Đường Hồ Chí Minh trên biển: Kỳ tích của lịch sử

11:05 | 21/10/2021

|
Cách đây 60 năm, ngày 23/10/1961, Bộ Quốc phòng ra quyết định thành lập Đoàn Vận tải quân sự 759 - đơn vị tiền thân của Lữ đoàn 125, Vùng 2 Hải quân ngày nay (còn gọi là Đoàn tàu không số). Đoàn có nhiệm vụ mở con đường vận tải chiến lược - đường Hồ Chí Minh trên biển để kịp thời chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam.
Đường Hồ Chí Minh trên biển: Kỳ tích của lịch sử
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Hồ Đắc Thạnh (giữa) trong ngày gặp lại đồng đội. Ảnh: NVCC

Quyết định sáng suốt này thể hiện tầm nhìn chiến lược và kỳ tích trong sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và là bài học quý trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Bài 1: Cuộc đấu trí lịch sử

Những người đã từng tham gia và thực hiện nhiệm vụ trên Đoàn tàu không số (Lữ đoàn 125) hiện đã ở tuổi xưa nay hiếm. Cùng với thời gian, họ có thể quên nhiều chuyện nhưng khi nhắc tới những kỷ niệm về Đoàn tàu không số, ký ức lại ùa về…

* Ký ức không quên

Được sự hỗ trợ của Lữ đoàn 125, chúng tôi liên hệ với ông Sáu Đức (Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Đức), nguyên Thuyền phó tàu 43 cùng các tàu 56, 235 và 164 được giao nhiệm vụ khẩn cấp lên đường tiếp tế vũ khí cho chiến trường miền Nam, trực tiếp phục vụ Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968.

Ông Sáu Đức sinh năm 1941, quê tỉnh Bến Tre. 21 tuổi, ông xung phong vào bộ đội và được biên chế vào Đoàn tàu không số vận chuyển vũ khí, quân nhu vào miền Nam. Ông kể lại, ngày 27-2-1968, tàu 43 chở 38 tấn vũ khí vào bến C.45 Mỹ Á, xã Phổ Hiệp (nay thuộc TX.Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi). Nhằm phân tán sự theo dõi, phát hiện của địch, 4 tàu xuất phát thời điểm khác nhau nhưng phải cập bến tàu cùng lúc. Theo dự tính ban đầu, các tàu sẽ tập kết tại 4 điểm gồm: Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa và Cà Mau và chỉ trong 5 ngày, 6 đêm, nhưng do sóng to, gió lớn cùng sự theo dõi gắt gao của địch khiến tàu lênh đênh 11 ngày trên biển.

Trong 14 năm (1961-1975), các cán bộ, chiến sĩ Đoàn tàu không số đã tổ chức được 1.879 lượt tàu thuyền, vận chuyển hơn 152 ngàn tấn vũ khí trang bị kỹ thuật, thuốc chữa bệnh; hơn 80 ngàn lượt cán bộ, chiến sĩ từ Bắc vào Nam; chiến đấu hàng trăm trận với máy bay, tàu chiến Mỹ - ngụy; góp phần cùng quân và dân cả nước đánh bại các chiến lược chiến tranh của Mỹ, giải phóng Trường Sa và một số đảo trên vùng biển miền Trung, Tây Nam Tổ quốc, góp phần làm nên thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, thống nhất đất nước.

Quá trình di chuyển, tàu đã bảo đảm bí mật nhưng khi đi qua vĩ tuyến 17 thì vệ tinh Mỹ phát hiện, theo dõi liên tục. Cuối cùng, tàu 43 đối đầu với 6 tàu địch và 2 trực thăng, xảy ra trận chiến đấu quyết liệt trên Biển Đông. Tàu địch nã súng xối xả vào buồng lái, tàu 43 bắn trả. Ông Sáu Đức cố lái, lượn lách con tàu vượt qua bão lửa. Cuộc chiến không cân sức, chỉ còn 14 chiến sĩ trên tàu kiên cường bám trụ. Thuyền trưởng Nguyễn Đắc Thắng ra lệnh hủy tàu, xuống xuồng bơi vào đất liền…

Giọng ông Sáu Đức chùng lại nghẹn ngào, xúc động: “Tôi vẫn còn nợ các đồng chí đã hy sinh một lời hẹn vì nhiều lý do nên chưa thể đến thăm gia đình các anh em Vũ Xuân Ruệ, Nguyễn Đăng Kiểm, Võ Nho Tòng. Đây là điều mà tôi còn trăn trở, luôn cảm thấy mắc nợ đồng đội, anh em…”.

Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Hồ Đắc Thạnh, nguyên Thuyền trưởng tàu 41 vận chuyển vũ khí vào chiến trường miền Nam kể lại, chuyến đi ông nhớ nhất chính là chuyến vận chuyển vũ khí và 3 tấn gạo vào bến Vũng Rô (tỉnh Phú Yên) vào tháng 12-1964. Trong chuyến vận chuyển đầu tiên thăm dò Vũng Rô, người chiến sĩ bảo vệ bến nói với ông trong đêm bốc hàng: “Mấy hôm nay đơn vị hết gạo phải ăn trái sung”. Điều đó cứ day dứt trong lòng và theo ông suốt chặng đường ra miền Bắc.

Sau mấy ngày nghỉ ngơi và chuẩn bị cho chuyến đi tiếp theo, ngày 15-12-1964, Tư lệnh Hải quân tổ chức cuộc họp nghe báo cáo kết quả chuyến đi mở đường vào bến Vũng Rô. Cuộc họp phấn khởi với kết quả thành công của chuyến đầu mở bến bỗng im lặng khi nghe ông báo cáo: “Các anh ở bến mấy tuần nay phải ăn trái sung làm nhiệm vụ đón tàu ra vào. Vì vậy, nếu được đi chuyến thứ 2, tôi đề nghị ta nên chuyển một số gạo chi viện trực tiếp cho lực lượng bến”. Và Tư lệnh Hải quân đã quyết định: trong chuyến đi thứ 2 của tàu 41, ngoài vũ khí có thêm 3 tấn gạo Bộ Tư lệnh Hải quân gửi tặng cán bộ, chiến sĩ, dân công bến Vũng Rô.

“Đêm 25-12-1964, tàu 41 vào bến Vũng Rô, cùng với hàng chục tấn vũ khí có thêm 3 tấn gạo tám thơm của Bộ Tư lệnh Hải quân gửi tặng. Nhanh chóng, gạo được bốc lên tranh thủ phát cho anh em nấu ăn lấy sức để bốc hàng. Cầm bao gạo trong tay, người chiến sĩ bảo vệ bến rưng rưng nước mắt xúc động trước tấm lòng miền Bắc gửi đến đồng bào miền Nam, góp thêm động lực đánh thắng quân thù” - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Hồ Đắc Thạnh xúc động kể lại.

Một sự sáng tạo trong cuộc đấu trí lịch sử của những người lính Đoàn tàu không số là câu chuyện của đại tá Trần Phong, nguyên Thuyền trưởng tàu 55. Đại tá Trần Phong kể lại, vào giữa tháng 10-1963, tàu 55 đi chuyến thứ hai chở hơn 60 tấn vũ khí vào chiến trường miền Nam. Tàu đến cửa Rạch Gốc (mũi Cà Mau) thì thủy triều xuống thấp, không vào được cửa sông buộc phải nằm lại chờ nước lên. Trong tình thế “tiến thoái lưỡng nan”, để đánh lừa địch, đại tá Trần Phong đã cho đồng đội kéo cờ của chính quyền Sài Gòn lên rồi tập trung quan sát, sẵn sàng chiến đấu.

“Trên đỉnh đài chỉ huy, trong bộ trang phục dân biển, tôi đưa tay làm động tác chào máy bay địch. Có lẽ địch thấy trên nóc đài chỉ huy tàu 55 cờ 3 sọc bay phấp phới, tôi thì đứng vẫy tay chào thể hiện như quen biết nên chúng lượn vài vòng rồi bay đi. Đánh giá địch đã lầm tưởng tàu 55 là tàu của chúng nên khi máy bay địch rời đi, tôi ra lệnh cho anh em vừa cảnh giới sẵn sàng chiến đấu, vừa nhanh chóng cho chuyển bớt hàng sang tàu khác an toàn” - đại tá Trần Phong nhớ lại.

* Vững niềm tin chiến thắng

Theo thiếu tướng Nguyễn Vĩnh Thắng, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học xã hội nhân văn Quân sự, đường Hồ Chí Minh trên biển là nơi hội tụ sức mạnh chính trị tinh thần của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Sức mạnh ấy thể hiện ý chí quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc, đi lên chủ nghĩa xã hội. Sức mạnh đó còn là tình cảm của hậu phương miền Bắc đối với tiền tuyến miền Nam, tinh thần khắc phục khó khăn, chịu đựng gian khổ, sẵn sàng hy sinh của cán bộ, chiến sĩ trên những con tàu không số.

Bến K15 (Q.Đồ Sơn, TP.Hải Phòng) được coi là cột mốc số 0 của tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển. Nơi đây, ngày 11-10-1962, chuyến tàu không số đầu tiên xuất phát chở 30 tấn vũ khí sau 5 ngày cập bến Cà Mau thành công - khai thông tuyến vận tải quân sự đặc biệt trên Biển Đông. Sau những chuyến tàu vỏ gỗ vào Cà Mau thắng lợi đã khẳng định ta có thể vận chuyển bằng tàu biển lâu dài nên phải có những phương tiện tốt hơn trong mọi thời tiết. Quân ủy Trung ương chủ trương nhanh chóng đầu tư cho Đoàn 759 tàu vỏ sắt trọng tải từ 50-100 tấn. Ngày 17-3-1962, chiếc tàu vỏ sắt đầu tiên do đồng chí Đinh Đạt làm thuyền trưởng, đồng chí Nguyễn Văn Tiến làm chính trị viên chở 44 tấn vũ khí lên đường vào bến Trà Vinh an toàn.

Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phan Nhạn cho biết, yếu tố sức mạnh tinh thần tạo động lực giúp cán bộ, chiến sĩ Đoàn tàu không số luôn vững niềm tin chiến thắng, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ bí mật tuyến đường. Trên mỗi chuyến tàu vận chuyển đều được biên chế đủ: thuyền trưởng, chính trị viên, chi bộ Đảng… kịp thời lãnh đạo và động viên toàn thể anh em thủy thủ tàu đoàn kết hoàn thành nhiệm vụ. Trong đó, thuyền trưởng và chính trị viên đóng vai trò quan trọng nhất trên suốt hành trình của tàu .

Cá nhân Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phan Nhạn được lựa chọn vào đoàn tàu không số làm máy trưởng từ năm 1962. Ông đã tham gia tổng cộng 15 chuyến đi, trong đó chuyến đi của tàu 41 xuất phát vào tháng 11-1966 chở vũ khí từ Hải Phòng vào Bến Ngang (TX.Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) đêm 23-11-1966 là chuyến mà ông nhớ nhất. Ông kể: khi tàu cập bến trả được 2/3 số hàng thì gặp tàu địch đi tuần và bị phát hiện. Tàu có lệnh phải hủy để bảo toàn lực lượng và số hàng đã thả. Nhờ có sức mạnh chính trị, tinh thần và niềm tin chiến thắng, ông đã xung phong ở lại cùng thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh châm ngòi nổ bộc phá, hủy tàu, bảo đảm cho tuyến đường không bị lộ…

Nhờ yếu tố tinh thần và niềm tin bất diệt, chỉ trong đêm 29, rạng sáng 1-3-1968, cả 3 tàu của ta là 165, 43B và 235 đều gặp địch đã chiến đấu ngoan cường và anh dũng hy sinh. Điển hình là Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh bị thương nhưng vẫn chỉ huy chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Ông và thợ máy Ngô Văn Thứ đã kiên cường chiến đấu đánh lui nhiều đợt tấn công của địch và anh dũng hy sinh. Tàu 235 có 20 người thì 14 người hy sinh, 6 người thoát khỏi vòng vây của địch. Để tri ân công lao của ông, một hòn đảo trên quần đảo Trường Sa được mang tên người anh hùng Phan Vinh.

Nguồn: Đường Hồ Chí Minh trên biển: Kỳ tích của lịch sử

Nguyệt Hà

baodongnai.com.vn