Đồng Nai: Đẩy mạnh các mô hình kinh tế số

04:10 | 28/09/2022

|
Trước xu thế của cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế, Đồng Nai đã và đang có những bước đi trên con đường chuyển đổi số (CĐS). Theo đó, tỉnh hướng tới một nền kinh tế mạnh, phát triển nhanh, nền hành chính công đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp (DN); tập trung phát triển các mô hình kinh tế số, ưu tiên đẩy mạnh các ngành công nghiệp mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo…
Đồng Nai: Đẩy mạnh các mô hình kinh tế số
Người dân tham khảo, trải nghiệm một điểm giao dịch ngân hàng số - Autobank CDM tại TP.Biên Hòa. Ảnh: H.Hà

* Đa dạng các loại hình thương mại, dịch vụ số

Trong những năm qua, Đồng Nai là một trong những địa phương chủ động, có nhiều nỗ lực trong việc phát triển số hóa trên nhiều lĩnh vực, nhất là hoạt động thương mại điện tử (TMĐT), ngân hàng số, cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền điện tử… tạo tiền đề để phát triển nền kinh tế số.

Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam chi nhánh Đồng Nai Phạm Quốc Bảo chia sẻ, ngành Ngân hàng trong tỉnh đã và đang chú trọng đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, CĐS trong hoạt động ngân hàng; tập trung triển khai hiệu quả, thực chất cải cách hành chính; tăng cường hiệu quả, chất lượng hoạt động thanh toán thẻ qua các máy POS…

Song song với đó, trong những năm gần đây, Đồng Nai được nhiều chuyên gia đánh giá là một trong những địa phương năng động trong phát triển TMĐT và liên tục nằm trong nhóm những địa phương trên cả nước có chỉ số TMĐT cao. Mới đây nhất, theo báo cáo chỉ số TMĐT Việt Nam - EBI 2022 do Hiệp hội TMĐT Việt Nam (Vecom) công bố, chỉ số TMĐT của Đồng Nai tiếp tục nằm trong tốp 5 toàn quốc.

Một trong những yếu tố then chốt để đẩy mạnh quá trình CĐS, nhất là đối với lĩnh vực thương mại, dịch vụ đó là hạ tầng về công nghệ, thông tin. Từ cuối năm 2021, Sàn giao dịch TMĐT Đồng Nai (ecdn.vn) chính thức ra mắt, mở ra nhiều cơ hội cho người dân trải nghiệm dịch vụ, các DN có thêm kênh bán hàng, quảng bá sản phẩm…

Đến nay, Sở Công thương đã kết nối, hỗ trợ miễn phí cho nhiều DN, HTX… trong tỉnh tham gia đưa hàng hóa lên sàn để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, Sở sẽ xem xét nâng cấp chức năng mua sắm hàng hóa trên thiết bị điện thoại di động (Android, iOS) đối với các giao dịch trên Sàn TMĐT Đồng Nai cũng như xây dựng phương án vận hành, nguồn nhân lực phù hợp, hiệu quả, đúng quy định để phát triển ecdn.vn

Giám đốc Trung tâm Phát triển TMĐT (Cục TMĐT và kinh tế số - Bộ Công thương) cho biết, trang ecdn.vn nhận được nhiều sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo địa phương và sự nỗ lực kết nối hỗ trợ của Sở Công thương cùng các đơn vị liên quan. Sàn TMĐT Đồng Nai hiện là một trong những sàn đi đầu trong việc tích hợp thanh toán điện tử, logistics và được đánh giá cao về mức độ ứng dụng trong 44 sàn TMĐT địa phương đang được vận hành, triển khai. Hạ tầng về công nghệ của sàn được chuẩn bị khá tốt nhưng cần thêm sự đồng bộ giữa các bên liên quan, cũng như đẩy mạnh công tác về thông tin, truyền thông, kết nối… để sàn phát huy hiệu quả.

* Xây dựng nền móng để phát triển bền vững

Đầu tháng 9 vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch phát triển kinh tế số và xã hội số tỉnh Đồng Nai đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Đồng Nai: Đẩy mạnh các mô hình kinh tế số
Nhân viên của một siêu thị ở TP.Biên Hòa tổng hợp các đơn đặt hàng online của khách hàng. Ảnh: H.Hà

Kế hoạch đề ra các mục tiêu cơ bản về phát triển kinh tế số và xã hội số trên địa bàn tỉnh. Về phát triển kinh tế số, phấn đấu đến năm 2025, tỷ trọng kinh tế số của tỉnh đạt 20% GDP; tỷ trọng TMĐT trong tổng mức bán lẻ đạt trên 10%; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; tỷ lệ nhân lực lao động kinh tế số trong lực lượng lao động đạt 2%...

Kế hoạch đề ra các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm, đặc biệt là các nền móng để phát triển kinh tế số, xã hội số như: xây dựng, sửa đổi bổ sung cơ chế, chính sách, pháp luật trong từng ngành, lĩnh vực phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế số, xã hội số của tỉnh. Triển khai chiến lược phát triển hạ tầng số, xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch thúc đẩy sử dụng nền tảng số quốc gia. Bên cạnh đó, kế hoạch sẽ xây dựng hệ thống dữ liệu số, đảm bảo các yếu tố an toàn thông tin mạng và an ninh mạng; phát triển, mở rộng nguồn nhân lực số, DN số và thanh toán số; nâng cao nhận thức về kĩ năng số, công dân số và văn hóa số…

Theo Phó giám đốc NHNN Việt Nam chi nhánh Đồng Nai Phạm Quốc Bảo, trong thời gian tới, ngành Ngân hàng trong tỉnh sẽ tiếp tục phát triển mạng lưới ngân hàng theo hướng hiện đại hóa, phát triển thanh toán không dùng tiền mặt và tích cực đẩy mạnh CĐS trong hoạt động ngân hàng. Đồng thời, triển khai Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025; đẩy mạnh phổ biến kiến thức, thông tin tuyên truyền về thanh toán không dùng tiền mặt…

Ông Phí Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hội Tin học TP.HCM, một chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực CĐS chia sẻ, Đồng Nai là một trong những địa phương có cộng đồng DN lớn và đang tiếp tục gia tăng. Đây là tiềm năng lớn cho việc phát triển công nghệ số, ứng dụng công nghệ trong sản xuất, kinh doanh. Vấn đề ở đây, các DN cần chủ động xác định, xây dựng các mô hình quản trị, vận hành trong môi trường số. Trong đó, cần đánh giá được mức độ sẵn sàng và dữ liệu cho CĐS; tìm ra được những điểm cần bổ sung, hoàn thiện cho xây dựng nền tảng dữ liệu phù hợp với DN để từ đó vận hành, khai thác có hiệu quả hạ tầng công nghệ, cơ sở dữ liệu…

Cuối tháng 4-2022, UBND tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch thực hiện Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2025. Theo đó, các ngành, lĩnh vực ưu tiên phát triển đổi mới sáng tạo gồm: CĐS, công nghệ thông tin - truyền thông, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, dịch vụ du lịch, dịch vụ logistics, công nghiệp chế biến sâu nông sản và các dịch vụ nông nghiệp để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Ngoài ra, còn ưu tiên hỗ trợ các dự án ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực khác như: an sinh xã hội, giải trí, dịch vụ ăn uống tại khu vực cảng hàng không quốc tế Long Thành…

Nguồn: Đẩy mạnh các mô hình kinh tế số

Hải Quân

baodongnai.com.vn