Sản phẩm của Dược phẩm Hoa Sen “nổ” công dụng như thuốc chữa bệnh: Trách nhiệm thuộc về ai?

22:50 | 22/06/2021

|
Hàng loạt các sản phẩm của Công ty TNHH Dược phẩm Hoa Sen được “lái” sang nghĩa khác, thậm chí tự ý “vẽ” thêm công dụng cho dòng sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên website https://duochoasen.com.vn và nhiều website khác gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng về công dụng thật của sản phẩm, nhưng trách nhiệm lại không thuộc về công ty này?
Việt Nam cấp phép cho vaccine Covid-19 đầu tiên của hãng dược phẩm AstraZenecaViệt Nam cấp phép cho vaccine Covid-19 đầu tiên của hãng dược phẩm AstraZeneca
Cục quản lý Dược yêu cầu thu hồi lô thuốc tiêm B-COMENE không đạt tiêu chuẩn chất lượngCục quản lý Dược yêu cầu thu hồi lô thuốc tiêm B-COMENE không đạt tiêu chuẩn chất lượng

Một sản phẩm - hai công dụng?

Trên websitehttps://duochoasen.com.vn hiện đang quảng cáo, giới thiệu rất nhiều các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe (TPBVSK) do Công ty TNHH Dược phẩm Hoa Sen chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường. Những quảng cáo này “lệch lạc” so với công dụng được cấp, cùng một sản phẩm nhưng lại có hai công dụng khác nhau, gây hiểu nhầm TPBVSK có tác dụng như thuốc chữa bệnh. Nhưng website này lại thuộc về Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Hoa Sen.

Trên các website này, sản phẩm TPBVSK Siro Tiêu ban thủy New được quảng cáo có nội dung công dụng: Giúp thanh nhiệt, giải độc; Giảm các triệu chứng dị ứng, mẩn ngứa ngoài da. Và trong phần hướng dẫn sử dụng không biết do vô tình hay cố ý có thêm nội dung: Để giúp giảm ngứa nhanh và phòng ngừa tái phát… Trong khi công dụng được xác nhận trong nội dung Giấy xác nhận nội dung quảng cáo số 01105/2019/ATTP-XNQC là: Hỗ trợ thanh nhiệt giải độc, hỗ trợ giảm dị ứng, mẩn ngứa ngoài da.

Tương tự như vậy, sản phẩm Green Hair Hoa Sen có công dụng được Cục An toàn thực phẩm cấp tại Giấy xác nhận nội dung quảng cáo số 01553/2018/ATTP-XNQC: Hỗ trợ bổ huyết, bổ sung dưỡng chất nuôi dưỡng tóc, hỗ trợ giúp tóc đen mượt, hỗ trợ giảm rụng tóc. Nhưng khi quảng cáo, Công ty này đã “bỏ bớt” từ “hỗ trợ” và thay thế bằng: Giúp nuôi dưỡng tóc, giúp đen mượt tóc, giảm rụng tóc.Và cũng trong phần hướng dẫn sử dụng thay vì hướng dẫn cách dùng lại thay bằng: Để giúp ngăn ngừa rụng tóc, ngăn ngừa tóc bạc sớm, tóc khô và chẻ ngọn, mang lại cho bạn mái tóc đen dày, bóng mượt, chắc khỏe…Nội dung này hoàn toàn không có trong nội dung Giấy xác nhận nội dung quảng cáo mà do Công ty này tự ý “vẽ” thêm.

Cũng trên các website này, sản phẩm Bạch địa căn - Hose có công dụng được xác nhận: Giúp bổ khí, bổ huyết, thoát nhiệt, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Nhưng khi quảng cáo lại “sửa” thành: giúp làm giảm các biểu hiện của cảm sốt nóng cần hạ nhiệt, đau đầu,...

Sản phẩm của Dược phẩm Hoa Sen “nổ” công dụng như thuốc chữa bệnh: Trách nhiệm thuộc về ai?
TPBVSK Green Hear được bỏ bớt từ “hỗ trợ” khi quảng cáo.

Điều đáng nói ở đây là sự “nhầm lẫn” có hệ thống khi mỗi sản phẩm đều được giới thiệu bằng một công dụng có từ “hỗ trợ” nhằm né tránh cơ quan chức năng kiểm tra và công dụng được “lái” nội dung gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng.

Ví dụ như sản phẩm TPBVSK Di Niệu Đơn có nội dung “Giúp cải thiện tình trạng tiểu rắt, tiểu đêm, tiểu nhiều lần, tiểu không tự chủ do chức năng thận kém” khi giới thiệu về sản phẩm này. Nhưng trong phần công dụng phía dưới lại là “Hỗ trợ bổ thận, giảm tình trạng tiểu đêm, tiểu nhiều lần, tiểu rắt, tiểu không tự chủ do chức năng thận kém” và công dụng thực tế được cấp trong Giấy xác nhận nội dung quảng cáo số 00377/2018/ATTP-XNQC là: “Giúp bổ thận, bổ khí huyết, tăng cường chức năng thận, hỗ trợ giảm các triệu chứng…”. Ở đây có sự “lệch lạc” về công dụng của cùng một sản phẩm và không biết do “vô tình hay cố ý” mà hầu như các sản phẩm trên website này đều mắc cùng một lỗi như vậy.

Sản phẩm của Dược phẩm Hoa Sen “nổ” công dụng như thuốc chữa bệnh: Trách nhiệm thuộc về ai?
Cùng một sản phẩm nhưng lại có 2 công dụng khác nhau và vẫn không trùng với công dụng được cấp.

“Không phải một” nhưng “lại là một”

Ngoài website https://duochoasen.com.vn nêu trên, các website https://benhrungtoc.com.vn quảng cáo sản phẩm TPBVSKGreenHair, websitehttps://bachdiacan.vn quảng cáo sản phẩm TPBVSK Bạch Địa Căn, website https://viemnhiemphukhoa.net.vn quảng cáo sản phẩm TPBVSK Ngọc Nữ Hương, website https://suckhoesinhly.com.vn quảng cáo sản phẩm TPBVSK Tiên Nữ Đan, Vương Nam Đan vàwebsite https://hobachhong.vn quảng cáo sản phẩm TPBVSK Siro ho Bạch Hồng cũng có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo, quảng cáo không đúng với công dụng được Cục An toàn thực phẩm xác nhận, gây hiểu nhầm TPBVSK có tác dụng như thuốc chữa bệnh.

Các sản phẩm nêu trên đều do Công ty TNHH Dược phẩm Hoa Sen chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường và các website này đều sử dụng logo và số điện thoại liên hệ 1900636416 (tổng đài tư vấn sức khỏe của Công ty Dược phẩm Hoa Sen) được cho là của Công ty TNHH Dược phẩm Hoa Sen khiến người xem dễ hiểu nhầm đây là những website của Công ty này.

Nhưng người đăng ký vận hành các webiste này lại là ông Phạm Minh Tiến. Khi PV gọi điện đến số cá nhân của ông Phạm Minh Tiến, ông đã thừa nhận đó là các website của ông nhưng ông chỉ là người phân phối, không phải người thuộc công ty Hoa Sen và không có quan hệ gì với Công ty này.

Sản phẩm của Dược phẩm Hoa Sen “nổ” công dụng như thuốc chữa bệnh: Trách nhiệm thuộc về ai?
Sản phẩm của Dược phẩm Hoa Sen “nổ” công dụng như thuốc chữa bệnh: Trách nhiệm thuộc về ai?
Các website quảng cáo sản phẩm như thuốc chữa bệnh đều sử dụng logo và số điện thoại được cho là của Công ty TNHH Dược phẩm Hoa Sen nhưng lại “không liên quan gì” đến Công ty này.

Theo thông tin PV tìm hiểu, Công ty TNHH Dược phẩm Hoa Sen có địa chỉ tại phường Thống Nhất, thành phố Nam Định và ông Phạm Minh Tiến cũng có địa chỉ tại phường Năng Tĩnh, thành phố Nam Định.

Việc quảng cáo thực phẩm chức năng có tác dụng như thuốc chữa bệnh là lừa dối người tiêu dùng, gây ảnh hưởng tới sức khỏe và túi tiền của người tiêu dùng theo đúng nghĩa đen.

Để an toàn sức khỏe cho người sử dụng, tránh sử dụng sản phẩm quảng cáo không đúng sự thật về công dụng sản phẩm, đề nghị các cơ quan chức năng rà soát, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc./.


Nguồn: Sản phẩm của Dược phẩm Hoa Sen “nổ” công dụng như thuốc chữa bệnh: Trách nhiệm thuộc về ai?

Mỹ Hạnh

Báo Pháp Luật Việt Nam