Hành trình biến “âm mưu” thành “dương mưu”!

22:17 | 22/07/2021

|
Nhiều người đã phải ồ lên mà than rằng: “Sao mà tài thế! Rõ ràng một dự án đầy rẫy những hành vi vi phạm pháp luật mà nay sạch bong, cứ như một hành trình rửa tiền hoàn hảo vậy”.

Đến giờ này thì mọi việc đã rõ như ban ngày, hoàn toàn công khai, minh bạch, sòng phẳng, mời gọi hẳn hoi, đấu thầu mạch lạc chứ không âm thầm giấu giếm, mờ mờ ảo ảo như trước đây. Đó là tình trạng hiện nay của Dự án đầu tư xây dựng khu biệt thự và nhà phố vườn Vạn Tuế - Sago Palm Garden vốn đầy ẩn khuất lâu nay ở tỉnh Hưng Yên.

Nhiều người đã phải ồ lên mà than rằng: “Sao mà tài thế! Rõ ràng một dự án đầy rẫy những hành vi vi phạm pháp luật mà nay sạch bong, cứ như một hành trình rửa tiền hoàn hảo vậy”. Nói “cứ như một hành trình rửa tiền” là bởi đây chưa thấy biểu hiện của việc rửa tiền, mà là một hành trình hoàn hảo nhằm rửa sạch những hành vi vi phạm pháp luật.

Hành trình biến “âm mưu” thành “dương mưu”!
Dự án khu biệt thự và nhà phố vườn Vạn Tuế (Ảnh: Lê Quân/Báo Thanh niên)


Câu chuyện cũng đã được các cơ quan truyền thông nêu lên lâu nay, xin được tóm tắt như sau:

Dự án Sago Palm Garden nằm trên khu đất nhà máy sản xuất gạch tuylen cũ toạ lạc tại hai xã Phụng Công, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên do Công ty Đại Hưng làm chủ đầu tư.

Mặc dù chưa được UBND tỉnh chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, chưa hoàn thiện các thủ tục pháp lý (quyết định chấp thuận đầu tư, đánh giá tác động môi trường, giấy phép xây dựng, định giá đất…) nhưng công ty vẫn ngang nhiên thi công dự án. Kết quả là hơn 200 biệt thự, nhà phố cùng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đã được xây dựng trước mắt bàn dân thiên hạ và chính quyền địa phương.

Tệ hại hơn nữa là nhiều ngôi nhà xây “chui” này đã được công ty bán ra, thu về hàng trăm tỷ đồng.

Một vấn đề được đặt ra, liệu có phải ở địa bàn cấp tỉnh, cấp huyện thì việc quản lý pháp luật trong lĩnh vực xây dựng có phần lỏng lẻo hơn ở cấp thành phố, cấp quận? Cho dù vậy thì điều này cũng không thể lý giải được khi có đến hàng trăm biệt thự và nhà phố được xây dựng lên bất hợp pháp trong một thời gian khá dài.

Rồi dư luận lên án, rồi thanh tra vào cuộc. Tháng 4/2020, Thanh tra tỉnh Hưng Yên đã công bố kết luận thanh tra toàn diện dự án Khu biệt thự và nhà phố Vườn Vạn Tuế - Sago Palm Garden, đồng thời chỉ ra hàng loạt sai phạm nghiêm trọng tại dự án.

Theo đó, tại thời điểm thanh tra (tháng 3/2020), dự án Khu biệt thự và nhà phố vườn Vạn Tuế mới chỉ được đồng ý về mặt chủ trương, Công ty Đại Hưng chưa hoàn thiện các thủ tục pháp lý dự án; chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng đã thực hiện phá dỡ toàn bộ các hạng mục của dự án “Nhà máy sản xuất gạch ngói tuynel”; tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, xây dựng phần thô hơn 200 căn biệt thự, nhà phố và một phần hạ tầng kỹ thuật, hệ thống đường giao thông, cây xanh, cấp thoát nước trong khuôn viên dự án và ký hợp đồng hợp tác đầu tư, mua bán nhà ở với khách hàng thu hơn 244 tỷ đồng.

Kết luận Thanh tra cũng nêu rõ trách nhiệm của các sở, ngành để xảy ra sai phạm, tồn tại tại dự án. Cụ thể, các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường chưa sâu sát, chưa kiên quyết xử lý khi phát hiện sai phạm của đơn vị. Sở Xây dựng tiếp nhận hồ sơ trình thẩm định chưa bảo đảm nội dung theo quy định.

UBND huyện Văn Giang, xã Phụng Công chưa sâu sát trong công tác quản lý Nhà nước về quản lý đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn, chưa có biện pháp phát hiện, ngăn chặn kịp thời vi phạm.

Một vấn đề nữa lại được đặt ra: Những ai dám liều mạng bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để đùa bỡn với pháp luật?

Chẳng là sau khi cơ quan thanh tra vào cuộc, dự án bị đình chỉ, tỉnh Hưng Yên đã “chữa lửa” bằng cách công bố danh mục dự án cần tìm nhà đầu tư đối với dự án Vườn Vạn Tuế - Sago Palm Garden. Dự án có diện tích khoảng 51.513m2, nằm trên địa bàn xã Phụng Công (huyện Văn Giang); tổng vốn đầu tư dự án hơn 927 tỷ đồng.

Khi đó, nhà đầu tư trúng đấu thầu có trách nhiệm mua lại tài sản của chủ sử dụng đất (theo hình thức thỏa thuận) và thanh toán các khoản hoàn trả ngân sách Nhà nước của chủ sử dụng đất cũ (nếu có) để thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng. Kết quả, Công ty CP Đầu tư và Phát triển đô thị TDH Ecoland (Công ty TDH Ecoland) là nhà đầu tư duy nhất đăng ký thực hiện dự án này.

Các nguồn thông tin cho hay, người đại diện pháp luật của Công ty TDH Ecoland là ông Nguyễn Công Hồng. Ông Hồng được biết còn đại diện cho hàng loạt doanh nghiệp khác, như Công ty CP đầu tư Ecopark Hải Dương; Công ty CP đầu tư môi trường Huy Hoàng Eco; Công ty CP đầu tư và phát triển KCN Ecoland… Đáng chú ý, ông Nguyễn Công Huy, vị Chủ tịch HĐQT hiện tại của Công ty Đại Hưng có tuổi đời còn khá trẻ khi sinh năm 1990, là con trai ông Nguyễn Công Hồng.

Như vậy, bản chất sự việc đã được hé lộ, từ một dự án đầy “âm mưu”, có thể hiểu là mọi mưu tính đều diễn ra trong bóng tối, thì nay đã biến thành “dương mưu” hoàn toàn trong sáng, nằm trong khuôn khổ của pháp luật, cho cả tỉnh Hưng Yên lẫn nhà đầu tư là Công ty TDH Ecoland.

Câu chuyện đến đây chưa kết thúc, bởi lẽ còn nhiều câu hỏi đang bỏ ngỏ: Liệu các cơ quan pháp luật có bỏ qua “một hành trình hoàn hảo nhằm rửa sạch những hành vi vi phạm pháp luật” như trong trường hợp này? Những thiệt hại cho ngân sách Nhà nước trong dự án này liệu có được thu hồi đầy đủ? Việc để những sai phạm lớn như vậy trong lĩnh vực quản lý đất đai và xây dựng tại Hưng Yên có được chấn chỉnh và rút ra những bài học sâu sắc…

Hy vọng rằng, vụ việc sẽ được các cơ quan có trách nhiệm của tỉnh Hưng Yên có những lời giải đáp thỏa đáng./.

Nguồn: Hành trình biến “âm mưu” thành “dương mưu”!

Nguyễn Hoàng Linh

reatimes.vn