Điểm cao chưa chắc đã mừng!

07:05 | 21/09/2021

|
Các trường Đại học lần lượt công bố điểm chuẩn tuyển sinh năm 2021, cái giật mình trong tôi là điểm các trường đều rất cao. Điểm cao có đồng nghĩa với chất lượng cao, liệu có đáng mừng hay vẫn lo?
Điểm cao chưa chắc đã mừng!

Mùa Covid-19 kéo dài đã 2 năm, học sinh học online điểm thi cao ngất ngưởng, các trường tuyển sinh hoan hỉ thấy như “thắng lợi bước đầu” của lứa học sinh tuổi Quý mùi (sinh năm 2003). Không giật mình sao được, có những trường trung bình 3 môn thi điểm giỏi (9 điểm) vẫn trượt đại học. Phổ điểm cao, những thí sinh đạt trên 24 điểm cho 3 môn xét tuyển vẫn còn lo lắng, tính toán chuyển đổi nguyện vọng mong tìm được một trường để học. Và chắc chắn phải tránh xa trường top đầu.

Một phụ huynh đăng đàn một cách đầy tâm tư: “Con tôi thi đạt 24,8 điểm cho 3 môn xét điểm là Toán, Anh, Lý nhưng đều trượt tất cả các nguyện vọng 1 của khối trường kinh tế. Tôi chọn trường nào đây cho con học mà học phí không quá cao so với trường công”?

Thực tế, tâm lý lo lắng của phụ huynh cũng phù hợp, vì với điểm như vậy vào các khoa đào tạo bình thường (học phí theo quy định của Nhà nước) thì không “có cửa”. Nhưng với điểm như vậy, đăng ký vào các ngành học chất lượng cao (điểm thấp hơn nhưng đóng tiền học phí cao hơn rất nhiều thường 13-16 triệu đồng/tháng tùy quy định của các trường) giấc mơ của em mới bước đầu trở thành hiện thực.

Không ít người nói: Các cháu bây giờ giỏi lắm nên điểm thi cao. Đúng là so với thế hệ cha anh cách đây 20-30 năm điều kiện của lớp trẻ bây giờ tốt hơn rất nhiều. Học hành được áp dụng công nghệ hiện đại, tiếp cận khoa học, kiến thức nhân loại chỉ cần qua cú click chuột nên tư tiệu tham khảo phong phú hơn rất nhiều, lượng kiến tiếp thu được cũng theo tỉ lệ thuận.

Còn với thế hệ chúng tôi đi học, việc ghi chép là phổ biến, học qua thầy cô, học qua những tài liệu là sách in. Khi đi thi, muốn học trường nào thì đăng ký thi trường đó. Điểm thi khối C tầm 23-24 điểm, khối A tầm 27-28 điểm có thể là thủ khoa. Nếu so với bây giờ, điểm những thủ khoa xưa kia cũng vẫn… trượt đại học, văng về quê tự thuở nào.

Nhưng với trình độ giỏi, thông minh tiếp thu khối lượng kiến thức lớn bây giờ của lớp trẻ được thử thách nhiều hơn, được phân loại kỹ hơn bằng các cuộc thi có cách ra đề phù hợp sẽ cho các em có cơ hội thể hiện tài năng rõ ràng hơn. Đề thi có tính phân loại cao, những em đạt điểm tuyệt đối nghĩa là được đứng trên đỉnh vinh quang thực sự chứ không phải là “đồng hạng” với những học sinh có năng lực, trình độ thấp hơn một bậc. Như vậy học sinh giỏi chắc chắn sẽ là giỏi, học sinh khá cũng an phận điểm khá!

Nhưng phổ điểm cao đến bất ngờ khiến ta lầm tưởng thế hệ học sinh bây giờ có trình độ “giỏi đồng đều”. Điều này, cá nhân tôi chưa thấy những luận cứ để thuyết phục. Ngày xưa, thi tự luận đạt điểm tối đa khó như hái sao trên trời. Bây giờ thi trắc nghiệm điểm tuyệt đối cho các bài thi nhiều như hằng hà sa số. Dù rằng thi trắc nghiệm phải có kiến thức nhưng tỉ lệ may mắn cũng chiếm phần không ít.

Bởi vậy dù chọn thi trắc nghiệm hay tự luận ngành giáo dục nên cân nhắc kỹ. Môn nào thi tự luận, môn nào thi trắc nghiệm, hoặc kết hợp trắc nghiệm và tự luận. Nhưng dù thi theo kiểu gì đề thi vẫn cần có tỉ lệ những câu hỏi khó phân loại thí sinh, tìm ra những em thật sự giỏi.

Nhiều học sinh giỏi, thậm chí “giỏi đồng bộ” thấy khó thuyết phục. Có học sinh đạt 10 Toán nhưng lại được 0 điểm tiếng Anh. Trong khi đó, đề thi hầu như không có sự phân loại học sinh. Những học sinh khá cũng có thể đạt 9-10, còn học sinh giỏi có khả năng làm được những câu khó hơn nhưng cũng chỉ dừng lại 10 điểm với thời gian làm xong bài sớm hơn.

Điểm cao chưa chắc đã mừng!
Chuyện thi cử đang cần một cuộc cách mạng lớn chứ không chỉ là những cuộc cải cách.

Câu chuyện thật khôi hài, tôi được nghe trong mùa thi, tuy không đại diện cho tất cả để nói về đề thi dễ, không có tính phân loại nhưng khiến ta phải suy ngẫm. Một học sinh trường chuyên vào thi môn tiếng Anh. Thời gian 60 phút nhưng em chỉ làm bài trong vòng chưa đến 10 phút là xong. Chưa thể nộp bài ra về, đành gục đầu xuống bàn ngủ. Giám thị đến nhắc nhở: “Em cố lên, đừng bỏ cuộc như vậy”!

Vẫn đề thi tiếng Anh trình độ học sinh lớp 12 nhưng đưa cho học sinh lớp 6-7 (các em được gia đình đầu tư tiếng Anh từ sớm) cũng chỉ làm mất gần 30 phút, đáp án đúng đạt 9,6/10.

Các môn thi khác cũng tương tự, việc đề luyện thi giống gần như tuyệt đối với đề thi thật cũng là điều khiến không ít người bất ngờ. Vì thế, với phổ điểm cao ngất ngưởng, học sinh điểm giỏi vẫn trượt đại học là điều bất thường nhưng không bất ngờ.

Trước thực tế đề thi không phân hóa được thí sinh, điểm cao nhưng chưa chắc đã là học sinh giỏi cũng gây khó khăn cho việc tuyển sinh của các trường đại học. Chính vì thế, không ít trường đã xét tuyển kết hợp, lấy điểm đầu vào tiếng Anh bằng các chứng chỉ chuẩn quốc tế, xét điểm học bạ để thẩm tra cả quá trình học tập.

Điểm cao chưa chắc đã mừng!

Như thế, cho thấy việc thay đổi quan điểm tư duy về kỳ thi THTP Quốc gia đang có 2 xu hướng. Nếu chỉ coi đây là kỳ thi để cấp bằng tốt nghiệp cho học sinh học xong 12 năm phổ thông thì dạng đề thi như hiện tại chắc không có vấn đề. Nhưng để kết hợp cho các trường đại học tuyển sinh thì phải có sự phân hóa tỉ lệ khá, giỏi rõ ràng. Trong trường hợp kỳ thi không đáp ứng được nhu cầu tuyển sinh thì các trường đại học được đưa ra phương thức tuyển sinh riêng phù hợp với tiêu chí, chất lượng đầu vào của từng trường.

Chỉ nhìn riêng vào kết quả công bố điểm chuẩn của kỳ thi tuyển sinh năm nay, điều nhiều người nhận thấy trong giáo dục nhất là chuyện thi cử đang cần một cuộc cách mạng lớn chứ không chỉ là những cuộc cải cách.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có nhiều phát biểu ấn tượng, những hành động thực tế như “xóa bỏ văn mẫu, học thật thi thật”. Rất mong những điều này đi vào thực tiễn, tạo ra luồng gió mới cho giáo dục nước nhà.

Để những kỳ thi, nước mắt học sinh giỏi thật sự sẽ thôi rơi!

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Nguồn: Điểm cao chưa chắc đã mừng!

Nguyễn My

nguoiduatin.vn