Đồng Nai: Nhiều nông dân chặt bỏ vườn thanh long ruột đỏ

18:08 | 25/05/2022

|
Thanh long ruột đỏ từng là cây đặc sản thuộc tốp đầu về thu nhập nên thu hút rất nhiều nông dân đầu tư. Nhưng hơn 2 năm trở lại đây, giá thanh long liên tục đứng ở mức thấp khiến hàng trăm ha thanh long đã bị chặt bỏ.
Đồng Nai: Nhiều nông dân chặt bỏ vườn thanh long ruột đỏ
Nhà vườn trồng thanh long tại xã Xuân Hưng (H.Xuân Lộc) chăm sóc thanh long cung cấp cho thị trường xuất khẩu. Ảnh: HẢI ĐÌNH

Nhiều nông dân buộc phải chặt bỏ thanh long chính từ ưu thế của cây trồng này là cho thu hoạch quanh năm, sản lượng lớn nên khi thị trường khó tiêu thụ, người trồng lại khó giữ vườn vì chi phí đầu tư lớn. Ngoài ra, đây cũng là cây trồng khó chăm sóc, rủi ro dịch bệnh cao nên khi không được chăm sóc, vườn cây dễ bị suy, khiến nông dân buộc phải chặt bỏ.

* Không còn sức gánh lỗ

Theo số liệu từ Sở NN-PTNT, tính đến cuối tháng 4-2022, tổng diện tích thanh long trên địa bàn tỉnh còn hơn 1,3 ngàn ha, giảm hàng trăm ha so với năm trước đó. Nguyên nhân diện tích thanh long ruột đỏ giảm mạnh do 2 năm trở lại đây, loại trái cây đặc sản thuộc tốp đầu cho thu nhập cao lại trở thành nguyên nhân khiến nhiều nông dân mang nợ khi giá bán liên tục đứng ở mức thấp, xuất khẩu khó khăn. Ông Dương Công Huấn, nông dân trồng thanh long ruột đỏ tại xã Xuân Hòa (H.Xuân Lộc), cho biết hơn 2 năm nay, thanh long thường đứng ở mức dưới giá thành sản xuất, thậm chí có thời điểm thương lái chỉ trả 1-2 ngàn đồng/kg cho thanh long xuất khẩu. Trong khi đó, để làm ra trái thanh long đạt chuẩn xuất khẩu, nông dân tốn thêm nhiều chi phí như: tiền điện thắp đèn, công, thuốc vuốt tai thanh long...

Tương tự, ông Nguyễn Văn Hưng, nông dân trồng thanh long ruột đỏ tại xã Xuân Hưng (H.Xuân Lộc), bày tỏ lo lắng khi vườn thanh long của ông khoảng 1 tuần nữa sẽ có lứa thu hoạch. Đây là lứa thanh long nhà vườn thắp đèn làm nghịch vụ nên chi phí đầu tư cao, vì ngoài tiền phân, thuốc thì khoản công chăm sóc, tiền điện thắp sáng cũng là chi phí không nhỏ. Hiện chỉ một số nhà vườn cho thu hoạch thanh long thắp đèn, sản lượng ít mà giá thanh long vẫn thấp hơn nhiều so với giá thành sản xuất. Hơn 1 tháng nữa, nhiều nhà vườn sẽ cho thu hoạch chính vụ, sản lượng lớn càng khó kỳ vọng giá mặt hàng này sẽ tốt hơn.

Theo ông Hưng, từ năm ngoái, nông dân trồng thanh long đã gồng mình gánh lỗ. Khó khăn kéo dài khiến nhiều nhà vườn ôm nợ, không còn vốn đầu tư nên bỏ thí vườn cây. Đa số diện tích thanh long bị chặt bỏ là những vườn bị già cỗi, suy yếu, cây chết vì dịch bệnh do nông dân không còn khả năng chăm sóc.

* Lo lắng dịch bệnh

Từ đầu mùa mưa đến nay, bệnh nấm “tắc kè” xuất hiện gây thiệt hại cho nhiều nhà vườn trồng thanh long và bệnh này có khả năng bùng phát thành dịch lớn. Bệnh nấm “tắc kè” xuất hiện và lây lan rất nhanh trong vườn, từ vườn này sang vườn kia. Khó khăn nhất là hiện vẫn chưa có thuốc đặc trị bệnh nấm “tắc kè” nên nông dân thường phải tự mày mò xịt đủ loại thuốc, chi phí cao mà rủi ro cây tồn dư thuốc bảo vệ thực vật lớn.

Ông Đoàn Trung Ngọc là chủ cơ sở thu mua và đóng thanh long xuất khẩu, cũng là nông dân tiên phong trồng thanh long ruột đỏ tại xã Hưng Thịnh (H.Trảng Bom). Trước đây, gia đình ông có gần 10ha trồng thanh long ruột đỏ. Hiện diện tích này đã giảm hơn nửa vì ông đã chuyển đổi sang mô hình sản xuất khác cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Ông Ngọc chia sẻ, nếu chăm sóc tốt, thanh long có thể cho thu hoạch cả chục lứa/năm. Các vườn cây ăn trái khác thường 1 năm chỉ có 1 vụ thu hoạch, việc chăm bón phân, thuốc chỉ vài lần/năm. Trong khi đó, cây thanh long cần đầu tư hằng tuần, hằng tháng nên chi phí rất lớn. Càng khó khăn hơn, nếu để vườn cây không chăm bón, cây thanh long rất dễ bị suy, dịch bệnh lây lan.

Ông Ngọc cho biết, nghịch lý hiện nay về bài toán đầu ra cho trái thanh long là rộ vụ thu hoạch, sản lượng tăng cao, thanh long có nguy cơ ùn ứ, đổ bỏ. Trong khi thương lái khó tìm được nguồn hàng đạt chuẩn xuất khẩu vì tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu về chất lượng ngày càng cao thì nhiều nhà vườn e ngại đầu tư chăm sóc vì lo giá rẻ. Mặt khác, ngay cả những nhà vườn vẫn nỗ lực làm hàng xuất khẩu, với tình hình dịch bệnh phát sinh nhiều trên cây trồng này vào mùa mưa, nguy cơ tồn dư thuốc bảo vệ thực là rất lớn. Đây lại là vấn đề nhiều thị trường nhập khẩu trái thanh long, trong đó có cả thị trường dễ tính Trung Quốc, đang siết chặt các quy định về thuốc bảo vệ thực vật.

Nguồn: Nhiều nông dân chặt bỏ vườn thanh long ruột đỏ

Bình Nguyên

baodongnai.com.vn