Nguy cơ bùng phát dịch cúm A, chuyên gia chỉ cách phân biệt cúm và COVID-19

17:34 | 01/08/2022

|
Hà Nội đang đứng trước nguy cơ bùng phát dịch cúm, đặc biệt là cúm A bất thường. Bên cạnh đó hiện nay dịch COVID-19 cũng đang có dấu hiệu tăng trở lại. Cúm mùa và COVID-19 đều là bệnh lây qua đường hô hấp, nhưng do các loại virus khác nhau gây ra. Chuyên gia chỉ cách phân biệt 2 bệnh này.

TS Đỗ Thiện Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới trẻ em (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết cả COVID-19 và bệnh cúm mùa đều có thể biểu hiện các mức độ triệu chứng khác nhau, từ không triệu chứng đến các triệu chứng nghiêm trọng. Các triệu chứng phổ biến mà COVID-19 và bệnh cúm đều có bao gồm: sốt hoặc cảm thấy nóng/ớn lạnh, ho, khó thở, mệt mỏi, viêm họng, chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi, đau cơ hoặc đau nhức cơ thể, đau đầu, nôn mửa và tiêu chảy, thay đổi hoặc mất vị giác/khứu giác (phổ biến hơn ở COVID-19).

Trước khi COVID-19 xuất hiện, các triệu chứng của cảm lạnh và cúm là khó phân biệt. Nhưng triệu chứng của bệnh cúm có thể gây bệnh từ nhẹ đến nặng và đôi khi có thể dẫn đến tử vong. Cảm cúm thường xuất hiện đột ngột. Những người bị cúm thường cảm thấy một số hoặc tất cả các triệu chứng sau: sốt hoặc cảm thấy sốt, ớn lạnh; ho; đau họng; chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi; đau cơ toàn bộ cơ thể; đau đầu; mệt mỏi... Một số người có thể bị nôn mửa và tiêu chảy (phổ biến ở trẻ em hơn người lớn). Điều quan trọng cần lưu ý là không phải ai bị cúm cũng sẽ bị sốt.

Biến chứng cúm: Hầu hết những người bị cúm sẽ bình phục trong vài ngày đến dưới hai tuần, nhưng một số người sẽ phát triển các biến chứng (chẳng hạn như viêm phổi) do cảm cúm, một số biến chứng có thể đe dọa tính mạng và dẫn đến tử vong.

Nhiễm trùng xoang và tai là các biến chứng vừa phải do cúm, nhưng viêm phổi là một biến chứng cúm nghiêm trọng. Biến chứng này có thể do nhiễm virus cúm đơn thuần hoặc do đồng nhiễm virus và vi khuẩn. Các biến chứng nghiêm trọng khác có thể xảy ra do cúm bao gồm viêm cơ tim, viêm não hoặc viêm cơ, tiêu cơ vân và suy đa cơ quan (suy hô hấp và suy thận).

Nhiễm virus cúm đường hô hấp có thể gây ra các phản ứng viêm rất mạnh trong cơ thể và có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết - phản ứng đe dọa tính mạng của cơ thể. Cúm cũng có thể làm trầm trọng thêm các bệnh nền sẵn có ở các bệnh nhân (bệnh hen suyễn, bệnh tim, viêm đường hô hấp mạn tính…).

Nguy cơ bùng phát dịch cúm A, chuyên gia chỉ cách phân biệt cúm và COVID-19 ảnh 1
Nhiều trẻ mắc cúm A đang điều trị tại BV Nhi Trung ương.Ảnh: Thái Hà

Không thể phân biệt cúm và COVID nếu chỉ dựa trên các triệu chứng

Vì một số triệu chứng của bệnh cúm, COVID-19 và các bệnh đường hô hấp nói chung là tương tự nhau, nên không thể phân biệt cúm thường và COVID nếu chỉ dựa trên các triệu chứng. Chỉ có xét nghiệm sinh học mới có giá trị chẩn đoán chính xác tác nhân gây bệnh. Thậm chí một người có thể bị nhiễm cả bệnh cúm và COVID-19 cùng một lúc, do đó có các triệu chứng của cả hai.

Trong 3 triệu chứng phổ biến và rõ ràng nhất của COVID-19 là sốt, ho khan và khó thở, chỉ có khó thở là không liên quan đến cảm lạnh hay cúm. Nhưng theo nghiên cứu, những người tiêm vắc xin phòng COVID-19 đủ liều nếu nhiễm bệnh sẽ không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ và càng ngày càng giống như cảm cúm. Do đó, nếu muốn phân biệt cúm và COVID-19 cũng cần phải xem xét đến yếu tố dịch tễ.

Ngoài ra, mất khứu giác là dấu hiệu được báo cáo sớm nhất và phổ biến liên quan đến SARS-CoV-2, đồng thời là dấu hiệu để phát hiện người mắc COVID-19 hiệu quả hơn so với các triệu chứng như sốt và ho.

Không giống như trong các trường hợp cảm lạnh và một số trường hợp cúm mà nguyên nhân mất khứu giác có xu hướng liên quan đến nghẹt mũi (nghẹt mũi do tích tụ chất nhầy), trong COVID-19 mất khứu giác đột ngột có thể liên quan trực tiếp đến nhiễm trùng SARS-CoV-2 trong biểu mô mũi và các tế bào thần kinh khứu giác mà không có bất kỳ tắc nghẽn nào. Do đó, những người bị mất khứu giác đột ngột nên được nghi ngờ là dương tính với COVID-19 và cần làm xét nghiệm để xác nhận ngay lập tức.

Cúm là một căn bệnh tương đối phổ biến, lành tính nhưng vẫn có nguy cơ gây tử vong, đặc biệt là ở trẻ nhỏ, người già và người lớn có tình trạng sức khỏe mãn tính. Hầu hết những người khỏe mạnh bị cúm sẽ tự khỏi trong vài ngày đến 2 tuần, nhưng một số người sẽ gặp các biến chứng nặng, cần phải nhập viện. So với COVID-19, bệnh cúm thường gây nhiễm trùng thứ cấp do vi khuẩn hơn. Tiêu chảy cũng thường gặp ở trẻ nhỏ bị cúm hơn ở người lớn bị cúm.

Tuy nhiên, cúm thường với Corona virus đều có thể dẫn đến bệnh cảnh nặng và biến chứng, những đối tượng có nguy cơ cao nhất bao gồm:

Người cao tuổi

Những người bệnh nền

Trẻ sơ sinh và trẻ em

Phụ nữ mang thai

Các biến chứng của COVID-19 và bệnh cúm bao gồm: viêm phổi, suy hô hấp, hội chứng suy hô hấp cấp tính, nhiễm trùng huyết, tổn thương tim (ví dụ: đau tim và đột quỵ), suy đa tạng (suy hô hấp, suy thận, sốc); tình trạng bệnh mãn tính trở nên nặng hơn (liên quan đến phổi, tim, hệ thần kinh hoặc bệnh tiểu đường); viêm tim, não hoặc các mô cơ; nhiễm trùng thứ phát.

So với bệnh cúm, COVID-19 có thể gây ra nhiều bệnh nghiêm trọng hơn ở một số người, thậm chí dẫn đến nhập viện và tử vong ngay cả ở những người khỏe mạnh. Một số người nhiễm COVID-19 sau khi xuất viện vẫn có thể có một số vấn đề sức khỏe hậu COVID hoặc hội chứng viêm đa hệ thống.

Theo lý thuyết, một người có thể bị cúm, cũng như các bệnh đường hô hấp khác và COVID-19 cùng một lúc. Tuy nhiên, sự hiện diện của SARS-CoV-2 cũng có thể đóng một vai trò trong việc ngăn chặn các ca bệnh cúm, bởi vì thường chỉ có một loại virus đường hô hấp chiếm ưu thế trong một quần thể tại một thời điểm nhất định. Nghĩa là loại virus này có xu hướng ngăn cản loại virus kia. Các chuyên gia y tế vẫn đang nghiên cứu về vấn đề này.

Không giống như với SARS-CoV-2, người dân có khả năng miễn dịch tự nhiên đối với bệnh cúm sau nhiều năm tiếp xúc với các chủng virus cúm khác nhau. Tuy nhiên, cũng giống như SARS-CoV-2, virus cúm vẫn không ngừng đột biến, thay đổi, các chủng virus cúm mới xuất hiện luôn có khả năng gây dịch bệnh và thậm chí là đại dịch cúm. Ngoài ra nếu khả năng miễn dịch của con người đối với bệnh cúm suy giảm trong thời kỳ đại dịch do ít phơi nhiễm, chúng ta có thể dễ mắc bệnh cúm hơn khi tiếp xúc với virus cúm. Mặc dù không biết chính xác thời gian, nhưng các chuyên gia dịch tễ học tại CDC cho biết người dân có thể dễ bị nhiễm virus hơn khi cúm mùa quay trở lại.

Nguồn: Nguy cơ bùng phát dịch cúm A, chuyên gia chỉ cách phân biệt cúm và COVID-19

Hà Minh

tienphong.vn