Những lưu ý khi ăn sắn để không bị ngộ độc

23:09 | 07/10/2021

|
Sắn hay còn được gọi là khoai mì, là một món ăn khá quen thuộc ở nhiều vùng quê và miền núi. Nó chứa nhiều cacbonhydrate cung cấp nhiều năng lượng cho cơ thể, ngoài ra còn có kali và chất xơ.
Những lưu ý khi ăn sắn để không bị ngộ độc

Củ sắn có hàm lượng tinh bột khá cao, có giá trị dinh dưỡng như một số loại của khoai lang, khoai tây, khoai môn… Do có nhiều tinh bột, củ sắn còn được dùng để chế bột làm bánh, làm mạch nha và chế rượu, chất xơ ngăn ngừa táo bón và các bệnh tim mạch. Củ sắn còn có tác dụng cân bằng lượng nước trong máu.

Tuy nhiên, trong củ sắn có chứa một lượng acid cyanhydric. Đây là một chất độc chứa nhiều nhất ở vỏ sắn, ruột sắn phần xơ và hai đầu củ sắn, có thể gây ngộ độc, thậm chí là tử vong.

Bất kỳ loại sắn nào cũng có chứa acid cyanhydric với hàm lượng trung bình từ 3mg% đến 5 mg%. Sắn càng đắng thì lượng acid cyanhydric càng cao, thậm chí có thể lên tới 10-15 mg%.

Các triệu chứng ngộ độc sắn có thể cấp tính hoặc nhẹ tùy thuộc vào lượng sắn hấp thụ như: Rối loạn tiêu hóa như buồn nôn, đau bụng, nôn, tiêu chảy; Rối loạn thần kinh: chóng mặt, nhức đầu; Trường hợp nặng có thể gây co cứng, co giật, giãn đồng tử và thậm chí là hôn mê; Rối loạn hô hấp: như khó thở, xanh tím người, suy hô hấp gây tử vong.

Tuy nhiên, đặc tính của loại chất độc có ở trong sắn rất dễ bay hơi, chúng dễ hòa tan trong nước lạnh cũng như nước nóng. Khi bị oxy hóa hoặc kết hợp với chất đường kính thì sẽ được chuyển thành chất không độc.

Để tránh ngộ độc, ta có thể loại bỏ độc tố từ củ sắn bằng cách: Với sắn tươi phải bóc vỏ, ngâm sắn trong nước sạch từ 3 đến 5 tiếng, rồi mới mang đi nấu. Có thể ngâm sắn bằng nước vo gạo cũng là một cách loại bỏ độc tố. Khi nấu, luộc hay hấp nhớ mở nắp đậy để chất độc dễ bay hơi.

Ngoài ra, để tránh bị ngộ độc và ảnh hưởng đến sức khỏe hãy ăn sắn hãy lưu ý: Khi ăn sắn chúng ta nêm chấm với đường hoặc mật để trung hòa độc tố và giảm nguy cơ ngộ độc. Nếu ăn thấy sắn đắng thì phải bỏ đi ngay vì sắn càng đắng thì càng nhiều axít cyanhydric. Không nên cho trẻ dưới 3 tuổi ăn sắn, không ăn sắn nướng, không ăn khi đói và không nên ăn nhiều vào buổi tối vì có thể các triệu chứng ngộ độc xảy ra vào ban đêm khi bệnh nhân đang ngủ, sẽ không phát hiện kịp hoặc không kịp thời đưa đi cấp cứu.

Nguồn: Những lưu ý khi ăn sắn để không bị ngộ độc

Thúy An (t/h)

dulich.petrotimes.vn