Những nữ nhà giáo "Giỏi việc trường, đảm việc nhà"

14:14 | 04/03/2022

|
Trong xã hội hiện đại, người phụ nữ không những phải làm tròn trách nhiệm người vợ, người mẹ trong gia đình, mà còn tham gia gánh vác nhiều công việc xã hội.

Ngành Giáo dục và Đào tạo là một trong những ngành có đông lao động nữ. Nhiều nữ nhà giáo vừa được đồng nghiệp đánh giá cao trong công tác chuyên môn, vừa nêu gương sáng về đạo đức, nhân cách, xứng đáng là những tấm gương tiêu biểu “Giỏi việc trường, đảm việc nhà”. 2 tấm gương tiêu biểu trong phong trào thi đua “Giỏi việc trường, đảm việc nhà” của ngành GD và ĐT tỉnh Nam Định là cô Mai Thị Lừng - Hiệu trưởng Trường THPT Trần Văn Lan (Mỹ Lộc) và cô Đinh Thị Thu Hằng, Trường Tiểu học Phúc Thắng (Nghĩa Hưng).

Chị Mai Thị Lừng, Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Văn Lan (Mỹ Lộc) là tấm gương điển hình trong phong trào “Giỏi việc trường, đảm việc nhà” của ngành GD và ĐT với thành tích 3 lần đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh (2014, 2017, 2020), 2 lần được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng lao động sáng tạo; nhiều lần được Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh và Bộ GD và ĐT tặng Bằng khen.

Những nữ nhà giáo
Giáo viên Đinh Thị Thu Hằng, Trường Tiểu học Phúc Thắng (Nghĩa Hưng) trong một giờ lên lớp.

Tốt nghiệp khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội I năm 1999, chị về công tác tại Trường THPT Yên Khánh A (Ninh Bình), rồi Trường THPT Hoàng Văn Thụ (Vụ Bản), Trường THPT Nguyễn Khuyến (thành phố Nam Định). Quá trình công tác, dù bận rộn với công việc chuyên môn nhưng chị đã sắp xếp thời gian hợp lý để hoàn thành chương trình Thạc sĩ Ngữ văn. Tháng 5-2020, đang là Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Khuyến (thành phố Nam Định), chị được điều động về công tác tại Trường THPT Trần Văn Lan (Mỹ Lộc). Với đức tính giản dị, ham học hỏi, chị đã không ngừng học tập, trau dồi kiến thức để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đổi mới phương pháp quản lý và chỉ đạo; linh hoạt, chú trọng đổi mới phương pháp dạy học nhằm nâng cao chất lượng dạy học. Chị động viên cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong nhà trường tích cực nêu cao tinh thần trách nhiệm để hoàn thành nhiệm vụ; phân công công tác, giao việc cụ thể, hợp lý cho từng cán bộ, giáo viên; tạo điều kiện thuận lợi, chia sẻ công việc để cán bộ, giáo viên trong đơn vị đi học nâng cao trình độ, đồng thời hoàn thành tốt nhiệm vụ. Hiện tại trường chị có 10/56 cán bộ, giáo viên có trình độ thạc sĩ. Chị quan tâm xây dựng cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị dạy học như sửa sang khuôn viên nhà trường xanh, sạch, đẹp, cải tạo sân bóng, quy hoạch vườn trường để thực hiện các dự án học tập (STEM, mô hình trồng hoa, trồng rau sạch); sửa sang, nâng cấp đường điện phục vụ lớp học; lắp đặt hệ thống mạng LAN đưa internet đến từng lớp học; bổ sung các thiết bị dạy học ở các phòng thực hành. Đặc biệt, để nâng cao chất lượng dạy học, chị chú trọng công tác bồi dưỡng thường xuyên của giáo viên, đảm bảo thiết thực, hiệu quả; khuyến khích, động viên cán bộ, giáo viên vươn lên, khẳng định giá trị bản thân, đóng góp cho sự nghiệp giáo dục. Bên cạnh đó, chị chú trọng các giải pháp nâng cao chất lượng dạy học như: Xây dựng nền nếp, kỷ cương; Động viên, đặt mục tiêu phấn đấu cho thầy và trò; Xây dựng tập thể đoàn kết, trân trọng và phát huy trí tuệ của tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên; Tạo sự đồng thuận, ủng hộ của cha mẹ học sinh đối với các hoạt động của nhà trường; Thường xuyên kiểm tra, đánh giá, tuyên dương, khen thưởng kịp thời; rút ra bài học kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp phù hợp với tình hình thực tế. Những nỗ lực, sáng tạo của chị trong công tác lãnh đạo quản lý đã góp phần tạo nên những tiến bộ nổi bật của nhà trường. Năm học 2020-2021, Trường THPT Trần Văn Lan được suy tôn là đơn vị dẫn đầu khối thi đua số 2, được UBND tỉnh tặng Cờ “Đơn vị dẫn đầu thi đua”. Thành tích của nhà trường khởi sắc trên tất cả các lĩnh vực, trong đó nổi bật nhất là giải Nhất học sinh giỏi các môn văn hoá (trong đó tiêu biểu như môn Ngữ văn), điểm trung bình các môn thi tốt nghiệp THPT 2021 xếp thứ 9/45 trường THPT công lập của tỉnh, tăng 26 bậc so với đầu vào; là trường có kết quả đầu ra (so với đầu vào) tiến bộ vượt bậc nhất.

Không chỉ giỏi việc trường, chị còn là một người mẹ, người vợ mẫu mực, đảm đang trong gia đình. Chị chia sẻ về một trong những động lực đối với chị là lời dạy của bố chồng, nhà giáo Trần Ngọc Lai, người thầy đầu tiên ở giáo xứ Lạc Đạo, xã Nghĩa Lạc (Nghĩa Hưng): “Dòng sữa tinh thần, tinh hoa của trí tuệ nhân loại chỉ có thể chảy vào tâm hồn thế hệ trẻ qua trái tim nhiệt huyết của người thầy”. Câu nói đó luôn thôi thúc chị trong cả ý nghĩ và hành động, là động lực để chị phấn đấu thực hiện tốt công tác chuyên môn. Chồng chị hiện là Tiến sĩ hoá học, Phó trưởng Khoa Khoa học cơ bản, Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định. Con gái đầu lòng từng tốt nghiệp thủ khoa khối C của Trường THPT Nguyễn Khuyến năm 2020, hiện đang là sinh viên năm thứ 2 Khoa Quan hệ quốc tế và truyền thông toàn cầu, Học viện Báo chí và Tuyên truyền; con trai chị là học sinh lớp 9A5, Trường THCS Trần Đăng Ninh (thành phố Nam Định), vừa giành giải Nhất môn Hoá học trong Kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố. Công tác quản lý bận rộn xong chị luôn thu xếp công việc để dành thời gian cho gia đình, nội ngoại, công việc nội trợ để có những bữa cơm gia đình đầm ấm.

Với tinh thần trách nhiệm, tận tụy với công việc, cô giáo Đinh Thị Thu Hằng, giáo viên Trường Tiểu học Phúc Thắng (Nghĩa Hưng) luôn được phụ huynh học sinh tin tưởng, đồng nghiệp đánh giá cao. Sinh ra trong gia đình có truyền thống làm nghề dạy học (mẹ và cả 5 chị em cô đều là giáo viên). 32 năm công tác trong ngành GD và ĐT, cô Hằng được Ban giám hiệu, Hội đồng Sư phạm nhà trường tín nhiệm phân công kiêm nhiệm nhiều chức vụ đoàn thể như Tổng phụ trách Đội, Chủ tịch Công đoàn, tham gia cấp ủy, là tổ trưởng chuyên môn nhiều năm liền, được phân công dạy nhiều khối lớp, nhưng chủ yếu là lớp 5, lớp cuối của bậc Tiểu học. Dù bận rộn với nhiệm vụ được giao nhưng cô luôn sắp xếp thời gian hợp lý cho việc chung, việc riêng, có kế hoạch làm việc khoa học. Cô luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, sáng tạo, gương mẫu, đi đầu trong mọi hoạt động, chịu khó bám trường, bám lớp. Cô tham gia khá đầy đủ các lớp bồi dưỡng chuyên môn nên nắm vững cách thực hiện đổi mới phương pháp dạy; dạy học theo chuẩn kiến thức các môn học, đổi mới cách đánh giá học sinh, coi trọng sự phát triển và tiến bộ ở từng em. Với vai trò Tổng phụ trách Đội, cô nghiên cứu, thiết kế, tổ chức những hoạt động Đội, sinh hoạt Sao mẫu hiệu quả, giúp các em được tham gia các hoạt động đoàn thể có định hướng bổ ích, được Tổng phụ trách ở các trường trong toàn huyện về học hỏi kinh nghiệm. Với vai trò tổ trưởng chuyên môn, dựa trên tình hình thực tế địa phương, nhà trường, cô chủ động xây dựng kế hoạch, thực hiện nội dung chương trình từng môn học, mạnh dạn đăng ký chỉ tiêu phấn đấu cho tổ khối, cho lớp. Cô luôn trăn trở suy nghĩ, đổi mới hình thức sinh hoạt chuyên môn của tổ, đặc biệt là tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học để từ đó tìm tòi, lựa chọn nhiều phương pháp, kỹ thuật, hình thức dạy học tích cực, phù hợp, cũng là cơ hội để giúp đỡ đồng nghiệp nâng cao tay nghề. Những năm cơ sở vật chất của nhà trường còn hạn chế, cô đã cùng giáo viên trong tổ sưu tầm và làm nhiều đồ dùng dạy học từ vật liệu đã qua sử dụng hoặc tìm hiểu tư liệu, thông tin trên internet để các tiết học thêm sinh động, thu hút sự chú ý, óc tò mò, hứng thú học tập của học sinh, qua đó phát huy năng lực, phẩm chất của học sinh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường. Đối với công tác chủ nhiệm, ngay từ đầu mỗi năm học, cô đã cùng học sinh xây dựng nội quy lớp học, lựa chọn, bầu ra ban cán sự lớp gương mẫu, biết việc để hỗ trợ giáo viên trong mọi hoạt động. Do vậy, các lớp học do cô chủ nhiệm đều giữ vững nền nếp, học sinh có ý thức tự giác cao. Hàng năm, nhiều học sinh do cô chủ nhiệm đã đạt giải trong các cuộc thi, các cuộc giao lưu phát triển năng lực, các cuộc thi qua mạng internet, cuộc thi viết chữ đúng và đẹp cấp huyện. Với học sinh yếu về nhận thức hoặc gặp hoàn cảnh gia đình khó khăn, cô luôn gần gũi, chia sẻ động viên các em không chán học; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và có biện pháp giúp đỡ từng em tiến bộ. Hơn 30 năm công tác trong nghề, cô luôn tự hào với nghề mình đã chọn, bởi đó là truyền thống của gia đình. Cô tâm sự: “Tình yêu nghề của gia đình đã lan toả sang tôi ngay từ khi tôi còn học phổ thông. Tôi rất vui và tự hào vì đã góp phần tô đẹp thêm truyền thống của gia đình”. Không chỉ giỏi việc trường, trong gia đình, cô còn là người vợ, người mẹ đảm đang, con dâu hiền thảo, chăm lo cuộc sống gia đình, chăm sóc hai con chăm ngoan, học giỏi khi chồng đi công tác xa. Cô luôn tâm niệm phải nỗ lực làm “hậu phương” vững chắc để chồng yên tâm công tác, hoàn thành nhiệm vụ tại Lữ đoàn 649, Cục Vận tải, Tổng cục Hậu cần.

Trên đây là 2 trong rất nhiều tấm gương nữ nhà giáo tiêu biểu trong phong trào “Giỏi việc trường, đảm việc nhà” của ngành GD và ĐT tỉnh. Các cô luôn tâm niệm: phần thưởng quan trọng nhất là sự trưởng thành của từng thế hệ học trò và niềm vui, hạnh phúc khi được đồng nghiệp, học trò tin yêu, quý mến. Đó là nguồn động viên lớn để các cô tiếp tục đưa những chuyến đò tri thức cập bến tương lai./.

Nguồn: Những nữ nhà giáo "Giỏi việc trường, đảm việc nhà"

Minh Thuận

Báo Nam Định