Lợi ích chiến lược của Việt Nam ở Biển Đông

08:19 | 02/06/2021

|
Ngày 17 tháng 5 năm 2021, GS Pankaj Jha Việt Nam đảm nhận cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc từ tháng 3 năm 2021 và dự kiến sẽ thúc đẩy các vấn đề liên quan đến phát triển, các thách thức an ninh khu vực và quốc tế.

Cùng với đó, Việt Nam cũng có cơ hội nêu các vấn đề liên quan trực tiếp đến lợi ích của mình, nhất là chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Một trong các lĩnh vực quan tâm chính là các diễn biến trên Biển Đông và cách Trung Quốc hành động ngày một quyết đoán hơn thông qua việc triển khai tàu chiến, tàu tuần tra của hải cảnh để xác lập khu vực kiểm soát và ảnh hưởng tại vùng biển này. Trong bối cảnh đó, các diễn biến vừa qua ở Đá Ba Đầu thực sự đáng lo ngại và nếu còn tiếp diễn thì Trung Quốc sẽ vạch được vùng biển chiến lược của họ trên thực tế (de factor) bất chấp các tuyên bố chủ quyền của các nước, các bên khác liên quan.

Trung Quốc áp đặt trật tự hàng hải lên một vùng biển bao trùm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nhiều nước, kiểm soát vùng đánh bắt cá cũng như áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá đối với ngư dân của các nước. Điều này gây ra vấn đề với các nước có tuyên bố chủ quyền khác khi Trung Quốc ráo riết chỉ huy và kiểm soát các khu vực như Bãi Cỏ Rong, Bãi Tư Chính và các khu vực lân cận thuộc Indonesia và Philipin.

Lợi ích chiến lược của Việt Nam ở Biển ĐôngBiển Việt Nam.

Nhận thức thực tế rằng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) vẫn ở các giai đoạn hình thành và hầu hết các nước liên quan có tuyên bố chủ quyền đối với một phần hoặc toàn bộ ở Biển Đông. Trong bối cảnh đó, điều quan trọng là các quốc gia ASEAN cần giải quyết các khác biệt và cùng phối hợp hoàn thiện một bản dự thảo chung phân định các khu vực kiểm soát và hợp tác. Mặt khác, Việt Nam có thể kêu gọi tất cả các nước dừng hoạt động xây dựng; kiến tạo Biển Đông thành khu vực Hòa Bình Tự do và Trung lập. Đồng thời, có thể mời các quan sát viên quốc tế và khai thông các kênh kết nối với truyền thông quốc tế để phản ánh vấn đề Trung Quốc đang gây ra các thảm họa sinh thái đối với các đảo trong vùng biển này. Việt Nam có thể thực hiện các hoạt động chung với các nước trong vùng biển này để khẳng định quyền tự do hàng hải và yêu sách chính đáng đối với việc khai thác các nguồn tài nguyên thuộc EEZ của mình.

Bên cạnh đó, Việt Nam có thể tham gia vào các đối thoại quy mô lớn giữa các nước ASEAN gồm các học giả, truyền thông, giới nghiên cứu chiến lược và các chuyên gia luật quốc tế để giải quyết bế tắc với Trung Quốc về lâu dài. Việt Nam có thể đưa ra sáng kiến mốc an toàn trong khu vực nhằm phân định khu vực hàng hải an toàn và đảm bảo việc qua lại an toàn cho các tàu thuyền. Các nước ASEAN có thể phối hợp các lập luận, bằng chứng lịch sử để chống lại các tuyên truyền sai lệch về quyền lịch sử của Trung Quốc đối với Biển Đông.

Lợi ích chiến lược của Việt Nam ở Biển ĐôngTàu Hải Dương 8 và tàu hộ tống đang khảo sát phi pháp tại khu vực bãi Tư Chính của Việt Nam (ảnh ngư dân cung cấp)

Liên quan đến vùng thềm lục địa kéo dài cần thiết phải có các đối thoại ở các cấp cao nhất như Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc và cũng cần tạo ra một cuộc gặp bên lề các phiên họp của cơ quan quyền lực quốc tế về đáy đại dương. Điều này có thể tạo ra một tiếng nói toàn diện chống lại các yêu sách của Trung Quốc và giúp cộng đồng quốc tế quan tâm tới các diễn biến trong khu vực. Việt Nam nên nhấn mạnh rằng các vấn đề nan giải như Pedra Branca, Middle Rocks, South Ledgea và Ngọn hải đăng Horsburgh đã được giải quyết như thế nào giữa Singapore và Malaysia, cũng như cách Ấn Độ đã chấp nhận các yêu sách hàng hải của Bangladesh ở khu vực Vịnh Bengal. Câu chuyện được ươm mầm từ bối cảnh trên cần phải hợp lý và có thể mở ra các ý tưởng mới để giải quyết được vấn đề trong khung thời gian nhất định. Việt Nam có thể đề xuất thành lập Ủy ban quốc tế gồm các chuyên gia thảo luận về các thay đổi khả thi trong dự thảo COC mà các nước đều có thể chấp nhận được. Cuối cùng, Việt Nam cần nhận lãnh vai trò dẫn dắt các vấn đề này ở các diễn đàn phù hợp và nhờ thế để vấn đề tranh chấp, xung đột có thể được giải quyết theo cách thích hợp.

Bên cạnh đó, ASEAN cần đoàn kết đưa ra một đề xuất chung liên quan đến chủ quyền đối với các đảo trên Biển Đông và vì sao cộng đồng quốc tế cần tiếp tục hợp tác khai thác dầu khí trong khu vực này từ thực tế là nhiều công ty dầu khí quốc tế đã rút lui trước sức ép của Trung Quốc nhằm thiết lập sự thống trị trong không gian biển này. Tương tự, nên có một diễn đàn của cảnh sát biển các nước để bàn về giải pháp hòa bình cho các tranh chấp. Hội nghị tiếp theo của ASEAN cần xem xét dự thảo COC và đề xuất các chấp thuận chung tối thiểu trong bối cảnh hiện nay. Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN và các nước đối tác cũng như các hội nghị liên quan nên đề ra một số mục tiêu cụ thể như hạn chế các cuộc tập trận của hải quân trong vùng biển này từ thực tế là các cuộc tập trận của Trung Quốc hiện đang khiến không khí chung trong khu vực nóng lên và gây tâm lý căng thẳng.

Cuối cùng, cũng cần có sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế và cam kết từ tất cả các bên rằng Biển Đông sẽ không trở thành nơi đối đầu và căng thẳng quân sự làm ảnh hưởng tới sinh kế của ngư dân, thương mại hàng hải của tất cả các nước liên quan./.

Nguồn:

Lợi ích chiến lược của Việt Nam ở Biển Đông (vietnam.vn)

Thu Hường