Khai thác quỹ đất lợi thế từ các dự án giao thông

Đồng Nai: Bài toán giải phóng mặt bằng

03:10 | 04/12/2021

|
Nhiều dự án giao thông trên địa bàn tỉnh sẽ được triển khai kết hợp với việc khai thác quỹ đất lợi thế để đấu giá. Đây là giải pháp phù hợp để “tái tạo” nguồn vốn đầu tư trong điều kiện nguồn vốn ngân sách còn hạn chế.
Đồng Nai: Bài toán giải phóng mặt bằng
Dự án Nâng cấp, mở rộng đường tỉnh 769 là dự án trọng điểm của tỉnh sẽ thực hiện khai thác quỹ đất lợi thế. Ảnh: Phạm Tùng

Tuy nhiên, để có thể thực hiện thành công đòi hỏi phải có những giải pháp đột phá trong công tác giải phóng mặt bằng.

* Hàng loạt dự án giao thông kết hợp khai thác quỹ đất lợi thế

Tại Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa X vào cuối tháng 10 vừa qua, HĐND tỉnh đã thông qua chủ trương đầu tư đối với 8 dự án đầu tư công nhóm A, nhóm B về giao thông có khai thác khu đất lợi thế trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, 8 dự án giao thông sẽ được triển khai kết hợp khai thác các khu đất lợi thế dọc hai bên các tuyến đường gồm có: xây dựng tuyến đường D5, đường N3 thuộc hạ tầng trung tâm xã Thạnh Phú, H.Vĩnh Cửu; dự án Đường Quang Trung và Đường Lê Đại Hành đấu nối ra đường tỉnh 768 nối dài và đường tỉnh 762, H.Vĩnh Cửu; dự án Đường vành đai TP.Biên Hòa (H.Vĩnh Cửu); dự án Đường N1, TT.Long Giao (H.Cẩm Mỹ); dự án Đường vành đai TT.Long Giao giai đoạn 1 (H.Cẩm Mỹ); dự án Nâng cấp mở rộng đường Ngô Quyền (TP.Long Khánh); dự án Đường Vũ Hồng Phô (đoạn từ đường Lê Duẩn đến đường tỉnh 769), TT.Long Thành và dự án Đường liên cảng H.Nhơn Trạch.
Trước đó, có 4 dự án giao thông trên địa bàn TP.Biên Hòa gồm: Đường trục trung tâm TP.Biên Hòa (đoạn từ đường Võ Thị Sáu đến đường Đặng Văn Trơn); Đường ven sông Cái (đoạn từ đường Hà Huy Giáp đến đường Trần Quốc Toản); Đường ven sông Đồng Nai (đoạn từ cầu Hóa An đến giáp ranh H.Vĩnh Cửu) và dự án Hương lộ 2 cũng đã được triển khai thực hiện kết hợp với việc quy hoạch, khai thác quỹ đất lợi thế. Đối với 4 dự án này, hiện UBND TP.Biên Hòa đã hoàn thành công tác rà soát quỹ đất lợi thế, đang thực hiện cập nhật đưa vào các đồ án quy hoạch phân khu.Theo chủ trương đầu tư đã được thông qua, đối với các dự án này, ngoài việc thực hiện thu hồi đất để triển khai các dự án, các địa phương sẽ thực hiện thu hồi thêm các khu đất lợi thế để phục vụ đấu giá, tạo nguồn vốn tái đầu tư.

Ngoài các dự án nói trên, theo Giám đốc Sở KH-ĐT Hồ Văn Hà, nhằm tạo sự đột phá trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và khai thác các tiềm năng của cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành, Đồng Nai cũng đã đưa thêm 3 dự án giao thông vào danh mục các công trình dự án trọng điểm trên địa bàn gồm: dự án Nâng cấp, mở rộng đường tỉnh 773; dự án Nâng cấp, mở rộng đường tỉnh 769 và dự án Đường tỉnh 770B. Cả 3 dự án này cũng sẽ được triển khai theo hướng kết hợp khai thác quỹ đất lợi thế để đấu giá, tái tạo vốn đầu tư. Cũng theo ông Hồ Văn Hà, hiện các dự án này đã được Sở GT-VT tổng hợp, trình duyệt chủ trương đầu tư.

Bên cạnh các dự án của tỉnh, một số dự án giao thông quốc gia triển khai trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới như: Đường vành đai 3 - TP.HCM; Đường vành đai 4 - TP.HCM cũng sẽ được triển khai thực hiện kết hợp với việc khai thác quỹ đất lợi thế dọc hai bên các tuyến đường.

* “Khó chồng khó” đối với công tác giải phóng mặt bằng

Trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn hạn chế và khó có thể gánh hết các dự án hạ tầng giao thông, việc khai thác quỹ đất lợi thế khi triển khai các dự án giao thông sẽ đem đến nhiều lợi ích lớn.

Đồng Nai: Bài toán giải phóng mặt bằng
Dự án Hương lộ 2 là một trong những dự án giao thông kết hợp khai thác quỹ đất lợi thế trên địa bàn TP.Biên Hòa

Thực tế lâu nay, khi Nhà nước đầu tư công trình hạ tầng như mở đường cũ hoặc làm đường mới thì giá đất hai bên đường và cả khu vực tăng lên rất nhiều lần. Khoản tiền chênh lệch này thường vào túi một số ít người có nhà trở thành nhà mặt tiền sau khi làm hạ tầng. Một phần khác sẽ thuộc về doanh nghiệp phát triển các dự án dọc tuyến đường, gọi là chênh lệch lợi thế địa tô. Các đối tượng này không phải đóng thêm bất kỳ một khoản thuế, phí nào, trong khi những người bị thu hồi đất để làm đường thường không được hưởng lợi từ việc mở đường. Ngay cả Nhà nước khi bỏ tiền ra làm đường cũng không được hưởng lợi gì từ việc đầu tư hạ tầng.
Chính vì vậy, việc quy hoạch quỹ đất lợi thế sẽ khắc phục được tình trạng chênh lệch địa tô. Bởi vì, chênh lệch địa tô sẽ vào ngân sách nhà nước thay vì chỉ một số ít đối tượng được hưởng. Nhà nước từ đó cũng có nguồn vốn để phục vụ tái đầu tư cho các dự án hạ tầng.Thực tế lâu nay, khi Nhà nước đầu tư công trình hạ tầng như mở đường cũ hoặc làm đường mới thì giá đất hai bên đường và cả khu vực tăng lên rất nhiều lần. Khoản tiền chênh lệch này thường vào túi một số ít người có nhà trở thành nhà mặt tiền sau khi làm hạ tầng. Một phần khác sẽ thuộc về doanh nghiệp phát triển các dự án dọc tuyến đường, gọi là chênh lệch lợi thế địa tô. Các đối tượng này không phải đóng thêm bất kỳ một khoản thuế, phí nào, trong khi những người bị thu hồi đất để làm đường thường không được hưởng lợi từ việc mở đường. Ngay cả Nhà nước khi bỏ tiền ra làm đường cũng không được hưởng lợi gì từ việc đầu tư hạ tầng.

Bên cạnh đó, việc các khu đất lợi thế sẽ được quy hoạch phù hợp trước khi thực hiện đấu giá cũng sẽ giúp cho quá trình phát triển trở nên đồng bộ hơn thay vì phát triển nhỏ lẻ, manh mún như trước đây.

Tuy nhiên, việc thực hiện khai thác quỹ đất lợi thế khi triển khai các dự án giao thông cũng phải đối mặt với những khó khăn nhất định, đặc biệt là đối với công tác giải phóng mặt bằng.

Lâu nay, công tác giải phóng mặt bằng vẫn là “nút thắt” lớn nhất khi thực hiện các dự án giao thông. Đặc thù của các dự án giao thông là phải thực hiện giải phóng mặt bằng theo hướng tuyến trải dài, diện tích đất cần phải thu hồi lớn. Chính điều này đã khiến rất nhiều dự án giao thông bị chậm tiến độ, kéo dài vì những vướng mắc trong quá trình giải phóng mặt bằng. Vì vậy, khi kết hợp khai thác quỹ đất lợi thế trong quá trình triển khai các dự án giao thông, diện tích cần thực hiện giải phóng mặt bằng cũng sẽ tăng lên. Điều này khiến cho công tác giải phóng mặt bằng vốn đã khó sẽ càng thêm khó.

Ông Nguyễn Hữu Thành, Phó chủ tịch UBND H.Nhơn Trạch cho biết, từ năm 2022, trên địa bàn huyện sẽ bắt đầu triển khai một số dự án giao thông kết hợp khai thác quỹ đất lợi thế. Đây là giải pháp phù hợp để tạo vốn đầu tư trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách còn khó khăn.

Mặc dù vậy, ông Nguyễn Hữu Thành cũng thừa nhận, công tác giải phóng mặt bằng cho các dự án này sẽ rất khó khăn. “Diện tích đất thu hồi lớn hơn khi khai thác thêm quỹ đất lợi thế thì độ khó của công tác giải phóng mặt bằng cũng sẽ tăng lên” - ông Nguyễn Hữu Thành nhận định.

Đồng Nai: Bài toán giải phóng mặt bằng
Dự án Nâng cấp, mở rộng đường tỉnh 769 (bên trái) là dự án trọng điểm của tỉnh sẽ thực hiện khai thác quỹ đất lợi thế. Ảnh: PHẠM TÙNG

Tương tự, ông Hồ Văn Hà cho rằng, để có thể thực hiện thành công các dự án giao thông có khai thác quỹ đất lợi thế, công tác giải phóng mặt bằng cần phải thật sự chuyên nghiệp. Bởi, lúc này các đơn vị liên quan không chỉ thực hiện giải phóng mặt bằng cho khu vực triển khai dự án mà còn phải cần thực hiện giải phóng mặt bằng cho cả các khu đất lợi thế đã được quy hoạch. “Áp lực rất lớn sẽ dành cho công tác giải phóng mặt bằng đối với các dự án giao thông có thực hiện khai thác quỹ đất lợi thế” - ông Hồ Văn Hà cho hay.

Lấy dẫn chứng cho nhận định này, ông Hồ Văn Hà cho hay, đối với 3 dự án giao thông vừa được bổ sung vào danh mục các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh có chiều dài thực hiện khoảng 100km. Khối lượng thực hiện công tác giải phóng mặt bằng cho bản thân các dự án rất lớn, nay phải thực hiện thêm giải phóng mặt bằng cho các khu đất lợi thế thì khối lượng công việc giải phóng mặt bằng sẽ càng tăng lên. Trong khi đó, thời gian để thực hiện các dự án không dài và đã được quy định cụ thể. “Đây là các dự án nhóm A và theo quy định việc bố trí vốn để thực hiện không vượt quá 6 năm” - ông Hồ Văn Hà cho biết.

Nguồn: Bài toán giải phóng mặt bằng

Phạm Tùng

baodongnai.com.vn