Đồng Nai: Bưởi tết lo ''dội chợ''

14:27 | 20/01/2022

|
Mùa cuối năm, nông dân trồng bưởi thường trúng lớn do thương lái gom đóng hàng xuất khẩu, nhu cầu tiêu thụ của thị trường trong nước cũng tăng cao. Đây là mùa đắt hàng của trái bưởi vì loại đặc sản này được người dân mua nhiều làm quà biếu Tết.
Đồng Nai: Bưởi tết lo ''dội chợ''
Thu hoạch bưởi tại xã Tân Bình, H.Vĩnh Cửu. Ảnh: B.Nguyên

Nhưng năm nay, giá bưởi bán tại vườn ở nhiều nơi không được 10 ngàn đồng/kg, mức giá thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Giá thấp nhưng thương lái cũng chưa mặn mà thu mua vì tắc đầu ra.

* Giá thấp kỷ lục

Cuối năm, thị trường bưởi thường khá sôi động do thương lái về các vườn cắt bưởi cung cấp cho thị trường xuất khẩu cũng như chuẩn bị nguồn hàng Tết tại thị trường trong nước. Những năm hút hàng, trước Tết Nguyên đán 1-2 tháng, thương lái thường chọn cách mua bao vườn trước để đảm bảo nguồn hàng cung cấp cho nhu cầu tiêu thụ, nhất là mua hàng làm quà biếu Tết của người dân.

Năm nay, hiện chỉ còn chưa đầy 2 tuần là đến Tết Nguyên đán 2022, nhiều vườn bưởi còn trĩu quả chờ người mua. Nguồn cung lớn hơn cầu khiến trái bưởi rớt giá chưa từng có.

Theo các thương lái, giá bưởi có mức chênh lệch khá lớn, loại bưởi ngon, hình thức đẹp, thương lái đang mua tại vườn với giá từ 12-15 ngàn đồng/kg, nhưng tỷ lệ rất ít. Mức giá bình quân thương lái đang thu mua bưởi tại các nhà vườn chỉ chỉ từ 8-10 ngàn đồng/kg, bưởi xấu chỉ từ 4-5 ngàn đồng/kg. Tuy đây là mức giá thấp chưa từng có trong vài năm trở lại đây, nhưng thương lái cũng không mặn mà thu mua do sức tiêu thụ rất chậm.

Ông Dương Hùng Cường, chủ vựa trái cây tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây (H.Thống Nhất) cho biết, năm nay nguồn bưởi ở cả miền Tây và miền Đông đều rất dồi dào, giá bưởi rẻ chưa từng có. Mọi năm, tháng cận Tết thị trường sôi động nhưng năm nay bán rất chậm. Mùa Tết năm ngoái, thị trường tiêu thụ cũng khó khăn, bưởi rớt giá nhưng còn đóng hàng xuất khẩu, các tỉnh miền Bắc cũng đặt hàng. Hiện bưởi tại vựa chỉ tiêu thụ nội tỉnh hoặc cung cấp cho TP.HCM nhưng sức tiêu thụ cũng thấp hơn nhiều, mọi năm 10 phần thì năm nay chỉ còn 2-3 phần.

Cùng quan điểm, bà Huỳnh Thị Lệ, chủ vựa trái cây tại H.Thống Nhất lo lắng, chưa bao giờ chợ ế như năm nay. Mọi năm, nguồn hàng đi rất đều, sáng cắt từ vài tấn đến cả chục tấn, chiều về là xe đến đóng hàng phân phối đi khắp nơi. Hiện mỗi ngày vựa bán chưa được 1 tấn hàng, đa số đều là khách mua lẻ vài chục ký bán chợ địa phương nên rất chậm.

* Nông dân lo thất thu

Mọi năm, đến tháng cận Tết, đa số các nhà vườn đã có thương lái bao tiêu với giá cao nên không phải lo lắng nhiều về đầu ra. Năm nay, bưởi Tết rớt giá nhưng nhà vườn vẫn khó tìm được thương lái thu mua.

Ông Nguyễn Đình Bình, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hiếu Liêm (H.Vĩnh Cửu) nhận xét, các nhà vườn đang bán bưởi Tết với giá thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm ngoái nhưng thương lái vẫn không mặn mà thu mua. Họ cũng không còn chọn phương thức mua cả vườn như trước mà chỉ cắt từng đợt với số lượng nhỏ. Nhiều nhà vườn lo thất thu vụ bưởi Tết vì chi phí đầu tư đội lên cao do giá phân, thuốc, nhân công đều tang, nhưng đầu ra bị tắc nghẽn.

Ngay cả vùng bưởi đặc sản luôn hút hàng của H.Vĩnh Cửu, nhiều nhà vườn cũng lo mặt hàng này “dội chợ”. Ông Lê Văn Mười, nông dân có gần 10ha trồng bưởi da xanh và bưởi đường lá cam tại xã Bình Lợi (H.Vĩnh Cửu) chia sẻ, dù nhà vườn đã tiêu thụ được khoảng 1/3 sản lượng bưởi trước đó nhưng hiện vẫn còn vài chục thiên (1 thiên là 1 ngàn trái) bưởi Tết chờ người mua.

Ông Mười so sánh: “Mọi năm, giá bưởi Tết lên đến hơn 1 triệu đồng/12 trái nhưng cả công nhân đến khách mua lẻ về vườn đặt hàng rất nhiều, từ vài thùng đến vài chục thùng làm quà biếu Tết. Năm nay, thương lái chậm thu mua, khách mua lẻ cũng thưa thớt hơn rất nhiều nên bưởi tồn tại vườn chờ tiêu thụ còn rất lớn”.

Theo nhiều nông dân trồng bưởi, đây là năm thất thu của cây trồng này vì suốt những tháng bùng phát dịch bệnh Covid-19 đến nay, đầu ra của trái bưởi rất khó khăn, nhất là tháng cao điểm dịch, bưởi dội chợ không tiêu thụ được, giá bưởi luôn đứng ở mức thấp.

Ngoài nguyên nhân đầu ra bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh còn có lý do đầu ra của trái bưởi rơi vào cảnh cung vượt cầu. Trước đây, bưởi luôn là loại trái cây đặc sản bán được với giá cao nhưng vài năm trở lại đây, diện tích cây trồng này tăng quá nhanh, nguồn cung dồi dào khiến giá bán ngày càng giảm.

Theo số liệu của Cục Thống kê Đồng Nai, tính đến cuối năm 2021, tổng diện tích bưởi trên địa bàn tỉnh đạt hơn 10,3 ngàn ha, tăng hàng trăm ha so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, diện tích bưởi đang cho thu hoạch gần 6,7 ngàn ha. Tổng sản lượng thu hoạch bưởi đạt gần 73,9 ngàn tấn, tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Áp lực cạnh tranh tiêu thụ của trái bưởi sẽ ngày càng gay gắt hơn trong thời gian tới do sản lượng bưởi còn tiếp tục tăng nhanh khi diện tích bưởi trồng mới cho thu hoạch. Trong khi đó, mặt hàng này chủ yếu tiêu thụ trái tươi vì chưa thu hút được đầu tư chế biến, xuất khẩu vẫn còn rất hạn chế.

Nguồn: Bưởi tết lo ''dội chợ''

Bình Nguyên

baodongnai.com.vn