Mục tiêu của ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2050

13:05 | 07/11/2021

|
Chiến lược đã đề ra các mục tiêu cụ thể nhằm phát triển từng lĩnh vực trong hệ thống năng lượng quốc gia gắn liền với ngành Dầu khí Việt Nam.
Mục tiêu của ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2050
Ảnh minh họa

Trong nước, để góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, ngày 25/10/2007 Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết số 18-NQ/TW và ngày 27/12/2007 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1855/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050.

Chiến lược đã đề ra các mục tiêu cụ thể nhằm phát triển từng lĩnh vực trong hệ thống năng lượng quốc gia như dầu khí, than khoáng sản và điện. Các mục tiêu gắn liền với ngành Dầu khí bao gồm:

(1) Đẩy mạnh công tác tìm kiếm, thăm dò để nâng cao trữ lượng khai thác các nguồn năng lượng sơ cấp của đất nước. Nâng cao độ chính xác trong việc đánh giá trữ lượng.

(2) Cung cấp đủ năng lượng sơ cấp cho nhu cầu trong nước, năm 2010 khoảng 47,5-49,5 triệu TOE; năm 2020 khoảng 100-110 triệu TOE, năm 2025 khoảng 110-120 triệu TOE và đến năm 2050 khoảng 310-320 triệu TOE.

(3) Ưu tiên phát triển năng lượng mới và tái tạo, tăng tỷ lệ các nguồn này từ mức không đáng kể hiện nay lên khoảng 3% tổng năng lượng thương mại sơ cấp, tương đương 1,4 triệu TOE năm 2010; khoảng 5% năm 2020, khoảng 8% tương đương 9,02 triệu TOE năm 2025 và 11% tương đương 35 triệu TOE năm 2050.

(4) Phát triển nguồn, lưới điện, đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu điện và có dự trữ.

(5) Đẩy mạnh công tác xây dựng các nhà máy lọc dầu nhằm từng bước đáp ứng đủ nhu cầu trong nước về các sản phẩm dầu. Năm 2009 đưa vào vận hành Nhà máy lọc dầu tại Dung Quất, giai đoạn 2011-2015 xây dựng thêm 2 nhà máy lọc dầu; đến năm 2020 xem xét mở rộng hoặc xây dựng các trung tâm lọc dầu mới, đưa tổng công suất các nhà máy lọc dầu lên khoảng 25-30 triệu tấn dầu thô.

(6) Xây dựng kho dầu dự trữ chiến lược quốc gia với dự trữ bằng 45 ngày tiêu thụ bình quân vào năm 2010, bằng 60 ngày vào năm 2020 và bằng 90 ngày vào năm 2025.

(7) Xây dựng các mục tiêu, tiêu chuẩn dài hạn về môi trường theo hướng thống nhất với tiêu chuẩn môi trường khu vực và thế giới, phù hợp với điều kiện kinh tế của đất nước. Kiểm soát và giảm nhẹ ô nhiễm môi trường trong các hoạt động năng lượng, đến năm 2010, tất cả các công trình năng lượng phải đáp ứng tiêu chuẩn môi trường.

(8) Chuyển dần các ngành Điện, Than, Dầu khí sang hoạt động theo cơ chế thị trường cạnh tranh có sự điều tiết của Nhà nước. Hình thành thị trường phát điện giai đoạn 2005-2014; thị trường bán buôn điện cạnh tranh giai đoạn 2015-2022; thị trường bán lẻ điện cạnh tranh giai đoạn sau năm 2022; hình thành thị trường than, thị trường kinh doanh dầu khí trong giai đoạn 2006-2020.

(9) Đảm bảo cân bằng tài chính bền vững và đa dạng hoá phương thức đầu tư phát triển ngành năng lượng. Nhà nước có chính sách đảm bảo sự công bằng trong hoạt động kinh doanh, để khuyến khích sự tham gia của các thành phần kinh tế vào phát triển năng lượng.

(10) Tích cực chuẩn bị các điều kiện về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, pháp lý, cán bộ để đưa tổ máy điện hạt nhân đầu tiên vào vận hành khoảng năm 2020 với công suất 2000 MW và sau đó tăng dần tỷ trọng điện hạt nhân trong cân bằng năng lượng quốc gia; đến năm 2050 năng lượng hạt nhân chiếm 10-11% tổng tiêu thụ năng lượng thương mại toàn quốc.

(11) Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực năng lượng. Thực hiện liên kết lưới điện (bằng cấp điện áp đến 500 kV) trong giai đoạn 2010-2015, liên kết lưới khí trong giai đoạn 2015-2020; thực hiện xuất - nhập khẩu năng lượng hợp lý và hiệu quả trên cơ sở bảo tồn nguồn năng lượng quốc gia.

(12) Đào tạo đội ngũ cán bộ có đủ trình độ chuyên môn và tinh thần trách nhiệm để đáp ứng yêu cầu phát triển ngày càng cao của ngành năng lượng.

(13) Thực hiện cơ chế hoạt động đa dạng, xây dựng các tổng công ty, tập đoàn ngành năng lượng theo mô hình liên kết công nghiệp - tài chính - thương mại - dịch vụ.

Nguồn: Mục tiêu của ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2050

Ngọc Hà

kinhtexaydung.petrotimes.vn