Lai Châu: Nâng cao hiệu quả công tác xóa mù chữ

07:15 | 18/10/2021

|
Những năm qua, các lớp học xóa mù với râm ran tiếng đọc chữ đã không còn xa lạ ở các bản vùng cao ở Lai Châu. Những lớp học đó là tâm huyết với nghề của các thầy cô giáo - họ đang nỗ lực hiện thực hóa khát khao biết chữ của mỗi người dân thiệt thòi chưa được đi học, chưa được biết chữ. Ở huyện Mường Tè, công tác xóa mù chữ (XMC) đã phát huy hiệu quả, “con” chữ đã giúp người dân tiếp nhận chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và học hỏi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và tự tin hơn trong giao tiếp.

Như thường lệ, từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần khi màn đêm buông xuống, các học viên của lớp XMC tại bản Nậm Xả (xã Bum Tở, huyện Mường Tè) lại tạm gác công việc để tham gia lớp học chữ tại điểm trường. Điểm chung của tất cả học viên đều là lao động chính trong gia đình. Ban ngày họ phải lao động sản xuất, buổi tối lại cùng nhau tranh thủ tới lớp để học “con” chữ. Những bàn tay cứng cáp thường ngày quen với cái cuốc, cái cày nay cầm bút cũng dần mềm mại với những nét chữ rõ ràng, ngay ngắn. Hạnh phúc của các học viên không chỉ là tự tay viết được những dòng chữ, làm những bài toán mà còn hơn thế, khi về nhà họ có thể cùng các con học bài, trả lời những câu hỏi của con.

Lai Châu: Nâng cao hiệu quả công tác xóa mù chữ
Lớp học xóa mù chữ tại bản Nậm Xả, xã Bum Tở (huyện Mường Tè).

Không biết “vô tình hay hữu ý” mà hôm nay lớp XMC tại điểm bản Nậm Xả với một sắc đỏ tươi tắn khi các học viên đều mặc những bộ trang phục truyền thống của dân tộc La Hủ. Hình ảnh những học viên có độ tuổi từ ngoài 20 đến 60 tuổi đang chăm chú học bài đã giúp chúng tôi cảm nhận được mong muốn được học chữ của bà con. Trong giờ giải lao, chị Ly Nhù De vui vẻ chia sẻ: “Trước đây, do cuộc sống khó khăn, bố mẹ không có điều kiện cho đi học nên mình không biết chữ. Đến khi lấy chồng sinh được 2 con, giờ các con đã đi học tiểu học và mầm non hết rồi, về nhà các con hỏi chữ, hỏi số mình đều không biết. Vừa qua, được cán bộ và các thầy cô giáo tổ chức mở lớp xóa mù tại bản và vận động người dân đi học, mình đã đăng ký tham gia lớp học. Được sự dạy bảo tận tình của các thầy cô, giờ mình đã biết đọc, biết viết, biết làm những phép toán, về nhà có thể cùng con học bài, trả lời con chữ này là chữ gì. Biết chữ mình có thể đọc được, hiểu được những tài liệu của cán bộ nông nghiệp đến bản tuyên truyền hướng dẫn bà con phát triển sản xuất để áp dụng vào phát triển kinh tế gia đình. Mình cảm ơn Đảng, Nhà nước và các thầy cô giáo nhiều lắm”.

Niềm vui biết chữ của chị Ly Nhù De là niềm vui chung của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số của huyện Mường Tè nhờ những nỗ lực duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập, XMC của ngành Giáo dục huyện. Ông Tống Thanh Sơn - Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Mường Tè cho biết: Huyện có 13 xã và 1 thị trấn với 10 dân tộc cùng sinh sống, trong đó có những dân tộc đặc biệt như: La Hủ, Mảng, tỷ lệ người dân không biết chữ cao. Xác định mục tiêu nâng cao tỷ lệ người dân biết chữ song hành với nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của huyện, những năm qua, công tác XMC nhận được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với nhiều giải pháp cụ thể.

Theo đó, ngành GD&ĐT huyện phối hợp với cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn tiến hành điều tra, rà soát, đánh giá đúng thực trạng số người không biết chữ, tái mù chữ theo quy định. Xây dựng kế hoạch tổ chức các lớp học XMC phù hợp với tập quán sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số. Phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể, già làng, trưởng bản, dòng họ trong việc vận động người mù chữ ra lớp học. Tăng cường giáo viên chuyên trách XMC cho các xã có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn. Đồng thời, tổ chức bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, giáo viên trong và ngoài ngành Giáo dục tham gia dạy XMC. Cùng với đó, đề nghị các cấp, các ngành tham gia với ngành Giáo dục thực hiện các biện pháp củng cố kết quả biết chữ, hạn chế tái mù chữ như: tăng cường hoạt động của các thư viện xã, tổ chức các lớp học nghề truyền thống; lớp học chuyên đề về y tế, văn hóa, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nghề ngắn hạn... cho những người mới biết chữ.

Trong thời gian qua, Phòng GD&ĐT huyện Mường Tè đã mở 87 lớp XMC cho 1.688 học viên và 27 lớp giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ cho 443 học viên, qua đó, góp phần nâng cao tỷ lệ người dân biết chữ trong các độ tuổi. Tính đến hết năm 2020, huyện Mường Tè đạt chuẩn phổ cập XMC mức độ 1, trong đó có 9/14 xã, thị trấn đạt chuẩn XMC mức độ 2. Tỷ lệ người dân trong độ tuổi từ 15-60 tuổi biết chữ mức độ 1 đạt gần 92%. Đây là kết quả rất đáng khích lệ từ những nỗ lực thực hiện hiệu quả công tác XMC. Học viên tốt nghiệp lớp này đã tự tin hơn trong cuộc sống, tự mình giải quyết các thủ tục hành chính khi có nhu cầu và tích cực triển khai thực hiện các định hướng phát triển kinh tế mới. Qua đó, góp phần nâng cao trình độ dân trí cho người dân, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, tạo đà cho công cuộc phát triển kinh tế-xã hội trên mảnh đất thượng nguồn sông Đà.

Nguồn: Nâng cao hiệu quả công tác xóa mù chữ

Hà Dũng

baolaichau.vn