Lào Cai phấn đấu đứng trong TOP 10 tỉnh thành của cả nước

21:29 | 09/03/2023

|
Với 25 dân tộc cùng sinh sống, Lào Cai là mảnh đất phía Tây Bắc tổ quốc phong phú về bản sắc văn hóa, về truyền thống lịch sử, di sản văn hóa.
Chiêm ngưỡng mai anh đào ở Sa PaChiêm ngưỡng mai anh đào ở Sa Pa
Những hệ sinh thái du lịch đánh thức “giấc mơ dài”Những hệ sinh thái du lịch đánh thức “giấc mơ dài”

Lào Cai có 9 đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc, bao gồm 1 thành phố, 1 thị xã và 7 huyện với 152 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 16 phường, 9 thị trấn và 127 xã.

Tuy là tỉnh vùng núi cao biên giới, nhưng Lào Cai là một trong những tỉnh liên tục đứng ở vị trí tốp đầu về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) trong bảng xếp hạng những năm gần đây, năm 2011 đứng đầu cả nước. PCI là chỉ số đánh giá và xếp hạng chính quyền các tỉnh, thành của Việt Nam về chất lượng điều hành kinh tế và xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho việc phát triển doanh nghiệp dân doanh.

Từ một trong những tỉnh nghèo nhất nước, Lào Cai đã và đang nỗ lực vươn lên trở thành tỉnh đứng tốp đầu của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ. Lào Cai đã và đang trở thành cực tăng trưởng; các lĩnh vực trọng tâm đều được khai thác đồng bộ, hiệu quả: Nông - lâm nghiệp đang hướng tới sản xuất hàng hóa; công nghiệp được chế biến sâu; là 1 trong 8 khu kinh tế cửa khẩu trọng tâm của cả nước; Khu du lịch Sa Pa trở thành khu du lịch quốc gia mang tầm quốc tế…

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc và lực lượng vũ trang Lào Cai đã quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới được nêu trong Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI. Lào Cai đã có những bước đi vững chắc, đặc biệt đội ngũ cán bộ của tỉnh đã phát huy tốt tinh thần đoàn kết, thống nhất, sáng tạo lãnh đạo, chỉ đạo đưa tỉnh Lào Cai phát triển như hôm nay.

Lào Cai phấn đấu đứng trong TOP 10 tỉnh thành của cả nước
Xây dựng văn hóa, con người Lào Cai phát triển toàn diện, bền vững

Lào Cai là tỉnh miền núi, nằm giữa vùng Đông Bắc và vùng Tây Bắc, nên phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững có vị trí, vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc.

Do những đặc thù về đất đai, khí hậu mà Lào Cai có tiềm năng phát triển nhiều loại cây trồng, vật nuôi khác nhau. Khu vực vùng cao phù hợp với các loại cây trồng ôn đới như đào, lê, mận, dược liệu, nuôi cá nước lạnh... Khu vực vùng thấp lại thích hợp để tổ chức sản xuất tập trung phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu như quế, chè, chuối, dứa, phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm…

Thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt tại Quyết định số 150 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Lào Cai đặt mục tiêu đến năm 2025: Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản bình quân đạt trên 5%/năm; Giá trị sản phẩm/01 ha đất canh tác bình quân đạt trên 100 triệu đồng; Tỷ lệ che phủ rừng duy trì ổn định ở mức 60%; Có 94/127 xã đạt chuẩn nông thôn mới, thu nhập của cư dân nông thôn đạt 40 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều ở nông thôn giảm bình quân 3-5%/năm.

Năm 2022 vừa qua, với phương châm thích ứng linh hoạt, ngành Nông nghiệp Lào Cai tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án, các Kế hoạch phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững. Do vậy đã góp phần đưa tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 4,47%; Cơ cấu ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 13,97%; Giá trị sản phẩm/1 ha canh tác đạt 90 triệu đồng. Các cây trồng chủ lực được đầu tư theo chiều sâu, sản xuất theo các quy trình an toàn, hữu cơ, xây dựng thương hiệu, xây dựng mã số vùng trồng và phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc đã góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế và sức cạnh tranh cho các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành được vùng cây trồng hàng hóa như: cây chè đạt trên 7.300ha, sản lượng đạt 39.155 tấn; cây dược liệu trên 3.500 ha, sản lượng đạt 18.161 tấn; cây chuối đạt trên 3.100 ha, tổng sản lượng thu hoạch đạt 61.318 tấn; cây dứa đạt trên 2.000 ha, sản lượng đạt 35.634 tấn; cây quế đạt trên 56.100 ha, trong đó vùng quế tập trung đạt trên 50.000 ha...

Toàn tỉnh có 125 chuỗi nông sản an toàn được xác nhận. Tổng diện tích sản xuất an toàn theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn về chất lượng, ATTP là: 667 ha đạt tiêu chuẩn VietGAP (trong đó: 130 ha chè, 215 ha chuối, 10 ha dứa, 212 ha quýt, 100 ha rau); 210,2 ha dược liệu đạt tiêu chuẩn GACP-WHO; gần 4.200 ha đạt tiêu chuẩn hữu cơ (trong đó: 3.500 ha quế; 696 ha chè) cấp 15 mã số vùng trồng và 9 cơ sở đóng gói cho các vùng sản xuất.

Chăn nuôi phát triển ổn định, cơ cấu đàn vật nuôi chuyển dịch theo hướng ổn định gia súc lớn, tăng tỷ trọng gia súc nhỏ, gia cầm nhằm đáp ứng cơ bản các loại thực phẩm thiết yếu cho tiêu dùng. Hết năm 2022, tổng đàn gia súc đạt 601.500 con; tổng đàn gia cầm chủ yếu (gà, vịt, ngan) 5.060 nghìn con; sản lượng thịt hơi các loại 69.500 tấn. Công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng; chế biến và thương mại lâm sản được quan tâm; Công tác bảo vệ rừng, PCCCR được các địa phương triển khai nghiêm túc hiệu quả, năm 2022 không xảy ra cháy rừng; số vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp giảm 33%. Diện tích rừng được bảo vệ tốt, tỷ lệ che phủ rừng đạt 57,7% (tăng 0,7% so với năm 2021). Công tác quản lý chất lượng nông lâm thủy sản và vật tư nông nghiệp được quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, nhất là trong việc thực hiện các chương trình giám sát ATTP.

Lào Cai phấn đấu đứng trong TOP 10 tỉnh thành của cả nước
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Giàng Thị Dung chào đón đoàn công tác Vùng Nouvelle Aquitaine - Cộng hòa Phápsang thăm và làm việc tại Lào Cai. https://kinhtexaydung.petrotimes.vn

Cơ sở hạ tầng nông thôn Lào Cai từng bước được đồng bộ, 100% số xã có đường nhựa hoặc bê tông đến trung tâm xã; hệ thống các công trình thủy lợi, điện nông thôn từng bước được quan tâm đầu tư; vệ sinh môi trường nông thôn từng bước được cải tạo. An ninh, trật tự, an toàn xã hội khu vực nông thôn cơ bản được giữ vững. Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được triển khai rộng khắp, trở thành phong trào sâu rộng, có sức lan tỏa trên địa bàn các huyện, thành phố, bước đầu đã nâng cao giá trị sản xuất của các tổ chức cá nhân tham gia sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Toàn tỉnh có 170 sản phẩm OCOP với 27 sản phẩm OCOP 4 sao và 143 sản phẩm OCOP 3 sao. Các sản phẩm OCOP nhận được sự đón nhận của đông đảo Nhân dân trong và ngoài tỉnh. Nhờ vậy, đời sống của người dân nông thôn được cải thiện rõ rệt, thu nhập bình quân đầu người năm 2022 đạt 31 triệu đồng/người/năm (tăng 1,18 triệu so với năm 2021).

Năm 2022, tỉnh Lào Cai có 07 chương trình, dự án ODA được giao vốn triển khai thực hiện với tổng vốn kế hoạch năm 2022 giao hơn 665 tỷ đồng. Trong 07 chương trình, dự án ODA triển khai thực hiện có 05 dự án của nhà tài trợ Ngân hàng Thế giới (WB), 01 dự án của nhà tài trợ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và 01 dự án của nhà tài trợ Cô-oét.

Đến hết ngày 06/01/2023, tổng vốn giải ngân của các chương trình, dự án đạt 75% Kế hoạch vốn giao (497.897/665.372 triệu đồng). Trong đó vốn đối ứng 42.492 triệu đồng, đạt 97% Kế hoạch vốn giao; vốn ODA: 455.405 triệu đồng, đạt 73% Kế hoạch vốn giao, nằm trong tốp các địa phương có tỷ lệ giải ngân cao (trung bình tỷ lệ giải ngân vốn nước ngoài cả nước đạt 33,65%). Lũy kế tỷ lệ giải ngân thực tế từ khi bắt đầu thực hiện chương trình, dự án đến hết năm 2022, vốn ODA đạt 68%, vốn đối ứng đạt 86%.

Lào Cai cũng đang tiếp tục chuẩn bị đầu tư và dự kiến sẽ ký Hiệp định trong năm 2023, năm 2024 cho 03 dự án: Dự án Phát triển hạ tầng và đô thị bền vững tỉnh Lào Cai giai đoạn 2020 - 2025 (vốn vay ADB); Dự án Phát triển nông thôn thích ứng với thiên tai (vốn vay JICA); Dự án nâng cấp Cơ sở hạ tầng nông thôn huyện Bắc Hà (vốn vay Quỹ Cô-oét).

Được biết, mục tiêu tổng quát của tỉnh Lào Cai trong giai đoạn tới được xác định là phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực và yếu tố con người để Lào Cai phát triển nhanh, bền vững và toàn diện trên các trụ cột về kinh tế, xã hội, môi trường và đảm bảo quốc phòng - an ninh; nâng cao nhanh và bền vững năng lực cạnh tranh của Tỉnh dựa trên thu hút đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát triển kinh tế cửa khẩu, công nghiệp chế biến chế tạo, du lịch, nông nghiệp hàng hóa là động lực; trở thành cực tăng trưởng và trung tâm kết nối giao thương giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam - Trung Quốc. Đến năm 2030, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP)/người tỉnh Lào Cai phấn đấu đứng trong nhóm 10 tỉnh, thành phố có GRDP/người cao của cả nước; thu nhập bình quân đầu người đứng trong nhóm 30 tỉnh, thành phố có thu nhập bình quân đầu người cao trong cả nước; trở thành trung tâm của vùng và cả nước về du lịch, kinh tế cửa khẩu, dịch vụ và công nghiệp chế biến chế tạo. Đến năm 2050, xây dựng tỉnh Lào Cai trở thành tỉnh phát triển của cả nước.

Lào Cai phấn đấu đứng trong TOP 10 tỉnh thành của cả nước
Đồng chí Trương Tấn Sang, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thăm Trường Quốc tế Canada - Lào Cai ngày 5/3/2023. https://kinhtexaydung.petrotimes.vn

Phát biểu trong chuyến thăm Lào Cai ngày 5/3/2023 vừa qua, đồng chí Trương Tấn Sang, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của đội ngũ lãnh đạo tỉnh Lào Cai. Đây là một trong những tiền đề quan trọng đảm bảo hoàn thành các mục tiêu phấn đấu đã đề ra. Đồng chí cũng khẳng định, những định hướng phát triển tỉnh Lào Cai xác định phù hợp với yêu cầu đặt ra của quá trình phát triển đất nước hiện nay và đều nằm trong định hướng chung của Trung ương.

Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Lào Cai mong muốn Trung ương quan tâm đẩy nhanh việc đầu tư dự án cao tốc Nội Bài - Lào Cai đoạn Yên Bái - Lào Cai theo quy mô 4 làn xe; sớm nghiên cứu xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng kết nối sang Trung Quốc và hướng tới sang châu Âu để thúc đẩy giao thương hàng hóa; đẩy nhanh việc triển khai khu hợp tác kinh tế qua biên giới tại Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai để thực hiện tốt vai trò “cầu nối” giữa Việt Nam và các nước ASEAN với thị trường Tây Nam Trung Quốc; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Hội đồng điều phối vùng Trung du và miền núi phía Bắc giai đoạn 2021 - 2025, cùng nhiều nội dung khác liên quan đến cơ chế chính sách đặc thù của tỉnh Lào Cai và các tỉnh trong vùng Trung du và miền núi Bắc.

Để thực hiện được các mục tiêu tại Quy hoạch tỉnh Lào Cai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Lào Cai đã đề ra 7 giải pháp chủ yếu, theo đó giải pháp quan trọng nhất là tập trung huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư công, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực then chốt, dự án tạo động lực lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Mở rộng các hình thức đầu tư, khuyến khích hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP) và hình thức đầu tư khác, đồng thời tăng cường xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước để huy động nguồn vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và các dự án sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.

Song song đó là các giải pháp về phát triển nguồn nhân lực; phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo và bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số để phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; thực hiện có hiệu quả cơ chế, chính sách liên kết phát triển; tăng cường quản lý, kiểm soát phát triển đô thị và nông thôn; kiểm soát chặt chẽ quỹ đất rừng, tài nguyên - môi trường rừng và tỷ lệ bao phủ rừng; nâng cao hiệu quả, hiệu lực của bộ máy quản lý hành chính nhà nước; công bố, công khai quy hoạch bằng nhiều hình thức khác nhau, tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong các tổ chức chính trị, chính trị nghề nghiệp, các doanh nghiệp, nhà đầu tư và nhân dân khi triển khai thực hiện.

Nguồn:Lào Cai phấn đấu đứng trong TOP 10 tỉnh thành của cả nước

Tuấn Anh

kinhtexaydung.petrotimes.vn