Nợ phải trả tại BĐS Phát Đạt cán mốc hơn 11.000 tỷ đồng, nợ vay tăng nhanh

10:05 | 20/10/2021

|
Với động thái liên tục huy động vốn từ kênh trái phiếu, tại thời điểm 30/9/2021, nợ vay tại Bất động sản Phát Đạt ghi nhận hơn 2.000 tỷ đồng. Đồng thời, nợ dài hạn phải trả đã vượt qua tài sản dài hạn.

CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (Mã: PDR) vừa công bố BCTC hợp nhất quý III/2021 với doanh thu thuần gần 1.268 tỷ đồng, phần lớn từ chuyển nhượng đất và lãi ròng xấp xỉ 608 tỷ đồng, lần lượt giảm 3,7% về doanh thu và tăng 38,4% về lợi nhuận nhờ giá vốn rẻ.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh nghiệp đạt hơn 2.394 tỷ đồng doanh thu thuần và hơn 1.111 tỷ đồng lãi ròng, giảm hơn 4% về doanh thu và tăng 54,6% về lợi nhuận. So với kế hoạch, doanh nghiệp đã thực hiện được trên 59% mục tiêu lợi nhuận năm.

Nợ phải trả tại BĐS Phát Đạt cán mốc hơn 11.000 tỷ đồng, nợ vay tăng nhanh
Lợi nhuận sau thuế của BĐS Phát Đạt

Theo thông tin từ Phát Đạt, công ty tiếp tục bàn giao các nền đất khu thấp tầng Phân khu 9 thuộc Khu đô thị du lịch sinh thái Nhơn Hội, Bình Định. Đồng thời, công ty đã chuyển nhượng một phần khu cao tầng Phân khu số 4 và phân khu số 9 tại cùng dự án.

Tại bảng cân đối kế toán, khoản mục người mua trả tiền trước của BĐS Phát Đạt đạt gấp 2,5 lần đầu năm, với gần 1.579 tỷ đồng, trong đó tiền trả trước cho Dự án Khu đô thị du lịch sinh thái Nhơn Hội chiếm hơn 1.322 tỷ đồng.

Phát hành trái phiếu dồn dập, nợ vay của Phát Đạt đang tăng mạnh

Tổng tài sản của BĐS Phát Đạt tính đến cuối tháng 9 trên 19.676 tỷ đồng, tăng trên 25% so với đầu năm. Trong đó, hàng tồn kho chiếm gần 11.921 tỷ đồng, tăng 28% so với đầu năm. Nguyên nhân do Công ty phát sinh ghi nhận hàng tồn kho đối với các chi phí liên quan đến ba dự án gồm Dự án Bình Dương Tower, Dự án Phước Hải và Dự án Trần Phú Đà Nẵng.

Nợ phải trả của BĐS Phát Đạt ghi nhận trên 11.914 tỷ đồng tính tại cùng thời điểm, tăng 14% so với đầu năm, chiếm hơn 60% tổng tài sản. Trong đó, phải trả người bán ngắn hạn tăng từ 288 tỷ đồng lên 1.186 tỷ đồng. Đáng lưu ý, nợ dài hạn phải trả tăng 19% lên 7.209 tỷ đồng. Trong khi đó, tài sản dài hạn tại Phát Đạt chỉ ở mức gần 4.260 tỷ đồng. Do đó, nợ dài hạn đã vượt qua tài sản dài hạn, gấp 1,7 lần.

Điểm cần chú ý chính là dư nợ vay của BĐS Phát Đạt tính đến 30/9/2021 tăng 13% so với đầu năm, chiếm gần 2.148 tỷ đồng. Trong đó, tuy nợ vay ngắn hạn giảm 64% xuống còn 507 tỷ đồng nhưng nợ vay dài hạn lại tăng gấp 2,4 lần so với đầu năm, lên gần 1.641 tỷ đồng.

Nợ phải trả tại BĐS Phát Đạt cán mốc hơn 11.000 tỷ đồng, nợ vay tăng nhanh
Nợ vay tại BĐS Phát Đạt từ năm 2019

Nợ vay dài hạn tại Phát Đạt ‘phình to’ chủ yếu do dồn dập phát hành trái phiếu với lãi suất cao. Cụ thể, tại thời điểm cuối quý 3/2021, nợ vay qua hình thức phát hành trái phiếu ghi nhận hơn 1.369 tỷ đồng. Mục đích của các đợt phát hành là tài trợ các dự án của công ty và các công ty con được đảm bảo bởi cổ phiếu PDR. Lãi suất các đợt phát hành trái phiếu đều ở mức 13%.

Nợ phải trả tại BĐS Phát Đạt cán mốc hơn 11.000 tỷ đồng, nợ vay tăng nhanh
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 3/2021 tại Phát Đạt

Theo tìm hiểu, từ đầu năm đến nay, BĐS Phát Đạt đã 5 lần huy động vốn qua kênh trái phiếu. Lần gần nhất vào đầu tháng 9/2021, doanh nghiệp này huy động thành công 230 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 1 năm với lãi suất 13%/năm. Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và có bảo đảm bằng tài sản là 6.745.000 cổ phiếu PDR.

Mục đích phát hành để tài trợ vốn cho dự án Phân khu 4, Phân khu 2 và Phân khu 9 thuộc Khu đô thị du lịch sinh thái Nhơn Hội, Khu kinh tế Nhơn Hội, Bình Định. Đồng thời, tài trợ vốn cho các công ty con để thực hiện Dự án Trung tâm Thương mại và căn hộ cao cấp Bình Dương và dự án Hạ tầng kỹ thuật Nội bộ khu I (khu Cổ Đại).

Nợ phải trả tại BĐS Phát Đạt cán mốc hơn 11.000 tỷ đồng, nợ vay tăng nhanh

Thực tế, bất động sản hiện được ngân hàng xếp vào loại rủi ro nên tín dụng cấp vào lĩnh vực này đang bị siết chặt. Trong bối cảnh đó, Phát Đạt nói riêng và nhiều doanh nghiệp bất động sản khác vẫn đang tích cực gọi vốn bằng trái phiếu với mức lãi suất cao hơn đáng kể so với bình quân thị trường khiến nợ vay của công ty tăng mạnh.

Trước tình hình trái phiếu doanh nghiệp ngày càng nóng, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã phải có văn bản yêu cầu Vụ Tài chính ngân hàng chủ trì, phối hợp với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các đơn vị triển khai các quy định mới về phát hành trái phiếu doanh nghiệp tại Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ.

Đồng thời, Vụ Tài chính ngân hàng cùng các đơn vị liên quan nghiên cứu, tiếp tục hoàn thiện các quy định về quản lý, giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp, trong đó tập trung xây dựng các biện pháp thanh tra, giám sát, thắt chặt việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ không có tài sản đảm bảo hoặc chất lượng tài sản đảm bảo và uy tín của doanh nghiệp phát hành thấp nhằm hướng tới thị trường minh bạch, an toàn và hạn chế rủi ro.

Bên cạnh đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chủ trì, phối hợp với Vụ Tài chính ngân hàng và các cơ quan liên quan tăng cường, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát tình hình phát hành và cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, đặc biệt là việc phát hành của các doanh nghiệp nhỏ lẻ, mới thành lập, hoạt động trong các lĩnh vực có tính rủi ro cao, có kết quả kinh doanh không rõ ràng, thực chất.

Ngoài ra, người đứng đầu Bộ Tài chính cũng yêu cầu các đơn vị tập trung rà soát, kiểm tra phát hiện các doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm, lách quy định của pháp luật trong việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Trường hợp phát hiện các hành vi lừa đảo, có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư thì khẩn trương chuyển cơ quan công an xử lý theo quy định của pháp luật.

Nguồn: Nợ phải trả tại BĐS Phát Đạt cán mốc hơn 11.000 tỷ đồng, nợ vay tăng nhanh

Hà Phương - Huy Tùng

kinhtexaydung.petrotimes.vn