Hình ảnh Trường Sa đến với trẻ em vùng cao Nà Hẩu

06:14 | 02/06/2021

|
Nếu được hỏi Trường Sa ở đâu? Ai cũng sẽ dễ dàng có câu trả lời: Trường Sa nằm trên Biển Đông, là đảo nổi, đảo chìm giữa bốn bề sóng nước. Nhưng trong mọi trái tim người Việt Nam, ở đâu là lãnh thổ Việt Nam, ở đó có Trường Sa. Trên đỉnh Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái cũng có bóng hình Trường Sa đang hiện hữu.

Biển, đảo, Trường Sa, Hoàng Sa... với những đứa trẻ vùng cao Nà Hẩu thì xa lắm, nhưng với Giàng A Chúa, học sinh lớp 8 của Trường Tiểu học và THCS Nà Hẩu thì 7 năm nay, mỗi sáng thứ hai đầu tuần, đứng trước mô hình cột mốc chủ quyền Trường Sa trên sân trường với lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới để làm lễ chào cờ như một sự ghi dấu đậm nét “Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam”. “Em ước mơ sau này lớn lên sẽ được làm bộ đội ở đảo Trường Sa!”, Giàng A Chúa hào hứng nói.
Mô hình cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa được xây dựng từ mong muốn đưa Trường Sa, biển, đảo về gần hơn với người dân đồng bào Mông ở Nà Hẩu, UBND tỉnh Yên Bái giao nhiệm vụ này cho Báo Yên Bái triển khai thực hiện. Hơn một tháng sau khi ý tưởng ra đời, rất nhiều công việc được gấp rút chuẩn bị, như: Quyên góp, khảo sát, xây dựng... mô hình cột mốc chủ quyền Trường Sa đã được khánh thành vào đúng ngày khai giảng năm học mới 2014-2015, trong khuôn viên ngôi trường liên cấp Mầm non, Tiểu học và THCS Nà Hẩu. Trẻ em dân tộc Mông, bấy lâu chân quen đường núi, quanh năm thấy mây mù, lần đầu tận mắt nhìn thấy cột mốc chủ quyền Trường Sa, đứa nào cũng háo hức ngắm nhìn, vừa lạ, vừa quen. Cô Phạm Thị Thanh, Hiệu trưởng Trường Mầm non Nà Hẩu cho biết, năm 2020 Trường Tiểu học và THCS Nà Hẩu chuyển sang cơ sở mới, cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa giờ thuộc khuôn viên của Trường Mầm non Nà Hẩu. Nhưng cột mốc vẫn là điểm kết nối hai trường với nhau. Lễ chào cờ sáng thứ hai hằng tuần, hay những buổi sinh hoạt ngoại khóa tìm hiểu về biển, đảo Tổ quốc, các em lại trở về sân trường, vui đùa dưới chân cột mốc.

Hình ảnh Trường Sa đến với trẻ em vùng cao Nà HẩuCô trò Trường Tiểu học và THCS Nà Hẩu cùng đại diện một số đơn vị quân đội trong Chương trình “Chúng em yêu Trường Sa”

Lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong nắng sớm trên vùng cao Nà Hẩu. Cô giáo Vũ Thị Nhung, Trường Mầm non Nà Hẩu cùng học trò quây quần bên cột cờ chủ quyền Trường Sa và kể chuyện về biển, đảo, về những người lính nơi đầu sóng, ngọn gió. Cô cho hay: “Tình yêu với biển, đảo quê hương của thầy, cô giáo và các em học sinh ngày càng được bồi đắp từ khi mô hình cột mốc Trường Sa được dựng lên. Sự hiện diện của cột mốc chủ quyền đã khiến đảo Trường Sa thật gần gũi, thân thuộc. Tất cả những cảm xúc ấy, tôi luôn truyền tới học sinh của mình qua mọi hình thức, như: Kể truyện, vẽ tranh, tập hát, đọc thơ... về chủ đề Trường Sa, biển, đảo để các em thêm hiểu và thêm yêu Trường Sa, yêu biển, đảo Tổ quốc mình”.
Những ngày gần kề kết thúc năm học 2020-2021, Nhóm thiện nguyện Sa Mộc gồm các nhà báo và sinh viên các trường đại học, nhà hảo tâm của Hà Nội đã tổ chức chương trình Vui đến trường mang chủ đề “Chúng em yêu Trường Sa”, tổ chức tại Trường Mầm non Nà Hẩu. Chương trình đã mang tặng những món quà cho học sinh 3 trường nơi đây, như: Đồng phục, đồ dùng học tập, giày dép, khẩu trang y tế, nước sát khuẩn, chăn màn... Cùng với đó, các em học sinh còn thích thú áp lên tai vỏ những con ốc biển như có tiếng gió, tiếng sóng biển, ngắm những bức ảnh chụp các chú bộ đội và nhân dân đang sống và làm việc ở Trường Sa; hình ảnh các bạn học sinh ở đảo tung tăng đến trường, vui đùa, hay hình ảnh các bức thư của học sinh khắp cả nước viết gửi cho quân và dân ngoài đảo... được các nhà báo từng đi công tác ở Trường Sa ghi lại, mang về và tặng thầy, cô giáo và học sinh nhà trường. Đặc biệt, nhóm Sa Mộc đã chuyển nhà trường lá cờ Tổ quốc-món quà đầy ý nghĩa của cán bộ, chiến sĩ ngoài đảo xa gửi tặng./.

Nguồn;

Hình ảnh Trường Sa đến với trẻ em vùng cao Nà Hẩu (vietnam.vn)

QĐND