Điện Biên: Khoảng nhớ Mường Phăng

06:10 | 01/11/2021

|
Đường lên Tây Bắc quanh co Tiếng chim rừng đây đó Đằng xa tiếng hát đồng xanh Lúa reo trên đồi cao…
Điện Biên: Khoảng nhớ Mường Phăng
Một góc hồ Pá Khoang

Bức tranh Tây Bắc được nhạc sĩ Văn An khắc họa bằng âm nhạc mượt mà, trong sáng đưa tôi ngược quốc lộ 6 lên Điện Biên vào một ngày đầu hạ. Nắng trải dài khắp thung lũng, dọc con đường quanh co vào Mường Phăng, đó đây những thửa ruông bậc thang lúa đã ngả màu vàng óng ả. Đến thăm Khu di tích lịch sử Mường Phăng, nơi có Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ, tình cờ tôi gặp em gái dân tộc Thái - Lò Thanh Trúc bán đồ lưu niệm ở khu di tích. Qua câu chuyện được biết, em đang học năm cuối trung học phổ thông, nghỉ hè tranh thủ ra bán đồ lưu niệm cho khách tham quan. Biết tôi lần đầu đến Mường Phăng, lại đi một mình, nên Trúc rất nhiệt tình đưa tôi đi một vòng quanh bản, tham quan Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa nằm dưới tán rừng cổ thụ. Dọc đường đi em say sưa kể cho tôi nghe về văn hóa, phong tục tập quán, truyền thống lịch sử cách mạng của vùng đất quê mình. Ước mơ học xong phổ thông, sẽ thi vào một trường sư phạm sau này làm cô giáo dạy môn lịch sử…

Bẵng đi mấy năm, tôi mới có dịp trở lại Điện Biên. Đường lên Tây Bắc bây giờ được đầu tư nâng cấp, đi lại thông thoáng hơn nhiều. Đèo Pha Đin được hạ thấp độ cao, không quanh co hiểm trở như trước. Loanh quanh một ngày ở thành phố, thăm Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ, đồi A1, hầm Đờ cát, hôm sau tôi bắt xe xuôi quốc lộ 279 về Mường Phăng. Con đường từ TP. Điện Biên Phủ đến Mường Phăng dài chừng 35km uốn lượn như tranh vẽ. Hỏi thăm đến nhà em gái nhỏ năm nào, tôi ngạc nhiên trước sự đổi thay ở nơi đây. Trước cổng nhà em có biển đề Home Stay, thì ra ở đây địa phương đã xây dựng mô hình bản du lịch cộng đồng. Du khách đến du lịch có thể trải nghiệm ở cùng với gia đình, cùng ăn, cùng làm với bà con dân bản. Thấy có khách, một cô gái trẻ với trang phục truyền thống ra đón khách. Sau phút ngỡ ngàng, Trúc nhận ra tôi, em vồn vã mời tôi vào nhà như người thân lâu ngày mới gặp. Trong câu chuyện em kể, sau khi học xong phổ thông thì thi vào Trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên, học Khoa Xã hội. Ra trường, làm đơn xin về dạy Văn - Sử ở trường xã nhà. Nói rồi, em đưa tôi lên nhà sàn cất ba lô, dặn tôi cứ nghỉ ngơi, buổi trưa xuống ăn cơm cùng gia đình. Căn phòng tôi ở khá gọn gàng xinh xắn, có cửa sổ nhìn ra phía trước nhà. Qua ô cửa thấp thoáng những mái nhà sàn, xa xa là màu xanh ngắt của rừng cây. Không gian vô cùng yên tĩnh, chỉ nghe tiếng lích rích của những chú chim sâu mải miết chuyền cành. Nghĩ đến việc ngày mai tôi sẽ thả mình lang thang trong khu du lịch sinh thái hồ Pá Khoang, câu cá rồi đi thuyền ra thăm đảo hoa anh đào mà tôi ngủ quên lúc nào không biết.

Đang mơ màng thì có tiếng gọi, rồi tôi nghe thấy tiếng Trúc bên ngoài: Anh ngủ được 2 tiếng rồi, dậy xuống nhà ăn cơm thôi, cả nhà đang chờ.

Khi tôi xuống đã thấy cả nhà ngồi quây quần chờ khách. Thú thật đã lâu lắm rồi khi đi xa, tôi mới lại có được cảm giác gia đình ấm cúng đến thế. Ngoài ông bà nội, bố mẹ của Trúc và cậu em trai mới đi học về thì có ông khách duy nhất là tôi, vậy mà em đãi khách nhiều món quá. Sau màn chào hỏi bằng một ly rượu đầy, mọi người giục tôi phải ăn nhiều kẻo đói. Ngoài món gà nướng truyền thống (tiếng Thái gọi là cáy pỉnh), món thịt lợn hấp thì còn một món nữa không thể thiếu khi đãi khách quý là món cá nướng. Cá nướng uống với rượu được chưng cất bởi một thứ men lá thơm lừng (men lá được làm từ nhiều loại lá thuốc trong rừng) thì chỉ có quên trời đất… Bên cạnh đó còn có xôi ngũ sắc, cơm lam, măng chua, và không thể thiếu món gia vị chẳm chéo được làm từ ớt nướng giòn, tỏi, muối và quả mắc khén trộn lẫn vào nhau. Tôi đã có dịp đến nhiều vùng miền, nhưng nói đến ẩm thực của đồng bào Thái Điện Biên thì không chỉ cầu kỳ trong khâu chế biến mà còn cả trong cách chế biến gia vị được truyền từ đời này sang đời khác. Đặc biệt, các món ăn không dùng dầu mỡ nhưng vẫn đậm đà, giàu chất dinh dưỡng.

Như đã hẹn, sáng hôm sau Trúc đưa tôi đi tham quan khu du lịch sinh thái hồ Pá Khoang, cách nhà em không xa. Hiện nay, khu du lịch sinh thái hồ Pá Khoang là điểm nhấn trong bức tranh du lịch của tỉnh Điện Biên. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng, hệ thống nhà nghỉ, dịch vụ ăn uống ở đây vẫn còn nhỏ lẻ, chưa được đầu tư nâng cấp. Để khu du lịch sinh thái hồ Pá Khoang phát triển, sớm trở thành trọng điểm du lịch vùng Tây Bắc thì rất cần sự quan tâm thiết thực, có hiệu quả của chính quyền địa phương và các nhà đầu tư.

Nguồn: Khoảng nhớ Mường Phăng

Hà Yên Khê

baodienbienphu.info.vn