Phụ huynh “oằn vai” vì giá sách giáo khoa mới tăng cao

16:48 | 13/05/2022

|
“Đổi mới giáo dục, chưa biết có gì hay hơn nhưng cái nhìn thấy rõ là tiền mua sách giáo khoa (SGK) nhiều hơn, gánh nặng trên vai của phụ huynh nhiều hơn”, chị Đinh Thị Thảo (quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ.
Phụ huynh “oằn vai” vì giá sách giáo khoa mới tăng cao
Giá sách giáo khoa mới tăng thêm gánh nặng cho đa số phụ huynh

Giá SGK mới gấp nhiều lần giá cũ

Giá SGK các lớp 3, 7, 10 theo chương trình mới sẽ triển khai vào năm học 2022-2023 đều có giá cao hơn 2-3 lần so với SGK hiện hành. Theo Luật Giáo dục 2019, chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ triển khai với nhiều SGK do các đơn vị khác nhau biên soạn và được Bộ GD&ĐT phê duyệt. Khác với thời cả nước chỉ có 1 bộ SGK được Nhà nước trợ giá, SGK mới được làm bằng nguồn vốn doanh nghiệp hoàn toàn.

Bối cảnh này khiến giá SGK chịu tác động bởi áp lực cạnh tranh giữa các đơn vị, lệ thuộc vào nhiều yếu tố: Chất lượng sách, chi phí makerting, khai thác thị trường. Bên cạnh đó, sự thay đổi chương trình giáo dục cũng dẫn tới thay đổi về số đầu SGK/bộ. Cụ thể đầu sách đều tăng ở tất cả các lớp. Nội dung sách dày hơn theo yêu cầu của chương trình.

Theo một tiết lộ của đơn vị làm sách thì chi phí "khai thác thị trường" chiếm tỷ lệ rất lớn trong chi phí đầu vào. Trong đó có các hoạt động giới thiệu, quảng bá sách, tổ chức hội thảo, tọa đàm, các đợt tập huấn sử dụng SGK cho giáo viên các nhà trường, địa phương khác nhau…

"Học sinh phát triển năng lực, phẩm chất hay không, lệ thuộc vào chương trình, vào phương pháp dạy học chứ không thể lệ thuộc vào sách in 2 hay 4 màu, lý giải của đơn vị làm sách không thuyết phục. Còn nếu đúng đây là yêu cầu của Bộ GD&ĐT thì Bộ cần phải xem lại việc này", anh Trần Nguyên, một phụ huynh trong group phụ huynh trường THPT Cầu Giấy (Hà Nội) chia sẻ.

Để cạnh tranh, các đơn vị đều làm sách đẹp, kích cỡ lớn hơn, giấy tốt hơn và thay vì chỉ in 2 màu như trước đây thì các đơn vị đều in 4 màu. Nhiều SGK có số lượng hình ảnh khá nhiều và theo xu thế hiện đại, SGK giấy được tích hợp với SGK điện tử. Trên mỗi cuốn SGK giấy sẽ có tem ở bìa sau. Học sinh cào tem để lấy mã số truy cập vào đường link dẫn tới sách điện tử. Chiếc tem để sử dụng SGK điện tử này góp phần làm cho giá SGK giấy đội lên.

Theo NXB Giáo dục Việt Nam, bộ SGK lớp 3 có giá bìa từ 177.000 đồng/bộ đến 183.000 đồng/bộ (có 12 đầu sách, chưa bao gồm sách tiếng Anh). Bộ SGK lớp 7 từ 208.000 đồng/bộ đến 209.000 đồng/bộ (có 13 đầu sách, chưa bao gồm sách tiếng Anh). Bộ SGK lớp 10 từ 246.000 đồng/bộ đến 301.000 đồng/bộ (tuỳ thuộc tổ hợp môn học và chuyên đề học tập mà học sinh lựa chọn).

Bộ sách lớp 10 sẽ được tính toán theo thiết kế của chương trình lớp 10 mới. Theo đó mỗi học sinh sẽ cần sách của 7 môn học bắt buộc, 5 môn học lựa chọn và 3 chuyên đề tự chọn. Mức giá bộ sách lớp 10 của NXB Giáo dục Việt Nam nêu ở trên mới chỉ tính sách của 5/7 môn học bắt buộc (sách môn Ngoại ngữ chưa có giá và sách/tài liệu giáo dục địa phương do các địa phương biên soạn), 5 môn học lựa chọn và 3 chuyên đề tự chọn.

Bộ SGK Cánh diều lớp 3, 7, 10 (của Công ty đầu tư xuất bản-thiết bị giáo dục Việt Nam liên kết với NXB ĐH Sư phạm, NXB ĐH sư phạm TP.HCM, NXB ĐH Huế phát hành) còn có mức giá cao hơn các bộ sách của NXB Giáo dục Việt Nam (khoảng 20%). Cụ thể bộ SGK lớp 3 có mức giá 220.000 đồng/bộ (chưa tính sách Ngoại ngữ).

SGK lớp 7 có giá 255.000 đồng/bộ (chưa tính giá sách Ngoại ngữ). Với lớp 10, chỉ riêng các đầu sách của những môn học bắt buộc (chưa tính Ngoại ngữ, giáo dục địa phương) đã có giá gần 200.000 đồng. Các đầu sách thuộc nhóm môn học lựa chọn có mức giá từ 35.000- 39.000 đồng/cuốn, sách chuyên đề có giá từ 13.000-20.000 đồng/cuốn. Theo ước tính một học sinh cần mua sách thuộc môn học bắt buộc, lựa chọn và chuyên đề như quy định của Bộ GD&ĐT với bộ Cánh diều cần khoảng trên 300.000 đồng/bộ (chưa tính sách Ngoại ngữ, giáo dục địa phương).

Phụ huynh “oằn vai” vì giá sách giáo khoa mới tăng cao

Hiện các đơn vị xuất bản đều chưa công bố giá sách Ngoại ngữ. Nhưng có những cuốn SGK Ngoại ngữ đang dự kiến giá khoảng trên 100.000 đồng, chưa kể sách bài tập đi kèm. Theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, môn Ngoại ngữ là môn học bắt buộc từ lớp 3 trở lên. Điều đó có nghĩa là mỗi bộ SGK mới (từ lớp 3 trở lên) sẽ phải cộng thêm ít nhất trên dưới 100.000 đồng.

Mỗi đầu SGK của các đơn vị đều có thêm sách bài tập, vở bài tập in (đối với học sinh tiểu học). Loại sách bổ trợ này không bắt buộc, nhưng đa số nhà trường đều hướng dẫn học sinh sử dụng sách bài tập, vở bài tập nên phụ huynh vẫn chủ động mua hoặc được nhà trường, giáo viên gợi ý mua. Bộ SGK mới tính cả sách bổ trợ "đính kèm" có giá rất đắt, khoảng trên dưới 400.000 đồng/bộ.

So sánh với SGK hiện hành thì mức giá SGK mới cao hơn hẳn. Cụ thể, nếu bộ SGK lớp 3 hiện hành (chưa bao gồm sách Ngoại ngữ) chỉ khoảng 60.000 đồng/bộ thì giá SGK mới công bố là gần 210.000 đồng/bộ. Giá bộ SGK lớp 7 hiện hành (chưa bao gồm sách Ngoại ngữ có giá bìa là gần 120.000 đồng/bộ thì bộ SGK mới cũng chưa bao gồm sách tiếng Anh là gần 210.000-255.000 đồng/bộ. SGK lớp 10 hiện hành với 13 môn học giá 164.000 đồng/bộ. Bộ sách mới chưa tính môn Ngoại ngữ đã khoảng trên dưới 300.000 đồng/bộ.

Mặc dù các đơn vị xuất bản đều giải trình lý do kê khai giá sách mới cao hơn nhiều sách cũ nhưng đứng ở góc độ người dân phải bỏ tiền mua sách cho con thì rõ ràng gánh nặng tiền sách đè nặng hơn.

Thêm gánh nặng với học sinh nghèo

Một điểm vô lý được các phụ huynh phát hiện, đó là chiếc tem "tích hợp công nghệ 4.0" để học sinh truy cập dùng sách điện tử. Chị Nguyễn Thị Thái, một phụ huynh ở Phủ Lý, Hà Nam cho rằng: "Học sinh ở vùng nông thôn, vùng khó khăn sẽ không cần sử dụng sách điện tử, thậm chí không có điều kiện về mạng internet, thiết bị để truy cập sử dụng sách điện tử. Nhưng việc "dán tem" đồng loạt lên sách để tăng giá, vô hình trung khiến nhiều học sinh khó khăn phải "gánh" thêm chi phí vô lý: Bỏ tiền mua nhưng không sử dụng.

Tiền học với đủ loại phụ thu vào năm học mới vốn khiến phụ huynh học sinh căng thẳng, giờ thêm tiền SGK cao sẽ gây nên áp lực lớn hơn. Trong khi hiện nay tỷ lệ người dân có mức sống trung bình trở xuống vẫn chiếm đa số, nhiều học sinh ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa có hoàn cảnh khó khăn.

Với thực trạng này, nhiều phụ huynh cho rằng "thay vì học sách đẹp, chỉ cần sách ít đẹp hơn nhưng giá rẻ". Trước lập luận của đơn vị xuất bản rằng "sách in 4 màu, nhiều hình ảnh là để đảm bảo yêu cầu chương trình mới phát triển năng lực, phẩm chất người học", trên một số nhóm, các phụ huynh học sinh cho rằng họ chỉ cần sách 2 màu.

Một nữ giáo viên tiểu học ở Ba Vì (Hà Nội) cho biết, với gia đình học sinh có gia cảnh khó khăn, giá sách tăng cao là một gánh nặng. "Tôi không hiểu sao môn giáo dục thể chất cho học sinh tiểu học lại phải có SGK. Trong khi trên thực tế chỉ cần sách giáo viên là đủ. Vì đây là môn học vận động ngoài trời là chủ yếu, cần giáo viên hướng dẫn trực tiếp. Chưa kể với học sinh lớp 1 còn chưa đọc thông viết thạo sẽ khó tiếp cận SGK với các khái niệm, cách diễn đạt khó hiểu. Những quy định về đầu sách như thế này khiến tiền sách nặng thêm", người giáo viên này nói.

Trách nhiệm của Bộ GD&ĐT thế nào?

Trong câu chuyện giá SGK cao, Bộ GD&ĐT cũng không thể lờ đi trách nhiệm của mình. Cụ thể là với những môn học không cần thiết phải có SGK như môn giáo dục thể chất, hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp, Bộ GD&ĐT phải rà soát, đánh giá lại để điều chỉnh.

Tương tự, Bộ GD&ĐT cần có quy định tối thiểu về chất lượng, bao gồm cả về hình thức trình bày, chất liệu in ấn, nội dung để các đơn vị làm sách có cơ sở. Trong quy định về phê duyệt SGK cần khuyến khích việc xuất bản SGK đảm bảo chất lượng tối thiểu, có chi phí đầu vào thấp thay vì "thả cửa" cho các đơn vị xuất bản cạnh tranh làm sách đẹp để "chém đẹp" phụ huynh khi đẩy giá quá cao.

Việc các nhà trường kết hợp với các đơn vị xuất bản để gián tiếp ép học sinh mua sách bổ trợ đi kèm với SGK cũng cần Bộ GD&ĐT có biện pháp mạnh hơn để can thiệp. Vì đây là tình trạng phổ biến kéo dài từ thời "SGK độc quyền" nhưng không được Bộ GD&ĐT xử lý dứt điểm.

Nguồn: Phụ huynh “oằn vai” vì giá sách giáo khoa mới tăng cao

Hà Lê

phunuvietnam.vn