Đồng Nai: Doanh nghiệp thiếu vốn kinh doanh

13:12 | 30/11/2022

|
Chỉ còn khoảng 1 tháng nữa là kết thúc năm 2022 và Tết Nguyên đán đang cận kề, đây là thời điểm doanh nghiệp (DN) vào cao điểm sản xuất, kinh doanh nên rất cần nguồn vốn để hoạt động. Tuy nhiên thời gian qua, thị trường diễn biến khó lường, lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại tăng cao đang tạo áp lực rất lớn đến cộng đồng DN.
Đồng Nai: Cần tháo gỡ điểm nghẽn để phát triển logisticsĐồng Nai: Cần tháo gỡ điểm nghẽn để phát triển logistics
Đồng Nai: Doanh nghiệp 'bắt tay' nông dân làm mã số vùng trồng sầu riêngĐồng Nai: Doanh nghiệp 'bắt tay' nông dân làm mã số vùng trồng sầu riêng
Mùa sản xuất, kinh doanh cuối năm, nhiều doanh nghiệp đang thiếu vốn (ảnh minh họa). Ảnh: V.Gia
Mùa sản xuất, kinh doanh cuối năm, nhiều doanh nghiệp đang thiếu vốn (ảnh minh họa). Ảnh: V.Gia

Vất vả để xoay xở, song theo nhiều DN, tình hình trước mắt vẫn rất khó khăn, thậm chí còn có thể kéo dài đến năm sau.

* Thiếu vốn - nỗi lo thường trực

Thiếu vốn cho sản xuất, kinh doanh luôn là nỗi lo thường trực của DN. Đa phần DN Việt Nam hiện có quy mô nhỏ và vừa, nguồn vốn cho sản xuất, kinh doanh chủ yếu đến từ vay ngân hàng. Trong bối cảnh lãi suất ngân hàng tăng cao cũng như khó khăn trong vấn đề vay vốn đã tác động mạnh đến các DN, đặc biệt là những tháng cuối năm.

Nhu cầu vốn hiện khá cao, không những ở các DN sản xuất mà cả DN thương mại dịch vụ cũng cần vốn để phục vụ thị trường Tết. Thế nhưng, các nguồn cung vốn cho DN hiện nay thật sự rất khó. Ngân hàng hết hạn mức tín dụng hoặc nếu còn sẽ cho vay với lãi suất rất cao. Có thể huy động được nguồn vốn nào thì DN cũng đã tranh thủ huy động nên thời điểm hiện tại rất bí bách.

Giám đốc Công ty CP Thực phẩm quốc tế Phương Đông (TP.Biên Hòa) Đào Văn Hợp chia sẻ, thời điểm kinh doanh thuận lợi, dòng tiền thu vào hằng tháng của DN hơn 3 tỷ đồng nhưng hiện nay, cùng với khó khăn của đối tác, việc cung ứng dịch vụ của công ty vì thế cũng bị ảnh hưởng, doanh thu còn hơn một nửa. Trong khi doanh thu sụt giảm, DN vẫn phải lo đủ thứ. Lương, thưởng công nhân, nguyên vật liệu đầu vào và chuẩn bị cho mùa sản xuất, kinh doanh cuối năm... đang khiến DN “đau đầu” vì gặp khó về nguồn tiền.

So với mọi năm, thời điểm này việc chuẩn bị thị trường Tết cũng đang khá chậm. Một phần nguyên nhân bởi DN cạn vốn. Chủ một DN ở TP.Biên Hòa cho hay, ông dự tính cuối năm đẩy mạnh mảng thương mại, chi vốn để mua hàng thiết yếu dự trữ đợi thời điểm giáp Tết bung ra, nhưng lại đang đắn đo. Chưa dự báo được thị trường và nguồn vốn hạn hẹp, DN này đang phải chờ thêm thời gian nữa mới thực hiện kế hoạch của mình.

Tương tự, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư thương mại 939 (TP.Biên Hòa) Nguyễn Duy Khương cho hay, các DN đang đối mặt với thiếu hụt khoản tiền mặt để luân chuyển. Cùng với lãi suất ngân hàng đè nặng lên vấn đề tài chính, thời gian này DN của ông gặp những khó khăn trong kế hoạch sản xuất, kinh doanh cuối năm và vẫn chưa có giải pháp tháo gỡ ổn thỏa.

* Vẫn phải "tự thân vận động" là chính

Khó khăn, DN phải tự thân vận động là chính. Giám đốc Công ty CP Xây dựng Nhật Gia (TP.Biên Hòa) Bùi Vĩnh Nhật cho rằng, thời điểm hiện tại DN vẫn có việc làm cho nhân viên là điều may mắn. “Có DN đối tác còn nợ một khoản tiền của chúng tôi, khi được đề cập đến thì hồi đáp rằng “vẫn còn thở được là may lắm rồi”. Âu cũng vì tình trạng chung mà chia sẻ cùng nhau” - ông Nhật nói.

Theo các chuyên gia, chưa tính đến giai đoạn khó khăn mà ngay cả trong khi hoạt động kinh doanh thuận lợi, DN cũng cần phải quản lý tốt dòng tiền của mình. Đặc biệt, thời điểm khát vốn cho mùa sản xuất, mua bán cuối năm hiện nay càng phải chú trọng bảng cân đối kế toán, tình hình thanh khoản và dòng tiền, bởi báo cáo tài chính là một phần, quan trọng nhất vẫn là dòng tiền.

Ông Nguyễn Tấn Bình, Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học lãnh đạo và quản trị doanh nghiệp (VJCC) cho rằng, đây là điều mà các DN nhỏ còn rất yếu. Trong kinh doanh, người điều hành vẫn cần người quản lý tài chính để kìm hãm, không chi tiêu quá đà, bởi ẩn phía sau đó là nhiều khoản chi mà sổ sách, giấy tờ không thể hiện ra. Nếu không làm tốt và dự báo những gì sắp xảy ra để có sự chuẩn bị trước, tất yếu sẽ gặp khó khăn và DN cứ mãi quanh quẩn với câu hỏi “không biết nguồn tiền mình ở đâu”.

“Chọn đúng khách hàng và đối tác; tối ưu quy trình quản lý hàng hóa thành phẩm và hàng tồn kho để giải phóng dòng tiền; dự báo dòng tiền một cách chính xác là những nguyên tắc mà DN phải nằm lòng” - ông Bình nhận định.

Sức khỏe về dòng tiền của DN được phản ánh không chỉ ở các đơn vị đang hoạt động hiện hữu mà cả với thu hút thành lập mới. Tính từ đầu năm 2022 đến ngày 15-11, toàn tỉnh có hơn 3,8 ngàn DN thành lập mới, tăng 45,2% so với cùng kỳ năm 2021 nhưng số vốn đăng ký chỉ 29,3 ngàn tỷ đồng, tương ứng 60,1% của năm trước. Trong khi đó, có 464 DN giải thể, tăng 56,4% và 561 chi nhánh, địa điểm kinh doanh và văn phòng đại diện chấm dứt hoạt động, tăng 54,1%, đồng thời có hơn 1,1 ngàn DN tạm ngừng kinh doanh, tăng 67%. Lý do giải thể và chấm dứt hoạt động và tạm ngừng kinh doanh chủ yếu do hoạt động kém hiệu quả và thu hẹp mô hình sản xuất.

Nguồn: Doanh nghiệp thiếu vốn kinh doanh

Văn Gia

baodongnai.com.vn