Hào khí Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9 bất diệt!

06:05 | 19/08/2021

|
Cách đây 76 năm, vào tháng 8-1945, Đảng ta đã lãnh đạo toàn dân vùng lên đập tan xiềng xích của chế độ thực dân phong kiến và giành lại nền độc lập cho dân tộc. Từ cuộc cách mạng vĩ đại đó, ngày 2-9-1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời đã đem lại cuộc đời mới tươi sáng cho nhân dân Việt Nam.
undefined
Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra kỷ nguyên mới cho lịch sử dân tộc. Ảnh: Tư liệu

Hào khí những ngày Thu lịch sử

Chiến thắng của phe Đồng minh trước phe phát xít trong năm 1945 đã tạo thời cơ để Việt Nam giành độc lập. Tuy nhiên, cần có sự chuẩn bị từ trước thì mới có đủ lực lượng để đón nhận thời cơ này. Trong 15 năm lãnh đạo cách mạng Việt Nam (1930-1945), Đảng ta đã tích cực chuẩn bị, xây dựng lực lượng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động giác ngộ cách mạng trong nhân dân.

Đặc biệt, tháng 5-1941, Đảng ta đã thành lập Việt Nam Độc lập Đồng minh (gọi tắt là Việt Minh) nhằm liên hiệp sức mạnh toàn dân tộc trong sự nghiệp giải phóng dân tộc. Tháng 10-1944, trong Thư gửi đồng bào toàn quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Phe xâm lược gần đến ngày bị tiêu diệt. Các Ðồng minh quốc sắp tranh được sự thắng lợi cuối cùng. Cơ hội cho dân tộc ta giải phóng chỉ ở trong một năm hoặc năm rưỡi nữa. Thời gian rất gấp. Ta phải làm nhanh”(1).

Bởi vậy, ngày 15-4-1945, Đảng ta hợp nhất Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân với Cứu quốc quân thành Việt Nam Giải phóng quân. Tháng 6-1945, Đảng ta quyết định thành lập Khu giải phóng Việt Bắc với vị thế căn cứ địa cách mạng của cả nước.

Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào từ ngày 13 đến ngày 15-8-1945 đã quyết định phát động Tổng khởi nghĩa trong cả nước, giành lấy chính quyền trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương. Đêm ngày 13-8-1945, Ủy ban Khởi nghĩa đã ra Quân lệnh số 1 chỉ rõ quân Nhật đã tan rã trên khắp mặt trận chính là cơ hội cho cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên toàn quốc: “Giờ Tổng khởi nghĩa đã đến! Cơ hội có một cho quân, dân Việt Nam cùng giành lấy quyền độc lập của nước nhà... Chúng ta phải hành động nhanh với một tinh thần vô cùng quả cảm, vô cùng thận trọng!... Cuộc thắng lợi hoàn toàn nhất định sẽ về ta!”.

Ngay sau khi nước Nhật đầu hàng Đồng minh vào ngày 15-8-1945, Quốc dân Đại hội họp tại Tân Trào trong hai ngày 16 và 17-8-1945 đã tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng. Trong Thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa (18-8-1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Hỡi đồng bào yêu quý! Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”(2).

Với 5.000 đảng viên, Đảng ta đã lãnh đạo toàn dân tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, lật nhào sự áp bức, bóc lột của chế độ thực dân đế quốc và phong kiến. Trong đó, Hà Nội, Sài Gòn, Huế là ba vùng trọng điểm quyết định sự thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Sáng ngày 19-8-1945, hàng chục vạn nhân dân ở Hà Nội và các tỉnh lân cận kéo về quảng trường Nhà hát Lớn và sau đó chiếm Phủ khâm sứ Bắc kỳ, Trại lính Bảo an của Nhật và các cơ sở của chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim. Trước sức mạnh của cách mạng, Nhật phải công nhận Việt Minh là đại diện của Việt Nam. Việc này được xác nhận bởi bức điện văn của Đại sứ Nhật gửi về Tokyo: “Chiều ngày 19, Đại sứ đã “được mời” đến dự cuộc gặp với các lãnh đạo Việt Minh và đã tham gia bàn bạc với những người đó, được coi như là các nhà chức trách chính thức”(3). Trước đó, Khâm sai triều đình Huế, Phan Kế Toại ở Bắc kỳ cũng đã ủng hộ Việt Minh. Vào ngày 17-8-1945, ông đã dặn quan, lính của mình tuyệt đối không được nổ súng và phải mở cửa ngay khi quân cách mạng tiến vào. Nhờ đó, Việt Minh cướp chính quyền không phải nổ súng và đổ máu.

Ở Sài Gòn, sau cuộc thương lượng ngày 19-8-1945 tại Hà Nội với Việt Minh thì vào ngày 22-8-1945, Bộ chỉ huy quân đội Nhật chỉ thị cho Thống chế Terauchi tuyên bố quân Nhật không can thiệp nếu Việt Minh giành chính quyền. Bên cạnh đó, đến tháng 8-1945, tại Sài Gòn, qua đồng chí Huỳnh Văn Vàng, đảng viên được cài vào trong tổ chức cảnh sát nên Đảng nắm được phần lớn cảnh sát ở thành phố. Do đó, ngày 25-8-1945, Việt Minh đã giành được chính quyền tại Sài Gòn.

Tại Huế, sau khi đảo chính Pháp, Nhật có đến 4.500 quân thiện chiến, vũ khí hậu cần đầy đủ do tướng Yokoyama Masayuki chỉ huy sẵn sàng đàn áp cách mạng. Tuy nhiên, ngày 23-8-1945, chính quyền ở Huế đã về tay nhân dân. Bởi lẽ, tại thời điểm đó, Việt Minh ở Huế đã lôi kéo được một số nhân sĩ yêu nước của “Hội Tân Việt Nam” (một tổ chức thân Nhật), lực lượng thanh niên Phan Anh, lính khố vàng, lính bảo an cùng hàng chục vạn nhân dân để tiến tới tổng khởi nghĩa. Do đó, trước sức mạnh của quần chúng, vua Bảo Đại giải tán nội các Trần Trọng Kim vào ngày 25-8-1945 và chấp nhận thoái vị vào ngày 30-8-1945.

Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ lâm thời đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Tinh thần Cách mạng Tháng Tám bất diệt!

Sau này, nói về mục đích của Cách mạng Tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Mục đích Cách mạng Tháng Tám là gì? Là giành lại hòa bình, thống nhất, độc lập và dân chủ cho Tổ quốc ta, cho nhân dân ta.

Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 2 tháng 9 nước ta tuyên bố độc lập. Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Tổng tuyển cử tự do được tổ chức, nhân dân toàn quốc ta đã bầu ra Quốc hội.

Quốc hội thông qua Hiến pháp và bầu ra Chính phủ Trung ương. Chính quyền địa phương từ xã đến tỉnh đều do nhân dân cử ra. Thế là lúc đó chúng ta đã bắt đầu thực hiện thống nhất, độc lập và dân chủ”(4).

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã nói rõ về ý nghĩa vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám: “Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công. Đó là thắng lợi đầu tiên của Chủ nghĩa Mác-Lênin ở một nước thuộc địa nửa phong kiến”(5). Người nhận định: “Thắng lợi ấy đã đưa dân tộc Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội”(6). Do đó, Người khẳng định: “Đó là một cuộc thay đổi cực kỳ to lớn trong lịch sử của nước ta”(7).

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận định: “Cách mạng Tháng Tám có ảnh hưởng trực tiếp và rất to đến hai dân tộc bạn là Miên và Lào. Cách mạng Tháng Tám thành công, nhân dân hai nước Miên, Lào cùng nổi lên chống đế quốc và đòi độc lập”(8).

Trong cuốn “Thế giới bàn về Việt Nam”, học giả nước Anh Thomas Hodgkin đánh giá, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam là một sự kiện “quan trọng nhất trong lịch sử thế giới từ sau Cách mạng Tháng Mười Nga”(9). Thomas Hodgkin đã viết rằng: “Đó là một cuộc cách mạng do Đảng Cộng sản lãnh đạo, một Đảng chỉ mới ra đời được 15 năm. Đó là cuộc cách mạng đầu tiên thành công trong việc lật đổ chính quyền của chế độ thuộc địa...

Như vậy, cuộc Cách mạng Tháng Tám đã đánh dấu sự bắt đầu của một thời kỳ mới, nó vạch đường ranh giới của thời đại thực dân bắt đầu nhường chỗ cho thời đại phi thực dân hóa”(10).

Bên cạnh đó, Tuyên ngôn Độc lập (2-9-1945) với tuyên bố “tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do” cũng báo hiệu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân trên toàn thế giới. Giáo sư người Nhật Bản Singo Sibata đã nhấn mạnh, Bản Tuyên ngôn Độc lập đã “phát triển quyền lợi của con người thành quyền lợi của dân tộc”.

-———

1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 3, Nhà xuất bản (Nxb) Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 505-506.

2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 3, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 596.

3. Dẫn lại theo Lê Trọng Nghĩa, “Các Ủy ban nhân dân cách mạng ra mắt ở Hà Nội sau Khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám”, in trong: Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, “19-8: Cách mạng là sáng tạo”, Hà Nội, 1995, tr. 94.

4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 7, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 337.

5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 544.

6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 629.

7. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 160.

8. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 160.

9. Thomas Hodgkin, “Thế giới bàn về Việt Nam”, tập 2, Viện Thông tin Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1976. tr. 224.

10. Thomas Hodgkin, “Thế giới bàn về Việt Nam”, tập 2, Viện Thông tin Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1976. tr. 224.

Nguồn: Hào khí Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9 bất diệt!

Nguyễn Văn Toàn

Báo Biên phòng