Cà Mau:

Ði biển mùa dịch

10:27 | 15/10/2021

|
Ngày chúng tôi đến một số cửa biển trên địa huyện U Minh, thời điểm cuối tháng 8 âm lịch, tính ra còn 4 tháng nữa là hết một năm, nhưng vì dịch Covid-19, giá cả đầu ra, chuyện tìm bạn biển, chi phí… tất cả như ghìm chân những chuyến tàu vươn khơi. Ðằng sau câu chuyện này còn rất nhiều nỗi lo đối với ngư dân.

Nỗi lòng ngư dân

Xã Khánh Tiến, huyện U Minh có 4 cửa biển (Hương Mai, Lung Ranh, Rạch Dinh và Tiểu Dừa), bờ biển dài 17,2 km, với 446 hộ sống bằng nghề biển. Chúng tôi đến thăm, tìm hiểu đời sống bà con ở cửa biển Hương Mai, 1 trong 4 cửa biển lớn của xã, nơi có lượng ngư dân sinh sống, đánh bắt khá đông. Ðiều chúng tôi ghi nhận được là sự bất an của ngư dân khi tàu nằm bờ thời gian dài thì đứt đường thu nhập, nhưng ra khơi chỉ có lỗ, đến huề vốn.

Chúng tôi đến nhà anh Cao Thanh Thi, Ấp 7, xã Khánh Tiến khi anh còn ở trong căn nhà tạm ven đê để tiện việc trông coi chiếc ghe biển của gia đình. Anh Thi bắt đầu nghề biển từ năm 1995, khi dành dụm được số vốn trên 50 triệu đồng. Năm 2004, anh Thi mua được chiếc ghe câu mực mưu sinh đến nay. Do không có đất sản xuất, với anh chiếc tàu là tài sản có giá trị nhất, đồng thời là nguồn thu nhập chính của gia đình.

Anh Thi cho biết: “Hơn 20 năm đi biển, chưa thấy năm nào khổ như năm nay, bởi đã qua 8 tháng, năm cũ sắp hết mà ghe nhà tôi chỉ mới đi được một chuyến đánh bắt 5 ngày trên biển, trừ chi phí dầu, trả tiền thuê bạn biển, còn tiền lời trong tay chỉ hơn 3 triệu đồng… Ðây cũng là số tiền thu được hơn 8 tháng nay từ nghề mà tôi gắn bó trong thời gian dài”.

Tương tự hoàn cảnh anh Thi, từ huyện Phú Tân, ông Trần Thanh Hà chuyển về Ấp 8, xã Khánh Tiến sinh sống năm 2006. Về đây, ông Hà mua đất vuông nuôi tôm. Cách đây 4 tháng, ông Hà dồn hết số tiền tiết kiệm được mua ghe biển cũ trên 30 triệu đồng, từ đó đến nay do dịch bệnh, biển động, giá cả bấp bênh, ông Hà chỉ mới đi biển được 6 lần, trừ hết chi phí còn lãi chưa tới 3 triệu đồng.

Ông Hà cho biết: “Ghe mới thì đắt quá, mua không nổi, mua ghe cũ cho đỡ phí nhưng nó hay trở chứng, hư hỏng, phải thay, sửa liên miên. Ðánh bắt khó khăn vì nguồn hải sản khan hiếm, giá cả bấp bênh, chi phí thì tăng, tình hình này kéo dài, ngư dân khổ lắm”.

Ði biển mùa dịch
Ông Trần Thanh Hà đầu tư khoảng 30 triệu đồng mua và sửa ghe cũ, hơn 4 tháng nay chỉ đi biển được 6 đêm, trừ hết chi phí còn lãi chưa tới 3 triệu đồng.

Chúng tôi tiếp tục đến thăm bà con khu tái định cư vàm kênh Hương Mai, hiện có 97 hộ dân đang sinh sống, nơi đây có nhiều hộ làm nghề biển và cũng đang đối mặt với khó khăn như anh Thi, ông Hà.

Bà Lê Thị Lực cho biết: "Gia đình đi biển trên 20 năm, chồng tôi (ông Võ Văn Nhu), năm nay 75 tuổi nhưng vẫn phải cùng các con đi biển. Thời điểm này khó thuê bạn vì thuê giá thấp bạn biển không đi. Trước đây hải sản nhiều, chi phí thấp, chia lợi nhuận bạn đi biển được tầm 10 triệu đồng/chuyến ra khơi, nhưng nay lượng hải sản đánh bắt ngày càng ít, chi phí dầu, ăn uống, sinh hoạt đều tăng; hải sản thì giảm gần nửa giá so trước đây… nên phải tận dụng tối đa nhân lực trong gia đình đi biển. Tính nát nước nhưng làm vẫn không có ăn, tiền vay bạc góp để mua ghe, với hy vọng vươn lên, nhưng mấy năm nay đi biển quá khó khăn, nợ lại chồng nợ. Chúng tôi rất cần sự chia sẻ để giảm bớt khó khăn ở thời điểm này”.

Ðó là những lời trần tình của rất nhiều bà con ngư dân đang sinh sống tại các cửa biển trên địa bàn huyện U Minh nói riêng, các cửa biển trong tỉnh nói chung. Họ rất cần sự trợ lực từ nhiều phía để tiếp thêm động lực vươn khơi, bám biển.

Chia sẻ cùng ngư dân

Huyện U Minh có bờ biển dài 31 km, ngư trường rộng 20.000 km, với 888 phương tiện đánh bắt thuỷ hải sản lớn, nhỏ; trong đó có khoảng 50% phương tiện công suất lớn, trang thiết bị hiện đại, có thể đánh bắt xa bờ, hàng năm sản lượng đạt trên dưới 30.000 tấn hải sản các loại.

Bà Trần Hồng Ửng, Trưởng phòng NN&PTNT huyện U Minh, cho biết, dịch Covid-19 ảnh hưởng đến mọi hoạt động của người dân nói chung, người dân sống bằng nghề biển nói riêng. Thể hiện rõ nhất là tác động về mặt giá hải sản, giảm từ 30-50%; chi phí mọi thứ đều tăng; việc thuê bạn đi biển gặp khó khi phải thực hiện các thủ tục test Covid-19, thực hiện cách ly y tế sau chuyến biển và lợi nhuận chia sau mỗi chuyến biển thấp, bạn biển không thiết tha tìm việc… dẫn đến ngư dân gặp nhiều khó khăn.

Ông Lâm Văn Vốn, Phó chủ tịch UBND xã Khánh Tiến, cho biết, xã có 4 cửa biển với 446 ghe biển lớn, nhỏ đánh bắt thuỷ hải sản. Ghi nhận từ phản ánh của bà con, bao đời bám biển, nhưng lúc này họ rất sợ ra biển, bởi đi thì lỗ, nhưng ở nhà cũng không yên, vì nguồn thu nhập chính, nuôi sống họ từ nghề biển. Trước thực tế đó, địa phương vận động bà con cố gắng vượt qua giai đoạn khó khăn này, đồng thời rà soát hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội… chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đến thời điểm này là 1.190 hộ. Từ đó kịp thời thực hiện các chính sách theo quy định của Nhà nước, giúp bà con phần nào giảm bớt khó khăn.

Xã Khánh Hội có 548 phương tiện đánh bắt gần bờ, xa bờ của khoảng 500 hộ dân sinh sống bằng nghề biển, sản lượng hàng năm đạt 20.000-25.000 tấn. Tuy nhiên, thời gian gần đây, điều bà con lo ngại nhất là sản lượng hải sản ngày càng giảm, giá đầu ra cũng giảm mạnh, trong khi đó, chi phí phát sinh cho mỗi chuyến biển tăng, nguy cơ lỗ vốn rất cao…

Ông Châu Minh Ðảm, Chủ tịch UBND xã Khánh Hội, thông tin: “Thấy được những khó khăn trên, địa phương đã tạo điều kiện cho các tàu vận tải ra khơi thu mua hải sản, để thu mua kịp thời lượng hải sản bà con vừa đánh bắt được nhằm giữ chất lượng hải sản, nâng cao giá trị. Bên cạnh đó, địa phương cũng tranh thủ các nguồn vốn, chính sách hỗ trợ ngư dân, hộ nghèo có vốn đầu tư phát triển sản xuất, giúp họ an tâm, vươn khơi bám biển”.

Bà Trần Hồng Ửng cho biết thêm: “Trước mắt, huyện U Minh khuyến khích, tạo điều kiện để các doanh nghiệp thu mua hải sản, xe tải hàng hoá hoạt động, vận chuyển (tuân thủ các quy định 5K) nhằm đảm bảo việc thu mua kịp thời hải sản của ngư dân, tránh tồn đọng, dẫn đến mất giá. Ðề xuất các giải pháp khôi phục nguồn lợi thuỷ sản, xử lý mạnh tay đối với các hình thức khai thác thuỷ sản mang tính huỷ diệt; phía ngân hàng tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng ngư dân vươn khơi; quản lý lực lượng lao động đi biển, có chế độ ràng buộc, cam kết bạn đi biển để tránh việc ứng tiền trước rồi bỏ trốn, gây thất thoát cho chủ tàu... Qua đó, giảm bớt gánh nặng cho bà con trong giai đoạn khó khăn như hiện nay, đồng thời trợ sức để bà con bám biển, góp sức đưa ngành kinh tế biển trên địa bàn huyện U Minh nói riêng, tỉnh Cà Mau nói chung phát triển bền vững trong thời gian tới”./.

Nguồn: Ði biển mùa dịch

Loan Phương

baocamau.com.vn