Lạp mất giá sẽ khiến cho các kỳ nghỉ ở Hy Lạp trở nên rẻ hơn rất nhiều đối với các du khách phương Tây. Chính Hy Lạp cũng thực hiện giảm giá các tour đến các điểm du lịch nổi tiếng trong nước như: đảo Santorini, Agistri, Kefalonia...

Đây là cơ hội không thể tốt hơn cho những tín đồ đam mê khám phá những vùng đất mới. Đất nước của những câu chuyện thần thoại Hy Lạp không chỉ có nhiều cảnh quan đẹp, các danh thắng mà còn là một trong những nền văn minh rực rỡ nhất thời cổ đại, là nơi ra đời của nền dân chủ, triết học phương Tây và Thế vận hội Olympic...

Theo thông tin mới nhất, du khách nước ngoài tới Hy Lạp không cần quá lo ngại về vấn đề không sử dụng được máy ATM ở nước sở tại, bởi các loại thẻ không thuộc hệ thống ngân hàng ở Hy Lạp vẫn sẽ rút được tiền thoải mái.

Các khách sạn tại Hy Lạp cam kết tuân thủ giữ đúng tỉ giá giữa đồng euro với đồng USD và đồng bảng Anh… mà không yêu cầu khách hàng chi thêm bất cứ khoản phí chuyển đổi nào. Đi kèm với đó là rất nhiều chính sách khuyến mãi của các khách sạn ở Hy Lạp.

Thực tế, nhiều du khách nước ngoài có mặt tại Hy Lạp cho biết, ngoại trừ Athens, không có dấu hiệu nào cho thấy khủng hoảng kinh tế đang diễn ra.

Nguồn: Đảo Santorini - thiên đường giữa cơn khủng hoảng ở Hy Lạp

Minh Quân

dulich.petrotime.vn